Phí và cơ chế thị trường

Trước 2013, một số tổ chức tín dụng phát hành thẻ ghi nợ nội địa (ATM) thực hiện miễn thu phí sử dụng các giao dịch với thẻ ATM bao gồm rút tiền mặt. Đi đầu trong số các ngân hàng “miễn phí” và phát hành được số lượng thẻ nhiều nhất, với tốc độ tăng trưởng số thẻ phát hành “chóng mặt” để đến cuối 2017, liên tục trong nhiều năm là tổ chức tín dụng dẫn đầu thị phần thẻ, là Vietcombank.

Đến đầu năm 2013, sau khi Thông tư 35 của NHNN quy định về phí thẻ ghi nợ nội địa (ATM) chính thức có hiệu lực, các ngân hàng đã xây dựng khung phí dịch vụ thẻ, trong đó có 12 ngân hàng lần đầu thu phí rút tiền ATM nội mạng, thấp nhất là 200 đồng/giao dịch và cao nhất là 1.000 đồng/giao dịch như hiện nay. Vietcombank tiếp tục là ngân hàng sử dụng chính sách miễn thu phí giao dịch “bền vững” trong thời gian dài nhất, cho đến đầu 2018, dự kiến điều chỉnh và chấm dứt thời kỳ “miễn thu” này.

Sau khi Vietcombank điều chỉnh tăng thu phí dịch vụ, nhiều ngân hàng cũng có chính sách tăng thu. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách điều chỉnh mới đã và đang gặp phản ứng không mong đợi của thị trường.

Cũng phải nhắc lại rằng, nguyên tắc của kinh doanh theo cơ chế thị trường là mỗi tổ chức quyết định nguồn thu dựa trên lựa chọn dự đoán xu hướng nhu cầu người dùng và khả năng, chiến lược của tổ chức mình. Thị trường đang có tới 44 tổ chức tín dụng và không có tổ chức nào nắm thị phần quá mức lớn trong mảng thẻ để các chính sách có thể cần cân nhắc yếu tố Luật Cạnh tranh. Do đó, các quyết định miễn thu, thu trực tiếp phí dịch vụ của họ, trong khung quy định của nhà quản lý, đều thuộc về quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ. Quyền của người dùng là toàn quyền quyết định lựa chọn mức phí đó có phù hợp hay không, họ có muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ đó nữa hay không, trên cơ sở đánh giá chất lượng và lựa chọn dịch vụ tương xứng mức phí phải trả. Chừng nào chúng ta chứng minh được các ngân hàng bắt tay để tăng thu phí thể hiện độc quyền hoặc độc quyền nhóm thì mới nên có sự điều chỉnh.

Phản ứng của người tiêu dùng và các chuyên gia đối với chương trình tăng thu phí của các ngân hàng, với quan điểm cho rằng đây là tận thu thay cho bù lỗ, có thể sẽ khiến ngân hàng tiếp tục chậm chân vận hành theo cơ chế thị trường cần có…

Thêm nữa, nhìn một cách khách quan, việc tăng thu phí dịch vụ bao gồm ATM lẫn e-banking ở nhiều nhà băng hiện nay, cũng đặt ra câu hỏi: Liệu có làm chững lại mục tiêu giảm thanh toán tiền mặt, hướng đến nền kinh tế giao dịch điện tử và không tiền mặt như mục tiêu mà các nhà quản lý đặt ra? Câu trả lời là có thể có, nhưng không phải tất cả. Bởi thanh toán điện tử là xu hướng của toàn cầu. Kinh tế và người dùng Việt Nam, khó đặt mình ngoài xu hướng đó. Điều quan trọng là các ngân hàng có bảo đảm người dùng yên tâm sử dụng các dịch vụ tài chính đồng thời sẵn sàng trả phí?