“Tứ giác Long Xuyên”- vùng đất chết trở thành vựa lúa

NDO - Nếu đồng bằng sông Hồng có Thái Bình quê hương “chị Hai năm tấn” thì ở miệt Cửu Long có An Giang “vựa lúa đồng bằng”, trong đó Tứ giác Long Xuyên nổi lên như một “bồ lúa”- sự bứt phá ngoạn mục không thể không nhắc đến dấu ấn “tam nông” gian khó ngày nào.

NỖI ĐAU NHẬP GẠO TRÊN ĐỒNG

Những bứt phá ngoạn mục trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự đưa An Giang trở thành lá cờ đầu cả nước với vị thế anh cả trong xuất khẩu lúa gạo. Trò chuyện với đồng chí Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), ông bảo: “Những năm đầu giải phóng, chuyện lương thực, đất đai cứ mãi là chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Ai đời một nước nông nghiệp mà ngành nào, năm nào cũng lo nhập khẩu lương thực. Đau lắm! Là lãnh đạo, anh em day dứt làm sao thoát khỏi cảnh ấy, để vực dậy một nền nông nghiệp èo uột với một tư duy mới”.

Những năm đầu thống nhất, nhất là 10 năm đầu thời kỳ trước đổi mới (1976- 1986), An Giang đã thấy được việc tập trung cho phát triển nông nghiệp chính là mặt trận hàng đầu. Nhưng để làm được chuyện ấy thì vấn đề đầu tư phát triển thủy lợi, chuyển đổi lúa mùa nổi thành lúa cao sản hai vụ ngắn ngày chính là hướng mở duy nhất.

Ông Sáu Hơn nhớ rất rõ: “Lúc ấy tỉnh ta gần như hoàn thành chỉ tiêu hợp tác hóa bằng các tập đoàn sản xuất và HTX. Nhưng đồng hành với việc này là 20.000 ha diện tích đất bỏ hoang (chiếm gần 10% tổng diện tích), trong đó Tứ giác Long Xuyên chiếm phần lớn diện tích sản xuất. Do nặng về cải tạo quan hệ sản xuất, thực chất là chia bình quân ruộng đất cho mọi người theo kiểu “cào bằng”, chia cho cả những người không biết làm ruộng chính là sai lầm cốt lõi”. Những năm này sản xuất nông nghiệp trì trệ nhất, ruộng đất bị bỏ hóa thường xuyên hơn 30.000 ha, sản lượng lương thực tăng rất chậm, năm 1976 đạt 508.470 tấn và trong suốt 10 năm (1976-1986) chỉ tăng 300.000 tấn, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trung ương liên tục bao cấp tài chính, hàng hóa công nghiệp. Tổng giá trị hàng hóa nhận của Trung ương đưa về tỉnh nhiều gấp bảy lần hàng hóa của tỉnh điều về Trung ương.

Trong cái khó của đất nước, An Giang đã quyết “xé rào” gỡ thế bí cho các tập đoàn sản xuất bằng việc bán lại nông cụ sản xuất cho nông hộ. Tháng 12-1986 sau những chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang có Chỉ thị 49/CT-UB giải quyết hợp lý tư liệu sản xuất, máy móc của các tập đoàn. Nơi nào đã thanh toán sòng phẳng với chủ máy thì kiện toàn tổ chức đưa vào hoạt động dịch vụ phục vụ cho sản xuất, nơi nào chưa thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán thì giao máy lại cho chủ cũ.

Kết quả nhãn tiền, hầu hết khi nhận lại chủ máy sửa chữa và đưa vào hoạt động ngay. Cuối năm 1987, các tập đoàn máy cơ bản tự giải thể, nông dân mạnh dạn mua sắm máy nông nghiệp phục vụ, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp ở địa phương. Một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực nông nghiệp, mà nói đúng hơn là chuyện “xé rào” ấy đã giúp An Giang ghi dấu son cho nông nghiệp, gây dựng những viên gạch đầu tiên để hôm nay An Giang trở thành vựa lúa hàng đầu cả nước, với sản lượng hàng triệu tấn lúa, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo, thu về hàng trăm triệu đô-la.

