Giữa đôi bờ hư thực

Trong các thực hành nghệ thuật mang tính bản địa, việc sử dụng các “chất liệu truyền thống” rất phổ biến. Tuy nhiên, việc ngộ nhận và sử dụng truyền thống như một loại vật liệu đơn thuần trong sáng tạo tác phẩm, hay trong bất kỳ một hoạt động văn hóa nào đó, sẽ tạo ra những khoảng trống nhất định.

Giữa đôi bờ hư thực

Những khoảng trống đó là gì? Tại sao trên con đường sáng tạo, Truyền thống không chỉ là Vật liệu, mà còn đóng vai trò là Tinh thần? Và thế nào là “tinh thần truyền thống” trong các sản phẩm sáng tạo? Câu trả lời sẽ cùng được thảo luận với nghệ sĩ Trần Lương, một trong những giám tuyển có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam. Buổi talk Tương lai của truyền thống diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 10-5 tại Không gian nghệ thuật Erato School of Music and Performing Art (30 Đoàn Thị Điểm, Hà Nội).

Định Nguyễn (sinh năm 1979) là kiến trúc sư, sống ở TP Hồ Chí Minh, thực hành nhiếp ảnh như một cách mở một cửa sổ khác để tác giả nhìn mọi thứ bên ngoài công việc và những buồn tẻ thường nhật. Nhiếp ảnh, với Định Nguyễn như một cuộc hẹn hò riêng tư, giữ cho những cảm giác ấy hữu hình, mở ra một góc nhìn khác và làm những trải nghiệm cá nhân ấy trở nên đáng nhớ hơn. Một chút về mọi điều là triển lãm cá nhân của nhiếp ảnh gia Định Nguyễn, như một lát cắt mỏng về những điều như thế, đang diễn ra và kéo dài đến hết ngày 12-5 tại Không gian nhiếp ảnh Matca (48 Ngọc Hà, Hà Nội).

Ở một không gian khác, công chúng yêu nghệ thuật điêu khắc TP Hồ Chí Minh cũng sẽ có dịp thưởng thức trọn bộ tác phẩm Khi Sương mờ, lúc Khí tan: Điêu khắc Ta thán của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng, đang diễn ra và kéo dài đến 14-6 tại Vin Gallery (số 6 Lê Văn Miến, Thảo Điền, quận 2). Qua triển lãm, Hằng muốn nhấn mạnh cảm xúc bừng ngộ mang tính thời khắc. Những khoảnh khắc tưởng như trôi qua rất ngắn cũng quan trọng tương đương như sự duy trì một hành trình theo đuổi một suy tưởng dài lâu. Sự tương tác trực tiếp gần gũi với tác phẩm của nghệ sĩ hiện lên trên từng vết móp, từng lớp giấy bồi, từng khúc rễ tre cằn cỗi mà cô nhặt từ Cam Ranh. “Khi Sương mờ, lúc Khí tan” làm lộ diện một sự giải thoát cho ý thức của chính cô và đưa ra những khả thể tiếp cận “hồi cuối” của con người.

Giữa đôi bờ hư thực ảnh 1