Tận dụng cơ hội “vàng” cho du lịch cất cánh

Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai đã thật sự trở thành một cơ hội vàng cho việc quảng bá, giới thiệu những hình ảnh về điểm đến Hà Nội, Việt Nam an toàn, thân thiện; một địa điểm tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới. Vấn đề là, sau những thông tin lan tỏa, liệu ngành du lịch Việt có đưa ra được những chiến lược phát triển hợp lý để tận dụng hiệu ứng tích cực từ cơ hội quý báu này?

Rất khó có chiến dịch truyền thông nào làm được tốt hơn việc quảng bá hình ảnh từ sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Việt Nam. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội trong
Rất khó có chiến dịch truyền thông nào làm được tốt hơn việc quảng bá hình ảnh từ sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Việt Nam. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội trong

Cơ hội quý

Có lẽ ít có sự kiện nào được báo chí và dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt với hơn 2.600 phóng viên quốc tế của các hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới có mặt tại Hà Nội như Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên tổ chức cuối tháng 2 vừa qua. Trước, trong và sau sự kiện, hình ảnh Hà Nội và Việt Nam tràn ngập báo chí toàn thế giới. Hiếm có sự đầu tư và cơ hội xúc tiến du lịch nào thuận lợi và hiệu quả như lần này.

Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường xuyên mời và đón các đoàn báo chí quốc tế đến khảo sát dịch vụ, điểm đến Việt Nam và giới thiệu sản phẩm du lịch mới tới họ nhưng nhiều nhất cũng chỉ là mấy chục người. Nhưng, với số lượng hàng nghìn phóng viên đến dự và chủ động kinh phí máy bay, ăn ở như thế này là dịp tuyệt vời để quảng bá và xúc tiến du lịch.

Nắm bắt cơ hội trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã sớm làm việc với Bộ Ngoại giao, chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu giới thiệu về du lịch Việt Nam, những điểm đến tiêu biểu, nổi bật, hấp dẫn; kết nối trang web du lịch Việt Nam với trang đăng ký báo chí quốc tế của Bộ Ngoại giao; kịp thời cung cấp, bố trí những hình ảnh nhận diện về đất nước, con người Việt Nam, những thông tin giới thiệu về du lịch Việt Nam, những điểm đến được yêu thích, những hình ảnh đặc sắc của các vùng miền và thật sự đã tạo ra một không gian mang đậm dấu ấn Việt Nam tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Một trong những điều ấn tượng nhất đối với các nhà báo quốc tế tại sự kiện vừa qua là được thưởng thức ẩm thực Việt Nam với những món ăn, thức uống cực kỳ độc đáo như: phở bò, nem cuốn, bún thang, cà-phê trứng...

Sau khi kết thúc Hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn đều gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo và người dân Việt Nam vì đã tổ chức Hội nghị an toàn, chu đáo, thân thiện. Tổng thống Đô-nan Trăm còn gọi những ngày ở Việt Nam là “những ngày trên cả tuyệt vời”. Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò, vị trí nước chủ nhà trong quan hệ ngoại giao với quốc tế, đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới.

Sau Hội nghị, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch tổ chức một loạt các hoạt động xúc tiến du lịch tại Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện nay, thị trường du lịch Triều Tiên vẫn đầy tiềm năng đối với du lịch Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Việc tổ chức Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên đã tạo nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường du lịch này trong thời gian tới. Hiện tại, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho buổi gặp gỡ với cơ quan du lịch Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai bên. Trong đó, sẽ bàn bạc việc đưa Việt Nam thành điểm trung chuyển khách du lịch của các quốc gia khác trên thế giới khi muốn đến du lịch Triều Tiên.

