Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 1)

NDO -

NDĐT- Con kênh Hai Hạt đổ nguồn nước mặn đặc quánh phù sa ra sông Gành Hào. Đó cũng là con sông chia địa giới hành chính giữa xã Tân Đức, Tân Thuận của huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) và xã An Phúc của huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu). Nơi ấy, phía bên này sông của huyện Đầm Dơi đang âm ỉ những bức xúc của người dân, rất cần các cấp chính quyền sớm giải quyết dứt điểm, không để dây dưa kéo dài trở thành “điểm nóng”…

Không cho chính quyền làm đường nên người dân gặp trở ngại khi đi lại ngang phần đất nhà ông Sự.
Không cho chính quyền làm đường nên người dân gặp trở ngại khi đi lại ngang phần đất nhà ông Sự.

Làm đường phục vụ dân nhưng một hộ dân không cho

Tình trạng trên xảy ra ngay vị trí giáp ranh cống thủy lợi có tên là Hai Hạt, nơi phân địa giới hành chính giữa một bên là ấp Thuận Lợi của xã Tân Đức và một bên là địa phận ấp Thuận Lợi A của xã Tân Thuận. Phía trên cống Hai Hạt, chính quyền đã đầu tư con lộ (đường) thông thoáng (mang số hiệu 709) về trung tâm xã Tân Thuận. Tuy nhiên, cho đến nay, nhân dân tổ 7 thuộc ấp Thuận Lợi A vẫn gặp khó khăn khi di chuyển từ ấp ra con lộ lớn nêu trên.

Theo trình bày của nhân dân tổ 7, đầu năm 2017 vừa qua, xã Tân Thuận chọn Thuận Lợi A xây dựng ấp văn hóa. Tạo điều kiện giúp người dân đi lại thuận tiện, Ban nhân dân ấp cùng UBND xã Tân Thuận tổ chức họp dân để tiến hành xây dựng con lộ bê-tông dọc tuyến sông Gành Hào theo suốt chiều dài của ấp Thuận Lợi A (khoảng hơn 1,1km). Nhờ Tân Thuận là xã bãi ngang nên người dân ấp Thuận Lợi A chỉ đối ứng 20% số tiền làm lộ, số còn lại do Nhà nước đầu tư.

Được sự quan tâm, ưu ái nêu trên nên nhân dân địa phương rất phấn khởi, tự nguyện hiến đất, nhanh chóng “hùn tiền” với Nhà nước để làm lộ. Tuy nhiên, chỉ có 35/36 hộ dân trên tuyến đồng ý, còn hộ ông Trần Văn Sự có đất mặt tiền phía đầu con lộ và nằm cạnh bến phà Hai Hạt là không đồng tình.

Trước sự việc trên, ban nhân dân ấp và chính quyền kiên trì tuyên truyền, vận động hộ ông Sự chấp hành vì phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng. Thế nhưng cho đến nay, hộ dân này vẫn bất hợp tác. Cũng vì lẽ đó mà đến nay, các đoạn lộ trên tuyến đã hoàn thành nhưng vì vướng hộ ông Sự nên tuyến lộ bê-tông ở ấp Thuận Lợi A chưa thể đấu nối với con lộ về trung tâm xã Tân Thuận.

Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 1) ảnh 1

Gia đình ông Sự ngăn cản người dân di chuyển ngang đất trước nhà mình.

Ngoài việc không cho chính quyền xây dựng lộ nông thôn, người dân ấp Thuận Lợi A còn cho biết, thời gian gần đây, gia đình ông Sự còn dùng vật liệu tạm (cây gỗ) để rào chắn ngang đoạn lộ chưa bê-tông trước mặt nhà mình, cản trở đi lại của người dân địa phương.

Đã có nhiều trường hợp vì việc cản trở của gia đình ông Sự mà cả xe và người tham gia giao thông lọt luôn xuống mé sông, hai bên xảy ra cự cãi, xung đột…

Theo lời kể của ông Phạm Văn Khởi, hộ dân ấp Thuận Lợi A, cuối tháng 11-2017, bà Huỳnh Kim Hạnh, cán bộ phụ nữ ấp Thuận Lợi A cùng người nhà chạy xe ngang qua đoạn lộ trước nhà ông Sự nhưng bị ông Sự và một người tên Thái Thị Bến (hộ dân bên xã Tân Đức) ra ngăn cản, xảy ra cự cãi. Cách nay khoảng ba ngày, cha ruột ông Sự là cựu chiến binh, dù đất đai đã cho ông Sự, nhưng cũng ra ngăn cản người đi đường. Sau khi cự cãi, người nhà ông Sự đánh nhau với một hộ dân trong xóm khiến hai bên bị thương, phải nằm viện điều trị.

