PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Chuột gỗ húc tường

NDO -

Giấc mơ về những con chuột gỗ cho máy tính sẽ xuất hiện nhiều hơn trong gia đình, công sở, cơ quan và cao hơn nó là quà tặng của người làm ra và người mua nó đã thôi thúc chàng trai trẻ Đỗ Bá Huy dấn thân theo đuổi. Sau ba năm ra mắt sản phẩm, cuối tháng bảy, đầu tháng tám này Huy làm chuyến hành trình xuyên việt bằng xe đạp với niềm tin “không để ước mơ của mình… chết đói” và thông điệp: “Hàng Việt- người Việt biết”.

Chuột gỗ húc tường

1.710 KM VỚI CUA-RƠ NGHIỆP DƯ, KHÔNG TIỀN

“Trên cái nền chuồng heo của mẹ khi xưa, tôi đang tự tin xây dựng dự án sản xuất chuột gỗ máy tính Việt Nam đủ sự khác biệt và nội lực để gia nhập thị trường với các nhà khổng lồ”. Huy đã kể về mình như vậy. Ba năm khởi nghiệp, số nợ ngày một tăng cao mà sản phẩm thì ít người hỏi đến. Đợi chờ một giấc mơ tiêu tan hay tan theo giấc mơ cũng vậy? Đã một lần phá sản vì Công ty IT, nay lại nhìn đống chuột gỗ Kun Kun chẳng “bò” được tới đâu. Ngày 21-7-2013, bỏ lại những lời can ngăn của người thân, lời gàn của vợ, Huy cùng chiếc xe đạp và 86 con chuột máy tính làm bằng gỗ của mình lên đường. Một chuyến hành trình từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Tâm niệm của Huy là giới thiệu sản phẩm tới mọi người địa phương mình đi qua, dừng chân. Sau 22 ngày đạp xe, Huy đã có mặt tại TP Thanh Hóa. Từ chỗ không có đồng tiền lận lưng, Huy đã có hơn sáu triệu đồng từ 50 con chuột bán, hai con chuột tặng và bao nhiêu ân tình gói ghém.

Trước đêm ở Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Huy đã có một đêm ở Phong Nha (Quảng Bình). Vợ chồng anh Phục, chị Huế mời Huy về nhà cơm nước, ngủ nghỉ và trò chuyện. Sáng, tiễn Huy lên đường bằng một chầu bún cá lóc cùng ly cà-phê thơm lừng. Đoạn đường dài đang dần ngắn lại. Kỷ niệm thì dài mãi ra. Gia đình đầu tiên Huy tá túc là vợ chồng chị Mai - anh Hùng ở Phan Thiết. Vợ chồng chị Mai làm bún, bánh hỏi. Đêm đó, là đêm đầy hoang mang. Chưa bán được con chuột nào, tiền không có. “Thương gia” lỡ đường gặp được người… quen. Với vẻ chân thành của một người bán chuột dạo, anh chị mời Huy tới nhà. Sáng chia tay với bao kỷ niệm, Huy tặng anh chị một con chuột mang số 11, anh chị không nhận vì chỉ có làm bún chứ có xài máy tính đâu. Huy khuyến khích mãi họ mới chịu.

Dặm đường còn xa, chuột chỉ bán được vài con, thời gian để nói, để chào hàng thì quá nhiều. Không ai có nhu cầu hay nhu cầu của họ mà mình chưa tìm được đường mở để đến. Câu hỏi lơ lửng trên đầu mà hai ống xương chân thì buốt đau vì đường dài, vì lên đèo xuống dốc. Cái gió Tuy Hòa lãng mạn với các nhà… thơ. Còn Huy, lúc khô khát vì nắng, lúc cơn mưa ập xuống giăng kín lối đi. Phía trước đường dài, phía sau những thất bại. Buông xuôi, đánh một bức điện về nhà xin viện trợ tiền mua tấm vé về Sài Gòn thì quá đỗi nhẹ nhàng. Làm vậy hèn lắm. Một lời hứa với bản thân là một lời hứa danh dự, phải trả bằng danh dự. Đi.

