Giá thấp, ngành điện khó đi trước

Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người của Việt Nam hiện ở mức 1.700 kWh/người/năm, thấp hơn so với bình quân của thế giới và chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Ô-xtrây-li-a.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II là một trong bốn dự án BOT đang được vận hành. Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II là một trong bốn dự án BOT đang được vận hành. Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG

Giá điện vẫn cách xa thị trường

Theo quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện được điều chỉnh khi bốn yếu tố chính có tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát gồm chi phí nguyên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn điện phát và giá điện thị trường cạnh tranh có sự thay đổi.

Tuy nhiên tính từ năm 2015 trở lại đây, giá điện mới được điều chỉnh hai lần, vào ngày 15-3-2015 và sau đó là vào ngày 1-12-2017.

Đáng nói là ai cũng nhận thấy, trong quãng thời gian mà giá điện bất động này, các yếu tố như tỷ giá, giá nhiên liệu đầu vào đều có những biến động lớn, chưa kể lương của người lao động cũng đã tăng lên.

Vào thời điểm cuối năm 2017, theo công bố của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí sản xuất điện trong năm 2018 cũng không đứng yên. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, năm 2018, chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.

Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng. Đó là chưa kể giá than bán cho điện tăng 5% từ đầu năm 2019 và thêm việc mua than ngoại để phối trộn, cấp cho các nhà máy điện nội địa, thì chi phí về than trong sản xuất điện tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng. Với thực tế các thông số chi phí đầu vào đã tăng mạnh trong năm 2018 và như dự báo trong năm 2019, việc tăng giá điện là khó tránh.

Tìm đâu nguồn đầu tư?

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, giai đoạn 2010 - 2018, đã có 80 tỷ USD được đầu tư vào ngành điện ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Dẫu vậy, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện mới đạt 1.700 kWh/người/năm, vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế và chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, hay bằng 1/5 của Ô-xtrây-li-a. Đáng nói là, với thực tế kinh tế tăng trưởng mạnh và điều kiện của người dân tốt hơn, việc tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, ước khoảng 8%/năm trong thập kỷ tới. “Điều này đặt ra thách thức mới trong huy động vốn cho phát triển năng lượng nói chung, trong đó đặc biệt là điện. Tuy nhiên, nhu cầu huy động này đang gặp phải những thách thức lớn, mà cụ thể nhất là giá điện hiện ở dưới mức thu hồi chi phí và EVN không nhận được trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ”, ông Ousmane Dione nói.

Theo tính toán, để bảo đảm kinh tế tăng trưởng bình quân 7% mỗi năm giai đoạn tới, công suất hệ thống điện đến năm 2025 cần là 96.000 MW, trong khi hiện con số này mới đạt khoảng 48.000 MW.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, trong 15 năm tới, mỗi năm cần bổ sung công suất mới 6.000 - 7.000 MW, nghĩa là cần khoảng 10 tỷ USD/năm, chưa kể hệ thống truyền tải, phân phối… Áp lực này với ngành năng lượng được cho là rất lớn khi năng lực tài chính hạn chế.

Đáng nói là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện theo ông Vượng cũng rất khó khăn. Hiện mới chỉ có bốn nhà máy điện BOT đưa vào sản xuất, 14 dự án khác vẫn đang đàm phán và hầu hết trong số này chậm tiến độ.

Thực tế “giá điện tại Việt Nam thấp hơn các nước” cũng được ông Hoàng Quốc Vượng cho là điểm thiếu hấp dẫn được các nhà đầu tư nhiều lần nêu ra khi nói về nguyên nhân khiến họ không mặn mà rót vốn đầu tư các dự án ngành này. Với chỉ riêng EVN, để đảm bảo năng lực tài chính và cung cấp điện thì chỉ có thể trông chờ vào hai nguồn là giá điện và thu xếp vốn. Cụ thể, giá điện là nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, còn thu xếp vốn nhằm bảo đảm tăng trưởng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, muốn thu xếp được vốn thì giá điện cũng được các tổ chức tài chính xem xét, nhất là khi Chính phủ hạn chế cấp bảo lãnh cho các công trình điện vay vốn.

TS Nguyễn Thành Sơn - Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam đánh giá, từ trước đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường chỉ đề cập nhiều những hậu quả của việc “tăng giá điện”, nhưng ít khi hay gần như chưa bao giờ đề cập đến hậu quả của việc “không tăng giá điện”.

Trong khi đó, “không tăng giá điện” sẽ đồng nghĩa với việc không có tái sản xuất mở rộng của ngành, không có tích lũy để phát triển các dự án điện và điều này khiến yêu cầu điện đi trước một bước không thể thực hiện được.

Theo số liệu của WB, nếu so sánh theo mức thu nhập bình quân đầu người trong khu vực: GDP (danh nghĩa) tính trên đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Lào và Cam-pu-chia, còn giá điện bán lẻ (U$cents/kWh) của Việt Nam vẫn lần lượt thấp hơn so với của: Lào, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Thái-lan, Xin-ga-po, Phi-li-pin.

Theo tính toán của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3-2019 này sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25%, khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 - 0,19%.