Minh bạch trong thu phí BOT:

Vận hành ETC toàn bộ vào cuối năm 2019

Sau khi đăng tải bài “Thu phí tự động không dừng: Vì sao tiến độ chậm?” trên Nhân Dân cuối tuần số 13 (ra ngày 31-3), để tiếp tục tìm kiếm câu trả lời từ Cơ quan chức năng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ.

Vận hành ETC toàn bộ vào cuối năm 2019

- Thưa ông, vì sao Bộ luôn nhấn mạnh về đòi hỏi phải công khai, minh bạch trong quản lý các trạm thu phí BOT, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ việc gây bức xúc?

- Phải khẳng định rằng, công tác quản lý và công khai minh bạch doanh thu tại trạm thu phí BOT đã và đang được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy vậy, theo tôi cần phải làm rõ hơn sáu vấn đề trong công tác này.

Vấn đề đầu tiên, đó là việc sử dụng công nghệ thu phí. Trên thực tế, tất cả các trạm thu phí (TTP) đều được xây dựng quy trình thu phí trước khi triển khai thu phí và thực hiện thu phí theo quy trình phù hợp với công nghệ thu phí. Ngoài ra, theo quy định của Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30-12-2016 của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của TTP dịch vụ sử dụng đường bộ thì dữ liệu thu phí, ảnh chụp phương tiện, video làn, video cabin thu phí phải được lưu trữ với thời gian từ 1-5 năm. Đây là quy định rất quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể hậu kiểm nhằm phát hiện sai phạm trong công tác thu phí. Tiếp đến công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) được thực hiện theo Quyết định số 2255/QĐ-BGTVT ngày 21-7-2016 của Bộ GTVT về việc ban hành yêu cầu kỹ thuật chung đối với hệ thống thu phí ETC sử dụng công nghệ RFID trong GTVT đường bộ; áp dụng TCVN 10849:2015-Hệ thống thu phí điện tử...

Thứ hai, về công nghệ giám sát thu phí. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang triển khai hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Dự án sẽ đầu tư đường truyền tới trạm để truyền dữ liệu thu phí tức thời (dữ liệu thô, chưa qua hậu kiểm) về phần mềm giám sát trung tâm.

Thứ ba, việc giám sát công tác thu phí đã được triển khai tại 51/63 TTP của 47/59 dự án và báo cáo kết quả về Bộ GTVT. Công tác giám sát được thực hiện 24/24 giờ trong 10 ngày liên tục và toàn diện với tất cả các khâu của công tác thu phí như: hệ thống thiết bị thu phí, dữ liệu lưu trữ (số liệu, hình ảnh và video); việc xuất nhập vé, thu tiền tại các ca của mỗi TTP để xác định số thu chính xác.

Thứ tư, thông qua kiểm soát số thu, có thể thấy trong thời gian qua công tác báo cáo của nhà đầu tư (NĐT) được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý, nhất là NĐT đã báo cáo về lưu lượng và doanh thu thu phí. Mặt khác, định kỳ hằng năm, NĐT báo cáo số thu, lưu lượng, các chỉ tiêu tài chính và tình hình kinh doanh khai thác dự án trong năm kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán và Báo cáo quyết toán thuế.

Thứ năm, thông qua công tác kê khai báo cáo, kê khai và quyết toán nhằm giúp các NĐT thực hiện kê khai, quyết toán thuế hằng tháng, hằng năm của các TTP với cơ quan thuế địa phương và được cơ quan thuế địa phương theo dõi, quyết toán thuế theo quy định.

Thứ sáu, thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các dự án BOT cũng đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện và đã công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31-12-2019, toàn bộ các TTP đường bộ phải triển khai hệ thống ETC. Tiến độ này liệu có được bảo đảm không, thưa ông?

- Tính đến thời điểm này, cơ bản các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã triển khai vận hành hệ thống ETC (26 trạm). Ngoài ra, để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí tự động, tăng số lượng phương tiện dán thẻ, tránh ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Bộ GTVT đã tập trung triển khai trước một số trạm ngoài quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thuộc các cửa ngõ thành phố có lưu lượng lớn như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Đồng Nai, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc, quốc lộ 10... vượt tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước ngày 31-12-2019.

Vận hành ETC toàn bộ vào cuối năm 2019 ảnh 1

Trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) bắt đầu thu phí trở lại từ ngày 20-3 vừa qua.

Tuy nhiên có thể thấy, việc triển khai dự án ETC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, số lượng phương tiện tham gia dịch vụ còn hạn chế. Trước hết, do các chủ thể tham gia còn bỡ ngỡ khi hệ thống ETC áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP phức tạp. Thứ hai, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể (nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ), nên mất khá nhiều thời gian để có sự đồng thuận của tất cả các bên...

- Vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để đạt được sự đồng thuận cho tất cả các bên liên quan?

- Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cũng như tăng số lượng phương tiện tham gia dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư của hệ thống như: tháo gỡ một số cơ chế trong Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg; các cơ chế liên quan đến liên thông, kết nối thanh toán giữa các ngân hàng; Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương nghiêm túc tham gia sử dụng dịch vụ; các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tuyên truyền chủ các phương tiện tham gia dịch vụ để tăng cường hiệu quả hệ thống…

Mặt khác, Bộ GTVT đã và đang tích cực triển khai, tuyên truyền, đàm phán với các nhà đầu tư BOT, các ngân hàng cung cấp tín dụng và bước đầu các bên đã có nhận thức chung, thống nhất chủ trương để triển khai thực hiện dự án, trong đó có sự đồng thuận của các nhà đầu tư BOT. Đặc biệt trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện, bảo đảm lắp đặt, vận hành toàn bộ các TTP đường bộ trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!