“Cò xe” lộng hành tại nhiều điểm cấp biển số và giấy phép lái xe

Tại Hà Nội, các điểm cấp đổi biển số xe, giấy phép lái xe, thậm chí ở các điểm xử lý phương tiện vi phạm giao thông cũng xuất hiện các nhóm đối tượng chuyên thực hiện hành vi “cò mồi” mời chào, lôi kéo người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết về pháp luật để làm tiền, gây mất trật tự công cộng.

Để ngăn chặn nạn "cò xe", người dân cần nắm rõ thông tin, tuân thủ luật pháp khi làm các thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe. Ảnh: HUY HÙNG
Để ngăn chặn nạn "cò xe", người dân cần nắm rõ thông tin, tuân thủ luật pháp khi làm các thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe. Ảnh: HUY HÙNG

Đủ các loại “cò”

Trong vai một người dân cần đổi biển số ô-tô ngoại tỉnh sang biển số Hà Nội, tìm tới điểm đăng ký đặt tại Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội tại số 86 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Xe vừa dừng, chúng tôi mở cửa xe ngó nghiêng, lập tức có năm người (bốn nam, một nữ) ùa tới, kéo vào một quán trà đá hỏi han. Sau khi nói rõ mục đích xin cấp lại biển số mới sang khu vực Hà Nội, nhóm người này để lại hai người làm việc trực tiếp với chúng tôi, số còn lại tiếp tục trở thành các “vệ tinh” đi lôi kéo những khách hàng kế tiếp. Một nữ “cò” mồi tên L nói với chúng tôi rằng: “Thủ tục làm cấp đổi biển số phức tạp lắm, không tự làm được đâu, cứ đưa tiền đây chị lo cho từ A đến Z, bảo đảm rất nhanh lấy biển số mới”. Theo ghi nhận của phóng viên, nhóm “cò xe” hoạt động trước cửa Phòng CSGT Hà Nội gồm khoảng sáu đối tượng, chia nhau ra để tìm kiếm khách hàng, mời chào, lôi kéo về cho một đối tượng “cò mẹ” ngồi sẵn một chỗ để hướng dẫn làm thủ tục. Với mỗi trường hợp khách hàng bị mồi chài, nhóm “cò” sẽ đút túi được từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Nhiều người dân khi đi xin cấp lại biển số cho xe máy hoặc ô-tô do không nắm được các thủ tục về cấp đổi biển số và tâm lý ngại mất thời gian nên đã mắc vào “bẫy” của “cò” và bị mất thêm một khoản tiền lớn ngoài quy định.

Tiếp tục ghi nhận về tình trạng “cò xe” hoạt động, chúng tôi tìm tới khu vực Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, ở số 2 phố Phùng Hưng, quận Hà Đông. Từ khi có thông tin giấy phép lái xe phải chuyển đổi sang bản cứng, lượng người đến các trung tâm cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến. Một số điểm cấp, đổi của Sở GTVT Hà Nội có thời điểm người đến đăng ký làm thủ tục tăng gần gấp đôi. Do lượng người có nhu cầu quá lớn nên nhiều người phải nhờ đến “cò” để làm cho nhanh. Tại cổng Sở GTVT, một đối tượng “cò” ngó đầu vào cửa xe của chúng tôi và xòe trong tay ra cả tập giấy hẹn lấy bằng mới, bảo: “Tôi làm cho vô số người đây này, nhanh gọn lắm, cứ đưa tiền đây là xong, bảy ngày sau có bằng”. Một người dân đứng gần chúng tôi, sau khi được nhóm “cò xe” mời chào đã quyết định mất 500.000 đồng cho nhóm này để nhờ đổi bằng lái B2 đã quá hạn đổi gần ba tháng. Theo ghi nhận của phóng viên, “cò mồi” hoạt động tại khu vực Sở GTVT không ngồi một chỗ mà thường xuyên di chuyển, cứ thấy khách là ùa tới hỏi, nếu ai đồng ý, chúng sẽ thu tiền rồi chỉ dẫn họ đi làm các thủ tục theo… “cửa riêng”.

Chưa dừng lại ở việc làm các thủ tục giấy tờ liên quan phương tiện giao thông, trong quá trình thu thập thông tin từ phản ánh của người dân, phóng viên còn phát hiện cả đối tượng “cò” chuyên “xin hộ” phương tiện vi phạm giao thông. Thời gian gần đây, ngay sát điểm xử lý phương tiện vi phạm giao thông của một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Hà Nội có trụ sở tại phường Xuân La (quận Tây Hồ), xuất hiện một quán bán trà đá ở vỉa hè. Quán nước do một đối tượng tên T làm chủ, được sử dụng làm nơi giao dịch. Những người đến Đội CSGT này thực hiện việc xử phạt phương tiện giao thông vi phạm đều được đối tượng T hỏi han, lôi kéo để thu tiền bất chính. Các trường hợp khách tìm đến T chủ yếu là các lái xe ta-xi điều khiển ô-tô vi phạm bị xử phạt, giữ giấy tờ xe hoặc phương tiện. Khi tìm được “con mồi” đối tượng T sẽ hỏi xem vi phạm lỗi gì, sau đó sẽ yêu cầu đưa một khoản phí khoảng vài trăm nghìn để đứng ra xin hộ phương tiện. Với hành vi này, hằng tháng đối tượng này bỏ túi một khoản lợi không nhỏ. Tuy nhiên, điều nhiều người khó hiểu là không hiểu đối tượng T đã móc nối với ai để có thể thực hiện được việc xin, trả xe sớm trước thời hạn bị tạm giữ.