Tuy Hòa lùi xa. Tuy An, Sông Cầu những huyện của Phú Yên cũng lùi xa. Đèo Cù Mông hiện ra trước mặt. Chà, đèo cao, đèo cũng đẹp, khám phá đèo này, một góc nhìn trời mây và nước, thú vị đây. Đang suy tư nghĩ ngợi thì có người gọi từ phía sau. Vậy thì làm quen. Chú Bình có khu nghỉ mát rì-sọt, khi biết cái trăn trở, cái ý định và một cái túi… không tiền của Huy, chú Bình mời Huy vào nghỉ trong khu nghỉ mát của mình. Vài lần khởi nghiệp, vài lần mang mác doanh nhân nhưng giấc mơ được nghỉ rì-sọt là một ước mơ xa. Nay, trong bối cảnh này, lại thành một hiện thực. “Húc đầu vào tường”, “lê lết” vì nợ lại gặp doanh nhân thành công. Họ đã nói chuyện với nhau trong một đêm đầy gió bên chân đèo Cù Mông, để rồi ngày mai, Huy sẽ đến vùng Trung Trung Bộ.

MIỀN TRUNG CỦA BIỂN VÀ… TÔI

Khám phá chiều dài đất nước, khám phá sức mạnh bản thân và sự lì đòn trong chuyến đi mà nhiều người cười khẩy cho rằng… ngớ ngẩn. Bao nhiêu phản biện về sản phẩm giá cao. Người dùng, tay ra nhiều mồ hôi liệu có thích hợp. Con chuột máy tính - cái sản phẩm mua để dùng chứ không phải cất trong hộp thỉnh thoảng mang ra ngắm! Một chuyến đi không có bạn đồng hành. Chính những lúc này, Huy khám phá ra bản ngã của con người mình. Có rất nhiều con người trong mình cũng đầy cảm hứng và cũng rất mâu thuẫn. Có thể mình không thành một nhà kinh doanh, có thể mình không thành một nhà thơ, có thể và khó thở… vì mệt! Không sao. Đi thôi chứ quay lại chỉ gieo thêm sự coi thường, chán nản. Cuộc sống, ai cũng ngước lên sự thành công, ngưỡng mộ sự thành công. Nói về sự thành công một cách chân thật cũng dễ, mà nói ba hoa cũng lắm người tin. Thành công thì gọi là bí quyết, thất bại thì thành trò cười. Mà nói về sự thất bại, dù có chân thật, dù có nén lòng đến mấy vẫn bị dè bỉu…

Biển cứ xanh, miền trung cứ dài theo vòng lăn xe đạp. Nhớ lại đêm 29 Tết vừa rồi, một mình với biển Vũng Tàu. Biển nung nấu trong lòng những gì không biết? Còn Huy thì nung nấu những thất bại trong lòng. Một ngàn câu hỏi vì sao nhưng nhất định “Không thể để ước mơ của mình chết đói”! Huy cho biết: “Và tôi, khi đã lựa chọn cho mình con đường này, tôi biết, tôi đã và sẽ sứt đầu mẻ trán nhiều lần nữa. Nhưng tôi chấp nhận, không phải tôi là kẻ cố chấp, nhưng tôi không cam tâm”!