NÔNG DÂN: TỪ “ĐẶT ĐÚNG VAI TRÒ” TỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SỐNG

Cũng chính từ dấu son bứt phá tam nông ra đời đã tạo thời cơ chín muồi để An Giang chính thức khai phá vùng đất chết bấy lâu nay, Tứ giác Long Xuyên. Ông Sáu Hơn kể: “Tôi tâm đắc hai chuyện: Thứ nhất An Giang vươn lên đứng số một cả nước về sản xuất lương thực và Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo từ việc đặt đúng vai trò của người nông dân. Thứ hai là An Giang đã biến vùng đất chết Tứ giác Long Xuyên thành vựa lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long”.

Tứ giác Long Xuyên xưa là một vùng đất bao la với toàn đồng khô cỏ cháy, phèn mặn, cỏ lăn, lác cao lút đầu người, giờ mượt mà đồng ruộng. Vùng đất khỉ ho cò gáy, rắn rết, đỉa mồng nay nhà cửa dân cư tề tựu đông đúc. Tứ giác Long Xuyên chiếm khoảng 60% diện tích sản xuất nông nghiệp của An Giang được khai hoang phục hóa bằng chính sách mở, trải thảm kêu gọi những người nông dân thực sự cần đất và bám trụ với đất để phát triển cuộc sống. Chúng ta đã trao cây gậy cho họ bằng chính sách: Cấp ba héc-ta đất sản xuất, được tự do bán nông sản, cung cấp kỹ thuật sản xuất với điều kiện họ đủ tiềm lực về tài chính, công cụ sản xuất và thực sự có cái tâm khai hoang, phục hóa, phát triển nông nghiệp. Tứ giác Long Xuyên từ con số không về năng suất lên một tấn rồi năm tấn/héc-ta và ngày nay đến tám, chín tấn/ héc-ta là điều không ai ngờ được.

Nhiều người còn nhớ lời đồng chí Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) tâm sự tại Hội thảo 20 năm phát triển kinh tế - xã hội Tứ giác Long Xuyên: “Chuyện chúng ta đã làm để khai phá Tứ giác Long Xuyên là thành quả chung của nhiều năm lịch sử,... Bây giờ, chuyện ấy đã đi qua, việc cần làm là làm sao cho bà con mình thực giàu, thực sự ổn định và bám trụ nâng cao hiệu quả sử dụng trên vùng đất đó. Ta phải cho cần câu, chỉ cách câu, chỗ câu để bà con có cái ăn ngon, mặc đẹp”.

Quả đúng vậy, về đồng lớn Thoại Sơn hay đất Láng Linh (gồm ba xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) những cánh ruộng bạt ngàn cò bay thẳng cánh luôn là hình ảnh đẹp nhất hút tầm mắt lữ khách phương xa. Còn đó vùng kinh tế mới Lương An Trà (Tri Tôn) ven dòng kênh Tám Ngàn ngày nào đỏ ao phèn chua giờ không còn một khoảnh đất trống cho cỏ mọc với lúa, màu hai, ba vụ/năm, rồi những cánh đồng mẫu lớn vài trăm, vài nghìn ha. Miệt Lương An Trà giờ đây nổi tiếng cả nước với những đại gia “hai lúa” đi ô-tô thăm ruộng hàng chục đến vài trăm héc-ta.

Câu chuyện tam nông ở An Giang ngày trước hay những thành tựu trong phát triển Tứ giác Long Xuyên ngày nay cũng chỉ là những nét chấm phá trong bức tranh đẹp, sáng của đất nước. Trong đó, nông nghiệp mãi là điểm sáng rực rỡ với vị trí tốp đầu trong xuất khẩu lúa gạo, tiêu, điều, cà-phê, thủy sản... Điểm sáng ấy có phần từ mồ hôi, bàn tay, khối óc của những người nông dân chân lấm, tay bùn miệt Tứ giác Long Xuyên này.