Gia tăng ca mắc sởi ở người lớn, liệu có gì bất thường?

NDO -

NDĐT - Cuối 2018, đầu năm 2019, tỷ lệ mắc sởi ở người lớn có phần gia tăng so với cùng kỳ mọi năm. Theo Cục Y tế dự phòng, sởi ở người lớn chủ yếu rơi vào những người chưa đáp ứng miễn dịch hoặc người chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Nhiều người lớn mắc sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nhiều người lớn mắc sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 18-1, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019. Thông tin về bệnh sởi gia tăng ở người lớn nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên.

Gia tăng sởi ở người lớn có gì bất thường?

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc liệu có sự bất thường nào hay không trong việc gia tăng sởi ở người lớn, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhấn mạnh, có hai đối tượng người lớn dễ mắc sởi là do chưa từng tiêm sởi hoặc chưa tiêm sởi đầy đủ nên chưa có miễn dịch đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi.

Ông Tấn cho biết, để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi. Chiến dịch đầu tiên là tiêm sởi - rubella tại 33 huyện của 6 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trong tháng 8-2018 cho 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi, đạt tỷ lệ 96,15%. Chiến dịch thứ hai là mở rộng triển khai tiêm vaccine sởi tại 55 huyện thuộc 13 tỉnh nguy cơ cao.

Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.

“Sau chiến dịch triển khai tiêm chủng này những người lớn chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều sẽ được tiêm. Qua đó sẽ có miễn dịch, tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Hy vọng với độ bao phủ sởi trên 95% trên quy mô xã, phường thì công tác phòng chống sởi sẽ được kiểm soát tốt”, ông Tấn nói.

Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. “Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vaccine nhất định như sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, chính kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Như thế, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi”, ông Tấn nhấn mạnh.

Đầu năm 2019 là điều kiện thời tiết thuận lợi, giao lưu giữa các vùng miền nên nguy cơ lây lan sởi cao. Vì thế, người dân và cộng đồng cần thực hiện theo khuyến cáo về công tác tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi. Khi phát hiện con em hoặc người thân bị sởi thì cần cách ly kịp thời để tránh lây nhiễm sang người khác.

Không chủ quan với dịch bệnh mùa đông xuân

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu đông- xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khoẻ yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. “Hơn nữa sự gia tăng sử dụng thưc phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác phòng chống bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, phòng chống bệnh sởi, rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vaccine phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Công tác giám sát cũng được tăng cường tại cộng đồng và cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Chỉ đạo việc tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh môi trường. Đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vaccine phòng bệnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine theo lịch.

Trong năm 2018, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vaccine cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A(H1N1)/09, A(H3N2), cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A(H5N1). Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí.

Cùng với đó, vaccine sởi do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ngày 18-10-2018, WHO công bố Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết ra khỏi các vấn đề y tế công cộng.

* Gia tăng sởi ở người lớn, lo ngại bùng phát dịch