Huy nói vậy, tôi suy nghĩ lại những điều mình đã đọc. Trong sự đọc của tôi, có những người đi làm tư tưởng, làm triết gia, làm thơ đều thất bại thì đi làm kinh doanh. Với Huy, tôi mường tượng một điều ngược lại. Đêm qua, khi chúng tôi trao đổi với nhau thì thấy, ở trong con người Huy đang có những bứt phá lên, nhưng hiện thực thì nhấn chìm Huy xuống. Nghiền nát! Tôi quở Huy, đi bán hàng thì chỉ nghĩ đến bán được và lợi nhuận. Vậy mà, khi đến chân đèo ngang có người mua con chuột Kun Kun với giá 400 ngàn, cộng thêm hai chai nước suối. Nhất định Huy không bán. Ở Phong Nha có người mua chuột với giá 500 ngàn về dùng nhưng khi nghe chuyện của họ đang dùng chuột nhựa, Huy cũng không bán luôn… Còn câu chuyện dọc đường tặng quà và được tặng quà thì nhiều. Và rồi trên chiếc xe đạp, Huy chỉ mang theo quà tặng trong tâm tưởng, còn phần quà thật Huy biếu lại những người cần. Nhiều lúc, Huy như “ông cụ già”, chia sẻ: “Tôi tin, tôi sẽ tạo nên những giá trị”. Và nhiều lúc những câu thơ một thời đọc được trên ghế nhà trường lại bật lên trong đầu Huy, an ủi bước đường nhọc nhằn của Huy: “Cây tre năm ấy giữ làng/ Bờ đê hạt gạo mùa màng quê hương”.

Cây tre ám ảnh Huy từ đó. Đến khi lớn lên, đến khi biết nghĩ thì cây tăm của nước mình cũng phải nhập khẩu. Huy buồn, một nỗi buồn của người yêu thơ mang “thân phận” doanh nhân. “Ngấm đòn” trong vài lần khởi nghiệp không thành. Thấm mệt trong chuyến đi dài, vậy mà Huy vẫn hào sảng: “Tôi không ngại hay lo sợ bất kỳ điều gì về khó khăn trước mắt, và cũng chưa bao giờ phàn nàn về những gì bố mẹ, quê hương và đất nước đã trao tặng cho tôi cách này hay cách khác. Đến lúc này đây, đọc lại lần nữa cái gọi là “đến cây tăm cũng phải nhập”, tôi đã thẳng tay gạch hẳn dòng chữ ấy và lên phương án thay thế toàn bộ hoặc đẩy nhanh thay thế những giá trị nhập khẩu trong sản xuất và thương mại của doanh nghiệp mình”…

Chặng đường đi đã cán đích, gặp bạn bè ở Hà Nội, Huy chia sẻ: “Phải làm cho kỳ được, để không phụ lòng kỳ vọng của biết bao khách hàng và anh chị em trên đất nước này đã và đang cùng chung một sứ mạng”. Cùng chung sứ mạng đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng. Đó là trăn trở cũng là khát vọng không riêng Huy mà của nhiều doanh nhân khởi nghiệp khác.

Chuột gỗ húc tường ảnh 1

Đỗ Bá Huy gặp gỡ các bạn trẻ dọc hành trình.

* Đợi chờ một giấc mơ tiêu tan hay tan theo giấc mơ cũng vậy? Đã một lần phá sản vì Công ty IT, nay lại nhìn đống chuột gỗ Kun Kun chẳng “bò” được tới đâu.

* Đỗ Bá Huy, sinh năm 1982 tại Trảng Bom, Đồng Nai. Tốt nghiệp khoa Toán, Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Năm 2006, Huy khởi nghiệp kinh doanh thành lập Công ty IT bằng số vốn cầm cố nhà đất của ông bà, cùng bạn bè hùn hạp. Mấy tháng kinh doanh, sau một đêm ngủ dậy đến công sở chỉ còn một… nhân viên kế toán. Bạn bè thân cận bao năm cũng vì kinh doanh “mặn, nhạt” rồi… xa nhau. Trắng tay nhưng không chùn suy nghĩ. Năm 2009, Huy thai nghén các sản phẩm bàn phím, chuột máy tính bằng gỗ mết-in Việt Nam. Facebook của Huy: kẻ húc đầu vào tường (kehucdauvaotuong). Nhiều người com-men (comment) mong Huy có nhiều tường để húc và có người thì chúc Huy húc đổ nhiều tường!