Gói giải pháp gỡ khó cho vận tải

Nhân Dân cuối tuần số 49 ra ngày 6-12 có bài về tình trạng khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp (DN) chủ chốt của ngành giao thông vận tải (GTVT). Ðể tìm hiểu quan điểm của Bộ GTVT về các giải pháp tháo gỡ từ góc độ quản lý Nhà nước, phóng viên Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Lê Anh Tuấn (trong ảnh).

Gói giải pháp gỡ khó cho vận tải

- Thưa ông, dịch Covid-19 có tác động như thế nào đối với các DN của ngành GTVT?

- Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta. Ðặc biệt nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa ngành GTVT phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và vận tải hành khách. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng rõ rệt. Thống kê 11 tháng năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hành khách giảm 35,1% và luân chuyển hàng hóa giảm khoảng 7,9% so cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 11, đối với hành khách, khối lượng vận chuyển tăng khoảng 4,8%, luân chuyển tăng 0,9%; đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm gần đây...

Ðiều đó được thể hiện ở các chuyên ngành vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, đơn cử như ngành vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đều giảm về sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa. Riêng đối với hàng không bị ảnh hưởng nặng nhất trong năm và đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo, với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so năm 2019. Ngành hàng hải dù bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cơ bản vẫn giữ tốc độ tăng trưởng, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 10 tháng năm 2020 đạt hơn 572 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng) tăng 5% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, thực hiện khối lượng hàng hóa container đạt hơn 18 triệu TEU, tăng 13% so năm 2019.

Về tổng thể, hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo toàn ngành GTVT phải sẵn sàng mọi kịch bản, tránh bị động, góp phần cùng Chính phủ kiểm soát dịch, bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện tốt nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch tốt, vừa bảo đảm chuyên môn. Mặt khác bộ cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quan tâm cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

- Các giải pháp cụ thể được triển khai là gì, thưa ông?

- Ðể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics ứng phó với dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể:

Trước hết đối với hàng không, Bộ GTVT đã triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính... Ðối với các dịch vụ hàng không khác thuộc thẩm quyền của DN, Bộ GTVT và các đơn vị đã đề nghị các DN cung ứng và sử dụng dịch vụ chủ động hỗ trợ nhau. Tiếp đến, đối với hàng hải, Bộ GTVT đã thực hiện đơn giản được sáu thủ tục hành chính; tiếp tục đề xuất cắt giảm và đơn giản bảy thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho DN và tàu thuyền hoạt động. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải đẩy nhanh công tác nộp phí điện tử, giảm thời gian đi lại cho DN... Ðối với đường bộ, bộ đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm tối đa thiệt hại; tiếp thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị vận tải, bến xe… tổng hợp báo cáo, đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Ðối với đường sắt, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu; xây dựng các giải pháp tiết giảm chi phí xuống mức thấp nhất, cố gắng duy trì thu nhập của người lao động, nhất là lao động trực tiếp; rà soát tất cả các hoạt động, nguồn lực trong phạm vi đơn vị quản lý để tăng cường khai thác tối đa các nguồn lực hiện có một cách hiệu quả nhất...

Cuối cùng, đối với đường thủy nội địa, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm các thủ tục hành chính; rà soát bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông đường thủy nội địa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các dịch vụ công. Nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là cơ chế để phát triển các cảng, bến, luồng đường thủy nội địa. Ðồng thời, thường xuyên lấy ý kiến các DN kinh doanh vận tải về cơ chế chính sách, công tác quản lý, hạ tầng đường thủy để tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Gói giải pháp gỡ khó cho vận tải -0

Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung huy động nhân lực, thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. 

- Ngoài việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, bộ có những chiến lược dài hơi cho ngành GTVT ra sao, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai năm nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực của ngành GTVT, đó là: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước. Thứ hai, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thứ ba, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Thứ tư, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, DN trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, DN. Thứ năm, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Về đầu tư công, bộ đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và tổ chức như Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công… tập trung huy động nhân lực thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong giai đoạn vừa qua, yêu cầu các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà thầu và giải ngân vượt  kế hoạch đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Ðức Nghĩa (thực hiện)