M&A bất động sản chậm và chắc

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019, tương đương 90,8% so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản (BÐS) trong thời gian này chỉ đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018. Vì sao lại có sự sụt giảm như vậy?

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019, tương đương 90,8% so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản (BÐS) trong thời gian này chỉ đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018. Vì sao lại có sự sụt giảm như vậy?

Thị trường BÐS Việt Nam năm 2019 được bắt đầu với thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của Tập đoàn Keppel Land tại dự án Ðồng Nai Waterfront. Tập đoàn này sẽ bán lại 70% cổ phần tại dự án nói trên cho Tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ đồng (tương đương 100,57 triệu USD). Như vậy, hai tập đoàn sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170 ha tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Ðồng Nai.

Trong một động thái khác, gần đây, Keppel Land tiếp tục công bố mua lại ba khu đất tại TP Hồ Chí Minh. Thông qua công ty con, tập đoàn mẹ đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện 60% cổ phần của toàn khu đất với Tập đoàn BÐS Phú Long. Giá trị của thương vụ là 1.304 tỷ VNÐ (tương đương 56 triệu USD). Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650 m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ đồng (tương đương 320 triệu USD).

Một thương vụ đình đám khác là Công ty CP Lotte FLC, một liên doanh giữa Tập đoàn FLC và Công ty Lotte Land (công ty con của Tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ VNÐ (khoảng 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực BÐS. Công ty này sẽ sở hữu 60% cổ phần của Công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do Tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ. Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ tại cuộc họp cổ đông gần đây rằng, liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất rộng 6,4 ha tại phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Vốn đầu tư chảy vào BÐS có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng trưởng khả quan khi so sánh cùng kỳ năm 2016 và 2017. Ðiều đó phản ánh thực tế thị trường đang có sự điều chỉnh sau khi quản lý Nhà nước được tập trung để sàng lọc các dự án không hiệu quả cũng như thúc đẩy tính minh bạch của thị trường BÐS. Thêm nữa, quỹ đất “sạch” và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm cũng khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư BÐS chất lượng ngày càng khó khăn. Dòng vốn đang ghi nhận được chảy sang các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang kéo theo xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Ðông - Nam Á. Ðiều này cũng mở ra cơ hội cho thị trường BÐS công nghiệp phát triển. Cần lưu ý, chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư.

Mặc dù các hoạt động M&A vẫn có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong hai quý còn lại của năm, chúng tôi dự báo các biện pháp hiện tại của Chính phủ sẽ tác động đến việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư BÐS trong khu vực.

(★) Giám đốc cấp cao, Thị trường vốn, JLL Việt Nam.