Truy quét nạn “cò xe”

Trước thực trạng “cò xe” lộng hành, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) vào cuộc, truy quét các đối tượng, bảo đảm an ninh trật tự. Trong quá trình thực hiện công tác trinh sát và kiểm tra hành chính tại khu vực Sở GTVT Hà Nội, cuối tháng 10 vừa qua, Đội 5, Phòng PC45 phát hiện, đưa về trụ sở tám đối tượng có hành vi mời chào, lôi kéo khách làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, gây mất trật tự công cộng. Các đối tượng gồm: Lê Kim Đông, SN 1966; Bạch Thị Thu Hương, SN 1980; Nguyễn Hữu Ứng, SN 1965 và Đặng Thị Thu Trang, SN 1989, đều trú quận Hà Đông; Nguyễn Duy Toàn, SN 1990 và Đặng Thị Tình, SN 1967, đều trú huyện Ứng Hòa; Bùi Ngọc Anh, SN 1993, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai và Dương Văn Quang, ở huyện Thanh Oai.

Qua đấu tranh, Lê Kim Đông khai, từ đầu tháng 10-2015 đến nay, Đông thường xuyên ra khu vực cổng Sở GTVT để mời chào, lôi kéo khách làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe cho nhiều người. Sau khi chèo kéo được khách, Đông viết hộ khách nội dung vào tờ khai xin cấp đổi giấy phép lái xe, rồi dẫn khách đi chụp ảnh, phô-tô-cóp-py giấy tờ liên quan và chỉ dẫn khách vào các phòng trong Sở GTVT làm thủ tục.

Nguyễn Hữu Ứng và Dương Văn Quang là các “vệ tinh” của Đông với vai trò “tăm tia”, mời chào, lôi kéo khách đưa đến cho Đông hướng dẫn làm các thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Giá cả do Đông và khách thỏa thuận từ 200 đến 300 nghìn đồng/trường hợp, sau đó Đông sẽ chi tiền công dẫn dắt khách cho Ứng và Quang mỗi người từ 20 đến 30 nghìn đồng.

Bạch Thị Thu Hương cũng có lời khai tương tự, thường thu của mỗi khách đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe từ 250 đến 300 nghìn đồng tiền công hướng dẫn. Số tiền này Hương sử dụng 135 nghìn đồng nộp lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe theo quy định và hưởng số tiền chênh lệch còn lại.

Lời khai của Đỗ Duy Toàn thể hiện, từ đầu tháng 9-2015, Toàn vừa làm “xe ôm”, vừa hoạt động “cò mồi” tại khu vực trước cổng Sở GTVT với phương thức giống như Hương và Đông. Các đối tượng Đặng Thị Thu Trang, Bùi Ngọc Anh và Đặng Thị Tình cũng thường xuyên hoạt động “cò mồi” cấp đổi giấy phép lái xe tại khu vực cổng Sở GTVT, gây mất trật tự công cộng.

Theo Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5, Phòng PC45, các đối tượng “cò mồi” lợi dụng người dân chưa nắm rõ các quy định cấp đổi giấy phép lái xe và tâm lý muốn làm nhanh, nên đã dùng thủ đoạn mời chào, lôi kéo khách làm các thủ tục, thu tiền với giá gấp đôi số tiền khách phải nộp lệ phí để hưởng số tiền chênh lệch. Các đối tượng “cò mồi” gây mất trật tự công cộng đều bị cơ quan công an lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Thời gian tới, Đội 5 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức trinh sát, kiểm tra hành chính để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng “cò xe” có hành vi gây mất trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, nhằm dẹp nạn “cò” và để người dân không phải đi lại nhiều, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX qua mạng. Hà Nội là địa phương đầu tiên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chọn làm thí điểm trước khi nhân rộng hình thức này ra cả nước. Tại Phòng CSGT Hà Nội, cơ quan chức năng đã có biện pháp ngăn chặn tình trạng “cò xe” lộng hành bằng hình thức phối hợp Công an phường Cửa Nam xử phạt, chụp ảnh từng đối tượng và dán lên bảng thông báo để người dân biết. Bên cạnh đó, các cán bộ của Phòng CSGT được chỉ đạo thống nhất việc tuyên truyền giúp người dân nắm các thủ tục và hỗ trợ để nhanh chóng hoàn thiện việc cấp đổi biển số. Tuy nhiên, để tình trạng “cò xe” không còn lộng hành, người dân cần nâng cao ý thức, khi làm các thủ tục liên quan phương tiện giao thông, cần nắm rõ thông tin, tuân thủ luật pháp, tránh tiếp tay cho những đối tượng xấu, gây ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội.