Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 2)

NDO -

NDĐT- Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang có động thái tích cực, quyết liệt để giải quyết những bất hợp lý quanh việc đưa phà không phép và hộ dân ngăn làm lộ (đường) ở Hai Hạt - điểm giáp ranh giữa hai xã Tân Đức và Tân Thuận của huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Bến mới do ông Út tự ý mở để đưa rước khách bên phía bờ sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu.
Bến mới do ông Út tự ý mở để đưa rước khách bên phía bờ sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu.

Sẽ bảo vệ thi công lộ

Trở lại câu chuyện con lộ nông thôn chạy dọc chiều dài ấp Thuận Lợi A (xã Tân Thuận) nằm ven sông Gành Hào, nhân dân trong ấp cho biết: Thời gian gần đây, số lần gia đình ông Trần Văn Sự ra ngăn cản người dân đi lại diễn ra thường xuyên hơn. Trong số những người ngăn cản có bà Thái Thị Bến. Theo tiết lộ của người dân, bà Bến là người bên xã Tân Đức, không có liên quan đến đất đai của gia đình ông Sự nhưng “hè nhau” cản trở, nói những lời khó nghe với người tham gia giao thông khi họ đi ngang mặt nhà ông Sự.

Thông tin thêm với phóng viên, ông Trần Văn Tỉa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận cho biết: Cách đây không lâu, chính quyền xã nhận tin báo có người lạ ngăn cản lưu thông nên đã cử lực lượng Công an xã xuống nắm hiện trường, lập biên bản nhưng bà Bến bất hợp tác, lánh mặt. “Bà Bến viện cớ đã mua phần đất trước mặt nhà ông Sự nhưng không trưng ra được giấy tờ mua bán gì cả. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp chặt với chính quyền xã Tân Đức để xử lý dứt điểm tình trạng gây trở ngại của bà Bến, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương”, ông Tỉa khẳng định.

Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 2) ảnh 1

Gia đình ông Sự huy động cả người già ra ngăn cản người tham gia giao thông.

Quá bất bình trước việc làm ngang ngạnh của gia đình ông Sự nên nhiều lần, nhân dân Tổ 7 (ấp Thuận Lợi A) đã gửi đơn tập thể kiến nghị nhờ chính quyền huyện Đầm Dơi can thiệp. Chờ lâu không thấy giải quyết, vào ngày 11-12-2017, 35/36 hộ dân Tổ 7 trực tiếp tìm đến cơ quan tiếp dân tỉnh Cà Mau gửi đơn yêu cầu. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Phản hồi với Nhân dân điện tử quanh chuyện hộ làng ở ấp Thuận Lợi A, ông Trần Anh Chót, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết: 35/36 hộ ở Tổ 7 đồng tình hiến đất, còn hộ ông Sự không hợp tác và gây khó khăn cho người dân đi lại là có. Ông Chót nghi ngờ, nguyên nhân sâu xa của sự việc trên một phần có sự “tác động” từ phía gia đình ông Nguyễn Văn Út (còn gọi là ông Út Sài Gòn-PV). Bởi những người này có quan hệ họ hàng gần xa với gia đình ông Út. Mục đích chính của việc ngăn cản nhằm gây khó khăn cho người tham gia giao thông khi muốn đi phà của hộ ông Đặng Ô Rê.

Chính quyền làm lộ dân sinh cho dân đi nhưng dân ngăn cản việc làm lộ? Ông Chót tự đặt câu hỏi và khẳng định, việc trên hiếm xảy ra ở vùng sông nước huyện Đầm Dơi, khi hạ tầng giao thông của địa phương còn yếu kém, đi lại của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu biết vậy nhưng ông Chót cho rằng, trước mắt chính quyền địa phương không thể cưỡng chế thi công, bởi phần đất 24 m chưa làm xong nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sự, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Ông Trần Anh Chót đại diện chính quyền địa phương thừa nhận sơ suất, thiếu sót bởi chưa rà soát kỹ ngay từ đầu xem hộ dân có đồng thuận hết hay không rồi mới tiến hành thi công lộ. Ông cũng trấn an và khuyên người dân nên bình tĩnh, chờ thêm vài tháng nữa, bởi UBND huyện Đầm Dơi đã có tờ trình xin chủ trương của tỉnh giải quyết trường hợp của hộ ông Sự. “Tới đây, khi Nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành, UBND huyện sẽ bổ sung trường hợp thu hồi đất của hộ ông Sự trong danh mục thu hồi đất năm 2018. Sau đó, huyện sẽ họp dân thống nhất lần nữa để lập phương án bồi hoàn, thu hồi đất của hộ ông Sự để làm nốt đoạn lộ 24 m còn dở dang. Sau 90 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi đất, nếu hộ ông Sự cố tình không chấp hành thì cơ quan chức năng huyện sẽ thực hiện cưỡng chế (bảo vệ thi công)”, ông Trần Anh Chót quả quyết.

Cần thiết sẽ rút lại việc quy hoạch bến

Chung quanh phản ảnh của nhân dân về việc ông Nguyễn Văn Út dùng phà đưa rước khách ngang đoạn sông sâu, nước xiết nhưng không có giấy phép hoạt động, thách thức dư luận và chính quyền, sau khi làm việc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới biết, ngay vị trí gần cống Hai Hạt hiện có tới hai bến phà: Bến của ông Đặng Ô Rê - Phạm Chí Công (phía ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận) và bến của ông Nguyễn Văn Út (ấp Thuận Lợi, xã Tân Đức).

