"Lớp màng lọc" cần thay đổi

Tọa đàm "Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức tại Hà Nội có lẽ là buổi ngồi lại hiếm hoi giữa các nhà quản lý và giới nghệ sĩ để nói về một vấn đề đang trở thành "rào cản", phần nào ảnh hưởng tới cảm xúc, nhiệt huyết sáng tạo của các nghệ sĩ. Ðó là vấn đề cấp phép, kiểm duyệt tác phẩm.

Quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi tư duy và phương thức quản lý mới đối với sáng tạo nghệ thuật.
Quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi tư duy và phương thức quản lý mới đối với sáng tạo nghệ thuật.

Nhiều rào cản

Ðại sứ Ðan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen cho rằng, Việt Nam đang tồn tại nhiều "rào cản" hạn chế các nghệ sĩ trong cách thức tự do biểu đạt cũng như làm nghèo đi sáng tạo của người làm nghệ thuật.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vương Duy Biên chia sẻ ở góc độ một cá nhân vừa làm quản lý, vừa tham gia hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình: "Bối cảnh xã hội hiện nay đòi hỏi phải đổi mới cách thức quản lý. Từ các bước tiếp cận, hồ sơ, thủ tục cấp phép cho tác phẩm nghệ thuật hiện đang có quá nhiều sự trói buộc, khiến cho các nghệ sĩ bức xúc, nhu cầu xã hội thì không được đáp ứng…". Cũng theo Thứ trưởng, nếu không thay đổi, cởi trói thì mong muốn hướng đến công chúng để xây dựng nên một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ là điều không tưởng.

Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, một cuộc nhìn lại vấn đề cấp phép, kiểm duyệt cho các nghệ sĩ sáng tạo mỹ thuật, nhiếp ảnh tại Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. "Chúng ta đang mất mát rất nhiều thứ chỉ vì kiểm duyệt. Câu hỏi được đặt ra là trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, cần thay đổi tư duy và cách thức đó như thế nào? Liệu các nhà quản lý có kiểm duyệt được sáng tạo của các nghệ sĩ hay không?".

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy kể chuyện của chính anh với tác phẩm là một bức tranh tường lớn vẽ về TP Hồ Chí Minh, sau 4,5 tháng không vượt qua được hàng rào kiểm duyệt trong nước, tác phẩm đã được chuyển sang Jakarta (In-đô-nê-xi-a). Ðến nay, thủ đô của In-đô-nê-xi-a đang sở hữu một tác phẩm nghệ thuật tranh tường rất đẹp và thu hút. "Ðể thấy là sân chơi cũng như địa bàn hoạt động của các nghệ sĩ Việt đang được mở rộng đường biên hơn trước rất nhiều. Nếu cứ mãi khắt khe với những hàng rào kiểm duyệt, chúng ta sẽ còn tiếp tục mất đi nhiều thứ nữa…", nghệ sĩ Nguyễn Như Huy nói.

Thế nào là tự do sáng tạo thật sự?

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, tự do sáng tạo vốn có hàng nghìn, hàng triệu con đường. Vì thế, muốn thúc đẩy tự do sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật thật sự cho các nghệ sĩ thì tốt nhất, hãy bỏ chế độ kiểm duyệt, cấp phép đối với các tác phẩm nghệ thuật như trước giờ vẫn làm. Vị họa sĩ có số lượng tranh tiêu thụ thuộc tốp đầu bảng của mỹ thuật Việt Nam này cũng khẳng định, đã qua rồi thời kỳ lấy tập thể, số đông làm tiêu chí sáng tạo. Các nghệ sĩ nếu không khẳng định những cá tính, diện mạo riêng có thì sẽ rơi vào những lối mòn mệt mỏi. Theo họa sĩ Thành Chương, trên thực tế, các họa sĩ khi sáng tác luôn hướng đến các giá trị nhân văn, số lạm dụng nghệ thuật để làm cái nọ, cái kia rất ít. Vì thế, cần có một động thái tích cực từ phía cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ những rào cản trói buộc. "Nhất thiết không nên đưa ra những khuôn khổ, định hướng khuôn mẫu cứng nhắc, như vậy chẳng khác nào triệt tiêu khả năng sáng tạo của nghệ sĩ…", họa sĩ Thành Chương lưu ý.

Cùng quan điểm này, họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, chính các họa sĩ, người sáng tạo sẽ tự ý thức về nội dung tác phẩm cũng như các "kênh" đưa tác phẩm đến với công chúng, căn cứ vào từng không gian cụ thể. Thí dụ như ở những nơi thờ tự, di tích hay các thiết chế đặc thù như nhà văn hóa thiếu nhi thì chẳng nghệ sĩ nào lại đưa các tác phẩm có tính chất nhạy cảm như tranh ảnh khỏa thân, nội dung suồng sã hay các ý tưởng đột phá quá… táo bạo. Họa sĩ Nguyễn Quân cũng thẳng thắn, nếu cứ kiểm duyệt quá khe khắt thì con đường đưa tác phẩm mỹ thuật đến với đông đảo công chúng, đặc biệt ở các địa phương cấp xã, phường hay vùng sâu, vùng xa… sẽ càng trở nên khó khăn.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, những người đứng ở vị trí thẩm định và cấp phép cho tác phẩm văn nghệ được ra đời ở xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện nay, đứng ở khía cạnh nào đó, có thể gọi là những công chúng đầu tiên, cũng là những nhà phê bình đầu tiên. Vì thế, nhiều nhà quản lý và đông đảo nghệ sĩ kiến nghị, những lớp màng lọc đầu tiên này không thể chỉ mãi bằng lòng với các khuôn mẫu, các yếu tố an toàn mà cần có một sự thay đổi mạnh dạn hơn, phù hợp hơn với thời đại.