Cải cách môi trường kinh doanh

Nóng ngay từ đầu năm

Sức nóng của Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02/2020) đang lan rất nhanh.

Nếu tích hợp các thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký tài khoản trong thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ giúp giảm thời gian, chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC ANH
Nếu tích hợp các thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký tài khoản trong thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ giúp giảm thời gian, chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC ANH

Cả bộ máy phải chuyển động

Đúng như dự đoán, công chức nhiều bộ, ngành đã không có thời gian nghỉ ngơi. Ngày đầu tiên của năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP, và chỉ một tuần sau đó, bộ máy đã chuyển động. Chỉ riêng Văn phòng Chính phủ đã có hai cuộc làm việc lớn.

Một cuộc bàn công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Một cuộc bàn về các giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).

Văn phòng Chính phủ dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ một quyết định chung về các thủ tục khởi sự kinh doanh, giảm số lượng thủ tục khởi sự kinh doanh từ tám thủ tục hiện nay xuống còn bốn, nâng xếp hạng chỉ số này theo WB lên 10 - 15 bậc ngay trong năm nay.

Điều này đồng nghĩa với việc các bộ, ngành liên quan sẽ phải sát cánh liên tục với nhau để gỡ từng việc.

Vì thực tế, nếu xét từng thủ tục riêng lẻ, có vẻ như mọi việc đều ổn. Ngay cả thủ tục khai báo lao động mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho là không phải là một thủ tục, mà chỉ là một báo cáo gửi tới cơ quan quản lý lao động. Nhưng, như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói, các cơ quan thì nói không phiền hà, nhưng doanh nghiệp (DN) kêu là sáu tháng, một năm, giữa kỳ phải báo cáo, suốt ngày làm báo cáo. “Liệu có cắt giảm được thủ tục này không”, ông đặt vấn đề.

Yêu cầu này cũng được đặt ra với thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký tài khoản. Thật ra, đây là các bước có thể tích hợp trong thủ tục đăng ký kinh doanh và không cần thực hiện tách rời như hiện tại.

Nếu tính thêm các nội dung sửa đổi liên quan lệ phí môn bài mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, theo hướng lùi thời hạn khai, nộp phí môn bài vào ngày 30-1 của năm kế tiếp, thực hiện tích hợp dữ liệu, như thực hiện thủ tục khai nộp phí môn bài trên Cổng dịch vụ công quốc gia; cơ quan thuế bảo đảm đúng hạn trong thủ tục mua hóa đơn giấy, thời gian mà DN đang phải thực hiện là 10 ngày sẽ giảm đi rất mạnh.

“Quan trọng nhất là chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội của cả DN và nền kinh tế sẽ được tiết kiệm”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Lấy cảm nhận của DN làm trọng tâm

Phần việc mà các bộ, ngành phải thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 02/NQ-CP không dừng lại ở việc rà soát, xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... như những năm trước.

Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa. Việc này phải hoàn thành trong tháng 1 này.

“Chính phủ đang lấy cảm nhận thực tế của DN để đánh giá các nỗ lực cải cách, thay vì chỉ nhìn vào các kết quả trong báo cáo. Đòi hỏi này chắc chắn sẽ gây áp lực rất lớn lên các bộ, ngành”, ông Hiếu nhìn nhận.

Đây là việc chưa bộ nào làm được từ trước tới giờ. Thậm chí, trong khá nhiều cuộc làm việc giữa CIEM và các bộ, ngành về kết quả thực hiện yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, những tranh luận về việc có hay không tính thực chất trong các quyết định cắt giảm của các bộ, ngành luôn căng thẳng và không có hồi kết. Lý do là không có bất cứ sự so sánh nào giữa các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa.

“Nhiều DN, thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng không chắc được đã có những thay đổi thế nào trong các quy định này. Hệ quả là các DN vẫn ngần ngại khi tham gia kinh doanh vào những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Hiếu nói và cho đây là một sự lãng phí nguồn lực không hề nhỏ của nền kinh tế.

Như vậy, khi các bộ, ngành đưa ra được sự khác biệt giữa trước và sau khi thực hiện các giải pháp cắt giảm, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức tính toán được sự thay đổi về chi phí, cả chi phí tuân thủ và chi phí cơ hội. Quan trọng là sẽ có những cải cách tạo nên tác động thực chất và cũng có cải cách còn chưa khiến đối tượng chịu tác động cảm nhận hài lòng sẽ lộ diện.

