Làm giấy từ phế phẩm nông nghiệp

Từ phế phẩm thân cây chuối, nhóm sinh viên năm thứ tư Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, chế tạo ra giấy bao bì sạch. Dự án đang gây chú ý, thu hút nhiều nhà đầu tư tìm hiểu vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, tính khả thi cao.

Nhóm dự án "Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì" của Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp". Ảnh: TUYẾT NHUNG
Nhóm dự án "Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì" của Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp". Ảnh: TUYẾT NHUNG

Nhóm trưởng dự án "Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì" Trịnh Ngọc Vân Anh, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường (Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm) cho biết: "Cuối năm thứ hai, nhóm em có môn học nghiên cứu giải pháp môi trường. Từ môn học này, nhóm thống nhất ý tưởng lấy phế phẩm nông nghiệp từ thân cây chuối để sản xuất giấy. Từ đó, sau hơn một năm nghiên cứu đã chế tạo ra sản phẩm giấy làm hoàn toàn bằng tự nhiên, có những hoa văn độc và lạ.

Ðể dự án thành công, năm thành viên trong nhóm phải thử nghiệm rất nhiều phương pháp khác nhau, thay đổi thành phần để tạo ra giấy có độ bền cao. Lúc đầu, do làm thủ công, giấy làm ra dễ bị nhăn, mầu không đẹp và hay bị rách. Sau thời gian nghiên cứu khá dài và áp dụng phương pháp hút nước, đổ khuôn cho nên giấy làm ra đều, bền và đẹp hơn. Ðiều đặc biệt của dự án "Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì" không chỉ sử dụng phế phẩm từ cây chuối mà còn sử dụng nhiều phế phẩm nông nghiệp khác như: cây dứa, vỏ trấu, rơm rạ, vỏ đậu, vỏ bắp (ngô), bã mía, mùn cưa… Theo thống kê, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch có đến hơn 80% bị thải bỏ. Ðây là nguồn nguyên liệu rất lớn để làm giấy, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt giấy bao bì, vừa thay thế cho túi ni-lông, nhựa sử dụng một lần. TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng bộ môn Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (giáo viên hướng dẫn trực tiếp nhóm thực hiện dự án) chia sẻ: Trong quá trình chế tạo, nhóm không sử dụng hóa chất cho nên những đường vân và mầu sắc của thân chuối vẫn được lưu giữ trên giấy mang lại sự "bắt mắt" cho người tiêu dùng. Giấy từ phế phẩm nông nghiệp nếu làm thành các sản phẩm như giỏ đựng hoa, giấy gói hoa, túi giấy… sẽ mang tính khả thi rất cao, sẽ được người tiêu dùng ủng hộ.

Ở nước ta, túi ni-lông là sản phẩm quen thuộc, trở thành thói quen sử dụng hằng ngày của người dân vì tính tiện lợi của nó. Từ năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chiến dịch nói không với sản phẩm nhựa một lần, đây là cơ sở cho việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm có khả năng sinh học và nguồn gốc tái chế từ phế phẩm nông nghiệp. Dự án "Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì" đoạt giải nhất khối sinh viên trong cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2020 (SV-STARTUP-2020) do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức. Ngoài tiền thưởng 60 triệu đồng, gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng, dự án còn có cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40 nghìn USD. Dự án của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh còn đoạt giải nhất cuộc thi "Sáng kiến giảm rác thải nhựa" do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức. Dự án được WWF tài trợ 100 triệu đồng, hỗ trợ về đào tạo và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, cũng như được hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu để dự án hoàn thiện vào năm 2021.

Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: Có rất nhiều người muốn đặt hàng để làm giấy gói quà, túi đựng sản phẩm nhưng nhóm chưa sản xuất được số lượng lớn. Sau khi dự án đoạt giải nhất cuộc thi SV-STARTUP-2020, nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất liên hệ đặt vấn đề mua sản phẩm giấy bao bì, chuyển giao công nghệ để tiến đến sản xuất quy mô lớn. Ðiều này cho thấy, người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó đã tiếp thêm động lực để nhóm đeo đuổi dự án đến cùng. Hiện nay, nhóm kết hợp với Khoa Cơ khí thuộc Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thiết kế dây chuyền sản xuất chạy thử nghiệm tại tỉnh Kiên Giang. Sau khi hoàn thành, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ, trong đó ưu tiên chuyển giao cho nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập từ chính những thứ bỏ đi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.