Vẫn cần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường

Các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện gặp áp lực lớn trong huy động vốn trung và dài hạn. Tăng lãi suất huy động là giải pháp hiệu quả tức thì, nhưng lãi suất đầu ra buộc phải ổn định. Bởi lợi nhuận của NHTM sẽ phải xếp sau mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.

Các tổ chức tín dụng đang phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định của NHNN.Ảnh: KHÁNH HUYỀN
Các tổ chức tín dụng đang phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định của NHNN.Ảnh: KHÁNH HUYỀN

Áp lực huy động vốn của các NHTM

Sau nhiều chỉ trích lẫn đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã đề cập đến việc sẽ giảm lãi suất ít nhất 0,25% trong tháng này và có thể sẽ giảm 50 điểm cơ bản sau cuộc họp chính sách vào tháng 9-2019. Cộng thêm những yếu tố khác như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc; diễn biến phức tạp trên Biển Đông… Những căn cứ này khiến giới phân tích cho rằng, giá vàng có thể vượt qua 1.450 USD/oz. Trong nước tại thời điểm 29-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ ở mức: 23.085 đồng/USD. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.392 VND/USD và tỷ giá trần là 23.778 VND/USD. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM quanh mức 23.160 đồng/USD-23.280 đồng/USD. Tỷ giá tăng, giá vàng tăng đã tạo thêm áp lực cho lãi suất khi nhu cầu huy động vốn trung dài hạn của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp (DN) tăng. Chưa kể sự sôi động của thị trường chứng khoán cũng gia tăng áp lực cạnh tranh huy động vốn.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định của NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm xuống 40%, và giảm tiếp về 30% trong thời gian tới. Để tăng tỷ lệ vốn trung dài hạn trong cơ cấu nguồn vốn, các NHTM đã tăng cường phát hành trái phiếu từ năm 2018 và tiếp tục tăng trong những tháng vừa qua. Đơn cử như ngân hàng BIDV đã phát hành xong 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm; ACB phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu/ tổng số dự kiến là 5.500 tỷ đồng; VietinBank sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu; VPBank đã huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn ba năm… Các NHTM lo huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định về bảo đảm an toàn hoạt động theo yêu cầu NHNN cũng như tiến tới áp dụng chuẩn basel II theo lộ trình.

Chính vì thế, tương lai gần là cung tín dụng trung và dài hạn sẽ bị thu hẹp. Nắm bắt xu hướng này của ngân hàng, các DN đã tăng cường phát hành trái phiếu để huy động vốn, giảm lệ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi lãi suất trái phiếu DN (TPDN) hiện phổ biến ở 12%/năm (có DN huy động với lãi suất lên đến 14,5%/năm) thì lãi suất trái phiếu NHTM quanh mức 7%/năm. Lãi suất trái phiếu ngân hàng không hấp dẫn bằng lãi suất TPDN, song hiện ngân hàng vẫn chiếm được lòng tin của nhiều nhà đầu tư hơn bởi uy tín và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với mức lãi suất khá hấp dẫn, nếu được ngân hàng bảo lãnh, rủi ro giảm thì TPDN sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, các TCTD đang gặp sức ép lớn khi phải cân đối, tính toán để đưa ra mức lãi suất huy động không chỉ đủ cạnh tranh với lãi suất TPDN mà còn với lãi suất của các TCTD khác. Đã xuất hiện yếu tố căng thẳng thanh khoản trong thời gian tới khi tăng trưởng huy động và cho vay chênh lệch không nhiều.

Mặt bằng lãi suất còn chịu áp lực từ trái phiếu Chính phủ (TPCP). Đặt kế hoạch phát hành khoảng 260 nghìn tỷ đồng TPCP trong năm nay, nhưng qua sáu tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước mới phát hành được 105 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân hàng đầu được cho là do lãi suất TPCP thấp, với mức lợi tức TPCP kỳ hạn 5 năm hiện vào khoảng 3,70%/năm; kỳ hạn 7 năm là 4,05%/năm. Với lượng TPCP không nhỏ cần huy động từ nay đến cuối năm, giải pháp tăng lãi suất trái phiếu sẽ được đưa ra. Như vậy áp lực mặt bằng lãi suất tăng sẽ càng hiện hữu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho khu vực sản xuất, kinh doanh phát triển nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đã đề ra.

“Mùa vàng” không kéo dài

Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của nhiều NHTM rất khả quan với mức tăng trưởng từ 40% đến hơn 50%. Điển hình như Vietcombank báo lãi 11.300 tỷ đồng; Techcombank thu về 5.661 tỷ đồng, tăng trưởng 9%; MB có lợi nhuận trước thuế sáu tháng đạt hơn 4.800 tỷ đồng, ACB có lợi nhuận tăng trưởng 15%, đạt mức 3.622 tỷ đồng. Các NHTM cổ phần nhỏ có mức tăng trưởng về lợi nhuận rất cao, lên đến hơn 50% như VIB lãi 1.820 tỷ đồng; TPBank lãi 1.620 tỷ đồng; Sacombank lãi 1.461 tỷ đồng, tăng 46% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, LienVietPostBank có mức tăng trưởng lợi nhuận đến 81%, đạt 1.117 tỷ đồng… Những con số này thật đáng mừng. Nhưng cấu phần chính tạo nên mức tăng trưởng lợi nhuận cao của nhiều NHTM vẫn đến từ tín dụng. Mức tăng thu từ dịch vụ những năm gần đây cao, tuy vậy tính đến cuối tháng 4-2019 tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập của các NHTM vẫn chỉ chiếm khoảng 3% - còn rất xa so mục tiêu 12-13% vào năm 2020 mà NHNN đưa ra.

Trong khi đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng năm nay là 14%. Sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã ở mức 7,33%. Xét riêng lẻ nhiều ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao từ đầu năm. NHNN từng nhiều lần khẳng định, các TCTD đáp ứng yêu cầu về Chuẩn mực vốn basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ được ưu tiên điều chỉnh room tín dụng. Nhưng trong số chín NHTM được NHNN công nhận áp dụng trước thời hạn Thông tư 41 hiện chưa có thông tin gì về việc này.

Xét trên nhiều khía cạnh, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay vượt 14% là rất thấp. Bởi, mục tiêu hàng đầu của NHNN vẫn là kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng qua đã ở mức 1,87%. Áp lực tăng lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn, khi giá dịch vụ y tế tăng, cộng thêm chu kỳ tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khi năm hết, Tết đến, do đó việc xác định rõ mục tiêu điều hành chính sách là cần thiết để ổn định nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Năm 2019 định hướng của NHNN là tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhất quán tinh thần kiểm soát lạm phát, tiếp tục củng cố lòng tin thị trường vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và NHNN.