Cụ thể, ông Ô Rê - ông Công hùn đưa phà sát cống Hai Hạt từ năm 2010, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đến năm 2016, lo sợ phương tiện thủy gia dụng từ cống Hai Hạt đổ ra sông Gành Hào dễ va chạm vào phà ông Ô Rê nên Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau điều chỉnh phà của ông Ô Rê cùng đối tác nằm cách xa cống Hai Hạt 90 m. Ông Ô Rê và đối tác chấp hành di dời bến và tiếp tục được cấp phép hoạt động cho đến nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út đưa phà trước khi phà ông Ô Rê và đối tác đi vào hoạt động nhưng mang tính tự phát. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng hộ ông Út vẫn đưa rước khách ngang sông Gành Hào trong một thời gian khá dài. Từ khi bến phà của ông Ô Rê di dời cách cống Hai Hạt 90 m về phía thượng lưu (tính từ cửa biển Gành Hào chảy vào), Sở GTVT tỉnh Cà Mau bổ sung quy hoạch (theo tờ trình xin mở bến của gia đình ông Nguyễn Văn Út) thêm một bến phà ngang sông, cách cống Hai Hạt khoảng 90 m về phía hạ lưu. Song hành việc bổ sung quy hoạch bến, Sở GTVT tỉnh Cà Mau yêu cầu ông Út nhanh chóng xúc tiến việc làm hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động bến phà. Tuy nhiên, gia đình ông Út trì hoãn việc làm thủ tục và tiếp tục duy trì các hoạt động đưa rước khách.

Qua làm việc với đại diện Sở GTVT Cà Mau, ngoài hoạt động không phép, thời gian gần đây, ông Út còn tùy tiện mở thêm một bến đưa rước bên kia bờ sông Gành Hào, thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu - đối diện với bến phà mà cơ quan chức năng đã bổ sung quy hoạch cho ông vào năm 2016. Việc làm “vô phép tắc” nêu trên của ông Út vô hình trung đã phá vỡ thỏa thuận quy hoạch bến ban đầu mà sở chức năng của Cà Mau và Bạc Liêu đã hiệp thương.

Chia sẻ thêm vấn đề vừa nêu, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết: Theo quy hoạch bến bổ sung, khi nào được cấp phép hoạt động, ông Út chỉ được đưa rước khách từ bến cách cống Hai Hạt 90 m sang xéo bên kia sông của bến Mười Chì (bến đối lưu phía xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). “Lẽ đó, việc tự ý mở bến đối diện bên phía Bạc Liêu của ông Út là không đúng. Song, cái sai ấy của ông Út thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng tỉnh bạn”, ông Dương Hoài Nam phân tích.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau: Thời gian gần đây, ông Út đã nộp đủ hồ sơ để xin cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên, do đoạn sông Gành Hào phân cấp Trung ương quản lý, phải có xác nhận của Chi cục Đường thủy nội địa phía nam, rằng ông Út đưa phà nhưng không cản trở, lấn chiếm lòng sông... Trên cơ sở có xác nhận từ Cục, khi đó Sở GTVT Cà Mau mới đủ căn cứ cấp phép hoạt động cho bến phà của ông Út.

Phía Sở đã gửi toàn bộ hồ sơ của ông Út về Chi cục Đường thủy nội địa phía nam nhưng trên đó trả hồ sơ về, kêu ông Út bổ sung. Sau đó, Sở cũng đã trả hồ sơ để ông Út bổ sung cho đầy đủ. Tuy nhiên, cho đến nay, bộ phận chức năng của Sở chưa nhận lại hồ sơ bổ sung từ phía gia đình ông Út. Ông Dương Hoài Nam khẳng định: “Lãnh đạo Sở cũng rất bức xúc quanh việc hồ sơ, thủ tục của ông Út cứ dây dưa, kéo dài. Sau lần làm việc vào ngày 9-1-2018, nếu ông Út cố tình trì hoãn nữa thì Sở sẽ kiên quyết đình chỉ bến. Trong trường hợp cần thiết, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh hủy bỏ việc quy hoạch bến tại Hai Hạt của ông Út, chỉ chừa lại một bến hiện hữu đã cấp phép hoạt động”.

Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 2) ảnh 2

Biên bản làm việc của Thanh tra Sở GTVT Cà Mau với hộ ông Nguyễn Văn Út.

Ngày 9-1 vừa qua, Đội Thanh tra giao thông số 6 (thuộc Thanh tra Sở GTVT Cà Mau) kiểm tra, phát hiện và lập biên bản đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Út đưa phà nhưng chưa được ngành chức năng cấp phép hoạt động. Biên bản làm việc do Phó Đội trưởng Đội Thanh tra số 6 Trần Minh Hiếu lập và ký tên còn nêu rõ, ông Út phải hoàn thành thủ tục cấp phép trong vòng mười ngày kể từ ngày ký. Sau ngày 19-1-2018, nếu ông Út vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép thì không được hoạt động.

* Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 1)