“Đây là lúc các bộ, ngành phải thay đổi cách làm, thậm chí là tư duy trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Lâu nay, việc được coi là của từng bộ, nhưng hiện tại, với đòi hỏi của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phải phối hợp để tìm quy trình thuận lợi, chi phí tuân thủ thấp nhất. Sự thay đổi này sẽ làm thay đổi căn bản cả tư duy đề xuất và xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu kỳ vọng.

Dư địa cải cách còn rất lớn

Nóng ngay từ đầu năm ảnh 1

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Nghị quyết 02/NQ-CP (NQ 02) đưa ra mấy nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần phải rà soát, cải cách các quy định kinh doanh không phù hợp, tạo rào cản trong phát triển kinh doanh. Năm 2019, theo đánh giá của chúng tôi, cải cách có xu hướng chững lại, trong khi dư địa để cải cách còn rất lớn. Năm 2020 là năm chuyển đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 tới, vì thế cần nỗ lực cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi kiến nghị, nhiều ngành nghề cần phải bỏ ra và một số ngành nghề khác cần tiếp tục được đơn giản hóa để tạo điều kiện tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, tiếp tục tập trung cải cách một số lĩnh vực, chẳng hạn những lĩnh vực mà theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng vẫn còn kém như việc gia nhập thị trường. Cụ thể “thị trường” ở đây hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp (DN) cần phải được cải cách, từ thủ tục đăng ký kinh doanh cho đến việc mua hóa đơn phải dễ dàng hơn, thủ tục thuế môn bài cần được cải cách,…

Về công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã có giảm so với trước, song theo quy định từ năm 2017, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn lại không được thanh tra, kiểm tra quá một lần một năm. Thí dụ, với DN có tình trạng hoặc nguy cơ vi phạm pháp luật, hoặc việc chấp hành pháp luật không cao thì cần phải đưa vào diện thanh tra, kiểm tra nhiều hơn; còn những DN tuân thủ pháp luật, ít bị vi phạm thì cần phải có lộ trình giảm thanh tra, kiểm tra. Muốn thế cần phải xây dựng được một bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, giao các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện theo xu hướng này.

Thực thi là khâu quan trọng nhất

Nóng ngay từ đầu năm ảnh 2

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội:

Không chỉ NQ 02 mà trong nhiều nghị quyết trước đây của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa việc giao các chỉ tiêu cho các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo các bộ chỉ số tương đồng với các chỉ số quốc tế. Chính phủ cần phải có một chính sách thưởng/phạt công bằng trong quá trình thực hiện, triển khai nghị quyết, căn cứ vào mức độ hoàn thành của mỗi ngành, mỗi địa phương. Trong Nghị quyết đã đưa ra các yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu giao cho các bộ, ngành; song phải kiểm soát, đôn đốc quá trình thực hiện.

Cùng với việc ban hành NQ 02, chúng ta cùng kỳ vọng năm mới 2020, các nghị quyết của Chính phủ đều được thực thi một cách hiệu quả.

Cơ chế ngăn chặn “tham nhũng vặt”

Nóng ngay từ đầu năm ảnh 3

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế:

NQ 02 được ban hành nhất quán với các nghị quyết trước đây đều nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là để giảm các chi phí cho các DN. Trong đó có nhiều vấn đề liên quan “giấy phép con” và tình trạng “tham nhũng vặt”. Với tinh thần đó, phải có những đổi mới về mặt cơ chế với tất cả các cơ quan liên quan đến DN, từ cấp phép, quản lý thuế cho đến các khâu hậu kiểm, đều phải rà soát để tránh đưa ra những quy định trái pháp luật. Thêm nữa, cần phải nhóm ghép lại hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhất là nên bỏ các cơ quan trung gian để từ đó giảm bớt các khâu trung gian.

Một vấn đề khác gây nhiều khó khăn cho DN, là tình trạng “tham nhũng vặt”. Vì thế, đòi hỏi trong quá trình thực thi cần phải có cơ chế sàng lọc và kiểm soát cán bộ thật nghiêm ngặt, theo các tiêu chí tiêu chuẩn việc làm, các mức độ hoàn thành công việc, các quy trình thủ tục thời gian trách nhiệm của người giữ trách nhiệm - để bảo đảm các quy trình thủ tục cấp phép đầu tư không bị kéo dài theo cách “hành là chính”. Tiếp đó là phải điện tử hóa, công khai các kết quả xử lý cũng như lập các đường dây nóng để công khai các hiện tượng vòi vĩnh. Các chế tài xử lý những cán bộ vi phạm cũng phải thật nghiêm khắc.