Chiều 18-9, đoàn chuyên gia Nga sẽ khảo sát mặt cầu Thăng Long

NDO -

NDĐT - Chiều 17-9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, đoàn chuyên gia của Nga đã có mặt tại Hà Nội, dự kiến trong chiều 18-9, sẽ cùng các chuyên gia của Tổng cục tiến hành khảo sát làm việc tại hiện trường mặt cầu Thăng Long, tìm phương án khắc phục, sửa chữa.

Chiều 18-9, đoàn chuyên gia Nga sẽ khảo sát mặt cầu Thăng Long

Theo lịch trình, các chuyên gia Nga sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm ngày (từ 17 đến 21-9), trực tiếp khảo sát, đánh giá mặt cầu Thăng Long và đề xuất giải pháp sửa chữa cụ thể. Vào chiều mai (18-9), Tổng cục ĐBVN sẽ cùng đoàn chuyên gia Nga tiến hành khảo sát mặt cầu, đánh giá sơ bộ tình trạng và khả năng khai thác của cầu Thăng Long.

Theo đề nghị của Tổng cục ĐBVN, phía Nga đã đồng ý hợp tác và chuyển một số tài liệu tới các chuyên gia và Tư vấn KEI (do Tổ chức JICA, Nhật Bản lựa chọn) để nghiên cứu trước khi đoàn Nga sang Việt Nam khảo sát tình hình thực tế.

Cầu Thăng Long do Liên Xô (trước đgiúp đỡ xây dựng, nằm trên tuyến đường huyết mạch từ Hà Nội đi các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc. Cầu có hai tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dàn thép, bề rộng mặt cầu 20 m gồm làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2 m.

Lần kiểm tra gần đây cho thấy, mặt cầu bị rạn nứt khoảng 8.700 m2. Diện tích hằn lún dưới 2,5 cm là 1.300 m2; từ 2,5 đến 7 cm là 570 m2. Mặt vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, bốn trong tám khe co giãn cầu bị hư hỏng, đang được che tạm bằng tấm thép.

Tại cuộc họp bàn phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long do Bộ GTVT tổ chức ngày 6-9 vừa qua, Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, lớp thảm bê-tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị xô trượt trên bản thép gây nứt ngang mặt cầu. Trước đây, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó cài đá dăm tạo nhám gắn vào lớp keo này và trải thảm bê-tông nhựa lên.

Bước đầu, chuyên gia khẳng định tuổi thọ của lớp phủ mặt cầu khi Liên Xô xây dựng tối đa là 18 năm. Trên thực tế, mặt cầu Thăng Long đã khai thác 24 năm mới bắt đầu phải sửa chữa.

Trong đợt sửa chữa năm 2009, đơn vị thi công đã bóc lớp tạo nhám, làm lại lớp chống thấm mặt cầu, tuy nhiên, phương án này đã không đạt yêu cầu kỹ thuật. Xe chạy trên cầu gây lực trượt khiến lớp bê-tông tạo thành rãnh sóng, các vết nứt thấm nước xuống phía dưới phá hoại bê tông nhựa.

Trong giai đoạn năm 2012-2013, mặt cầu Thăng Long tiếp tục được sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê-tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ tiến hành sửa chữa cục bộ các vị trí bê-tông nhựa bị trượt, xô dồn để bảo đảm giao thông, nhưng gần đây do mưa nhiều, dù được sửa chữa nhưng mặt cầu vẫn tiếp tục bị trồi sụt.

Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ GTVT) Lê Kim Thành, mặt cầu Thăng Long xuống cấp, hư hỏng có hai nhóm nguyên nhân, một là sau 30 năm sử dụng, kết cấu chịu lực của 15 nhịp dàn thép đã biến dạng, gây ra các vết nứt dọc, thứ hai là sự dính bám giữa lớp bê-tông nhựa và mặt thép suy giảm. Để khắc phục triệt để, cần kiểm tra toàn diện cầu, nếu cầu Thăng Long bị suy giảm kết cấu thì phải sửa kết cấu trước sau đó mới sửa chữa mặt cầu.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cầu Thăng Long đã có tuổi thọ hơn 30 năm, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước.

Thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội và so với thực tế đã sửa chữa chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nghiên cứu dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long lần này là yêu cầu bắt buộc đối với ngành GTVT. Giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất từ 10 năm trở lên. Các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm về chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chí này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo mời chuyên gia Nga và ưu tiên đơn vị trước kia đã xây dựng cầu Thăng Long vì họ có nền tảng khoa học phát triển và "là người thật, việc thật", yêu cầu Tổng cục ĐBVN thành lập tổ công tác chuẩn bị đề cương, đưa ra mục tiêu thảo luận với các chuyên gia Nga. Tổng cục ĐBVN và Cục Đường sắt Việt Nam cần kiểm định lại toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu. Ngoài ra, để mặt cầu êm thuận khi chưa sửa chữa toàn diện, các đoạn bị hư hỏng sẽ được sửa tạm từng phần.