Nền kinh tế cần nhiều hơn nữa doanh nghiệp hiệu quả

Kinh tế vĩ mô ổn định, cơ hội thị trường mở rộng cùng với hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang tạo niềm tin kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn nữa DN hoạt động hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu

Kỷ lục, nhưng chưa thể vui!

Hơn 130.000 DN thành lập trong năm 2019 là kỷ lục, nhưng chưa phải là đích đến mà Chính phủ mong muốn.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN được tổ chức vào ngày 23-12-2019 có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ DN - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có DN hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có DN tầm cỡ nếu thiếu DN và cá nhân xuất sắc.

Đây cũng hẳn là điều mà cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang muốn chia sẻ. Phải nói rõ, năm 2019 thật sự là một năm thành công nếu xét về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong các báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của các tổ chức lớn, các dự báo cũng đều được cải thiện so với lần công bố hồi đầu năm. Hai yếu tố tích cực nhất được nhắc đến là tăng trưởng xuất khẩu và cầu nội địa. Tầng lớp trung lưu có mức sống trên 15 USD/ngày tại Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 triệu người mỗi năm, giúp thúc đẩy kim ngạch hàng tiêu dùng tăng 15%/năm, tính từ năm 2015 đến nay.

Đặc biệt, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng 10 bậc trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). “Thành quả này nhờ vào sự đóng góp của DN Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng thấy, mục tiêu hùng cường, thịnh vượng còn xa. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang vào khoảng 3.000 USD/năm, cao hơn chính chúng ta trước đây, nhưng vẫn chưa khá giả, chưa vào nhóm đầu của ASEAN. Đây là câu hỏi lớn cho không chỉ Chính phủ mà cả các DN, doanh nhân Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các doanh nhân.

Dấu ấn tư duy quản lý cũ

Đánh giá về bức tranh DN năm 2019, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn báo cáo với Thủ tướng và cộng đồng DN: “Hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước với DN còn nhiều tồn tại, bất cập; Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất; Một số chính sách quan trọng đã được ban hành, nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành”.

Cần nhắc lại, yêu cầu “thay đổi phải đi vào thực chất” đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra ngay từ đầu năm 2018, khi các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đặt mục tiêu rõ ràng cho các bộ, ngành là cắt giảm ít nhất 50%. Tuy nhiên, trong báo cáo riêng về việc thực hiện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải nhắc tới những phần chưa làm được còn không nhỏ.

“Nếu như năm 2017 có 58% số DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Tỷ lệ DN cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%.Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, con số 48% số DN phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn DN hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn DN vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, VCCI nhận định.

Đáng lưu ý, trong một số văn bản mới được ban hành vẫn còn giữ tư duy quản lý cũ. “Nghị định 26/2019/NĐ-CP liệt kê từng cái kìm, cờ-lê, mỏ-lết… là điều kiện một cơ sở đóng tàu cá phải có. Cách làm này rất bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của quy định…”, báo cáo viết. Điều này khiến các chi phí và rủi ro kinh doanh tại Việt Nam bị đẩy lên cao. Thậm chí, cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới cũng trở nên khó khăn hơn.

Đây cũng là lý do mà trong lần công bố năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 1 điểm so năm trước và chỉ được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận hai cải cách, đó là lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng.

Nhiều khả năng, nếu không có giải pháp đột phá, mục tiêu có ít nhất một triệu DN hoạt động vào năm 2020 mà Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về phát triển DN đã đưa ra, sẽ không đạt được.

Trách nhiệm từ cả hai phía

Thúc đẩy môi trường kinh doanh cải thiện không chỉ thuộc vào trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm ấy còn ở cả phía DN.

Hiện trong giới doanh nhân có hai luồng ý kiến. Một phía cho rằng, DN không thể cải thiện năng lực cạnh tranh, không thể hoạt động minh bạch nếu môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch, khi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đối phó, hình thức trong thực hiện yêu cầu cải cách.

Ở chiều lập luận khác, có ý kiến, đã là DN là phải tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh, để có năng lực cạnh tranh trong mọi điều kiện. Hơn thế, chính năng lực cạnh tranh sẽ quyết định DN đóng góp thế nào vào nền kinh tế.

Trong số DN giải thể, ngừng hoạt động năm 2018, có 49,5% là DN mới đăng ký thành lập trong các năm 2017 - 2018. Phần lớn trong số này có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực quản trị, năng suất lao động, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ...

Rõ ràng, việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Cơ hội luôn dành cho những DN có ý tưởng kinh doanh mới, có chất lượng, quản trị tốt, tuân thủ pháp luật, chứ không dành cho các DN tận dụng kẽ hở của chính sách, sự chưa rõ ràng của môi trường kinh doanh…

“Các DN cũng cần suy nghĩ, trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính DN, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ quan điểm.

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đóng cửa những năm qua vẫn ở mức khá cao. Trong giai đoạn 2017- 2019, trung bình là khoảng 58,1%/năm, trong đó năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng năm 2019 là 49,4%.