Chưa rõ nguyên nhân sâu xa như thế nào nhưng trước đây, khi chưa làm lộ bê-tông, đoạn đường ngang qua mặt nhà ông Sự người dân vẫn đi lại bình thường, giờ bị gia đình ông Sự ngăn cản là không chấp nhận được. Người dân ở đây rất bức xúc trước vụ việc trên, đã gửi đơn yêu cầu đến các cấp chính quyền vài tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, ông Phạm Văn Khởi cho biết.

Phà không phép ngang nhiên hoạt động

Chuyện thật như đùa thứ hai là việc ông Nguyễn Văn Út (ấp Thuận Lợi, xã Tân Đức) đưa phà gần cống Hai Hạt qua sông Gành Hào của xã An Phúc nhưng không có giấy phép hoạt động. Tình trạng trên kéo dài nhưng ngành chức năng chậm xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc, hoài nghi, sa sút lòng tin với chính quyền.

Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 1-2018, phóng viên đi thực tế ở Hai Hạt. Ngoài việc đưa bến thủy nội địa đi vào hoạt động nhưng không có giấy phép, người dân còn cho biết, ông Út còn giao cho người dù không có chứng chỉ lái vẫn điều khiển phương tiện chuyên chở khách ngang sông. Vào những lúc đông khách, ông Út còn trưng dụng một chiếc phà khác không bảo đảm an toàn để đưa rước khách.

Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 1) ảnh 2

Bến phà không phép của gia đình ông Nguyễn Văn Út.

Theo người dân địa phương, chiếc phà nêu trên là phà cũ, ông Út mua lại của người khác với giá rẻ, sau đó hoán cải để kinh doanh. Chính vì cách làm trái quy định này mà chiếc phà cũ của ông Út từng bị chìm. Rất may không có thương vong.

Nắm bắt được những phản ánh của người dân, ngày 27-10-2017, Công an huyện Đầm Dơi tiến hành kiểm tra hoạt động đưa rước khách tại bến phà của ông Út. Sau khi kiểm tra, ông Út bị lập biên bản với các lỗi, gồm: đưa bến thủy vào hoạt động mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; giao cho người không có chứng chỉ lái phương tiện.

Biên bản cũng nêu rõ biện pháp ngăn chặn vi phạm là buộc chấm dứt hành vi vi phạm và tạm giữ phương tiện.

Tuy nhiên, ông Út không chấp hành, không ký tên vào biên bản nêu trên. Trong đoạn clip mà nhân dân cung cấp cho phóng viên hôm ông Út bị lập biên bản cũng ghi nhận, ông Út cùng gia đình có thái độ bất hợp tác và to tiếng với lực lượng thực thi công vụ.

Trao đổi với phóng viên quanh việc phà ông Nguyễn Văn Út không phép hoạt động nhưng vẫn tồn tại trong thời gian dài, ông Trần Anh Chót, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, lãnh đạo huyện đã thấy được bất hợp lý từ vụ việc của ông Út nhưng hiện tại, nếu dừng hoạt động của bến phà này thì việc đi lại ngang sông Gành Hào của người dân sẽ bị ách tắc. Nguyên nhân chính là con lộ giao thông ấp Thuận Lợi A còn vướng hộ dân không cho làm lộ, ngăn xe qua lại, đặc biệt là không cho xe đi phà của ông Đặng Ô Rê - Phạm Chí Công (phía ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận). Vì lẽ đó, nếu ngưng hoạt động phà ông Út thì người dân không còn phà nào để qua sông, đặc biệt nhu cầu đi lại cao trong dịp Tết đang cận kề.

Những chuyện coi thường pháp luật ở Cà Mau (Kỳ 1) ảnh 3

Chiếc phà hoán cải (bên trái) của ông Nguyễn Văn Út không bảo đảm an toàn nhưng vẫn đưa rước khách qua sông.

Trong thời gian chờ giải quyết chuyện đất đai của ông Sự để sớm thông con lộ ở ấp Thuận Lợi A, giúp người dân có thêm phương án để lựa chọn bến qua sông, cơ quan chức năng huyện sẽ tăng cường kiểm tra các bến thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động đưa rước khách và cương quyết xử phạt nặng những trường hợp hoạt động nhưng không có giấy phép, ông Trần Anh Chót cho biết.

Vì ngăn cản người đi đường mà gia đình ông Sự xảy ra xô sát với hộ dân trong xóm, dẫn đến thưa kiện và xã đang thụ lý. Chính quyền xã đã mời các bên liên quan lên làm việc, và cử lực lượng xuống ấp Thuận Lợi A để bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Qua đây, xã cũng đề xuất cấp trên sớm có giải pháp quyết liệt hơn, giúp người dân đi lại thuận tiện

(Ông Trần Văn Tỉa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau)

(Còn tiếp)