Rất khó có chiến dịch truyền thông nào làm được tốt hơn việc quảng bá hình ảnh từ sự kiện Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Việt Nam. Việc tổ chức thành công Hội nghị một lần nữa khẳng định với thế giới Việt Nam là điểm đến tốt, an toàn, thân thiện và sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng nền hòa bình thế giới, bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ về hàng không, đi lại, lưu trú…

Nhưng sự lạc quan này vẫn là chưa đủ. Có thể thấy, Việt Nam vẫn còn bị động trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia và có phần ngẫu hứng trong quảng bá hình ảnh đất nước. Một sự kiện tầm cỡ như trên có thể là tiếng vang để đời nhưng vẫn có thể trôi đi theo thời gian nếu chúng ta không biết cách khai thác. Cũng như sự kiện bộ phim Kông: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island) được quay ở Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt quảng bá. Sau đó đạo diễn Jordan Vogt - Robert được Bộ VHTTDL bổ nhiệm là Đại sứ du lịch Việt Nam. Anh này khi đó cũng đưa ra kế hoạch để “quảng bá cho thế giới thấy Việt Nam lộng lẫy thế nào”, đưa “Việt Nam trở thành phim trường thế giới”, tham gia các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài... Tuy nhiên, từ ngày đó đến nay, vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam của đạo diễn này vẫn rất mờ nhạt. Và việc qua các hoạt động trong vai trò đại sứ của đạo diễn Jordan để thu hút khách từ thị trường Mỹ, thị trường nói tiếng Anh hầu như chưa để lại dấu ấn nào!?

Để lại những dấu ấn khác biệt

Vì thế, không phải cứ làm ầm ĩ lên ở một sự kiện hay phong cho nhau một danh hiệu nào đấy là có thể xây dựng được thương hiệu quốc gia, quảng bá được hình ảnh đất nước, khai thác hiệu quả ở những cơ hội lớn. Chỉ đến khi nào chúng ta dũng cảm chọn ra một hình ảnh thương hiệu quốc gia, nhất quán với thương hiệu ấy, truyền thông liên tục, bài bản, không phải quá cân đong đo đếm kinh phí quảng bá thì mới có thể ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới được. Khi ấy, hình ảnh quốc gia cũng không phải xây dựng chật vật như bây giờ, “nó không đơn giản là một kế hoạch mà nó là sự lựa chọn của tương lai”.

Có nhiều gợi ý cho việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia như: Việt Nam là bếp ăn thế giới, Việt Nam điểm hẹn hòa bình... Hay có những ước mơ, sau những sự kiện lớn, cộng đồng người Việt trên toàn thế giới tổ chức “ngày phở toàn cầu”, “ngày cà-phê phin toàn cầu”, “ngày áo dài toàn cầu”, “ngày lúa gạo toàn cầu”, “lễ hội văn hóa sen toàn cầu”... để cùng tôn vinh những giá trị thuộc về bản sắc lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Tận dụng cơ hội “vàng” cho du lịch cất cánh ảnh 1

Việt Nam đang khẳng định là một điểm đến an toàn, thân thiện và sẵn sàng cho vai trò chủ nhà của các sự kiện quốc tế tầm cỡ. Ảnh: KHOA ĐĂNG

Ở đó, ta thể hiện nét văn hóa khác biệt, dịch vụ cao cấp, được cả xã hội quan tâm, hưởng ứng. Người dân có thể không trực tiếp làm du lịch nhưng vì mầu cờ sắc áo dân tộc, vì nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mà thân thiện với khách, luôn nở nụ cười chào đón khách. Có người nói: “Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần được bắt đầu từ việc sửa đổi những tiêu cực tồn tại từ trong nước, tìm kiếm và khôi phục lại những giá trị chân thiện mỹ, để chính bản thân người dân thấy đáng tự hào trước khi lan tỏa nó ra bên ngoài”.

Bắt đầu từ bây giờ, có lẽ cũng đã là muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ! Vấn đề là chúng ta cần nỗ lực tối đa để khắc phục những bất cập, phát huy những thế mạnh, đưa ngành du lịch Việt Nam thật sự cất cánh trong thời gian tới.