Thưởng trà trên đỉnh non cao

Uống trà trong tâm thức người Việt từ bao đời không chỉ là thưởng vị một thức uống truyền thống đặc sắc, mà còn mang ý nghĩa văn hóa trong giao tiếp, kết nối cộng đồng. Chén trà luôn là khởi đầu cho những mối lương duyên không kể công việc hay đời sống thường ngày. Người mê thưởng trà cầu kỳ còn muốn chọn cho mình không gian và thời gian thích hợp, để nhâm nhi tách trà ngon nhất theo cách của riêng mình.

Những cây chè cổ luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.
Những cây chè cổ luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Và có lẽ, không gì tuyệt hơn khi được thưởng vị chát ngọt của chén trà san tuyết cổ thụ trên đỉnh non cao. Có hai địa điểm mà người yêu trà nên tới, để vừa được du ngoạn cảnh sắc kỳ vĩ của núi rừng, chiêm ngưỡng những thân chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, vừa được nhâm nhi chén trà đặc sản trong màn sương giăng, đó là Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) và Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, chè san tuyết như món quà thiên nhiên ban tặng cho những vùng đất khó.

Để lên được đỉnh Tà Xùa, du khách sẽ trải qua những cung đường quanh co, hiểm trở nhưng vô cùng thi vị. Đường lên đỉnh Tà Xùa quanh năm chìm trong biển mây mù. Giữa ban ngày mà chỉ vài con dao quăng là đã không nhìn rõ mặt. Cách trung tâm xã chưa đầy chục cây số nhưng đường tới bản Bẹ - nơi tập trung nhiều nhất những cây chè cổ không hề dễ đi. Con đường đất nhỏ hẹp ấy, theo người dân bản địa, khi trời mưa chỉ có cách đi bộ mới qua được. Nhưng bù lại, du khách sẽ được thỏa thích chiêm ngưỡng giữa núi rừng mênh mang, hàng trăm thân chè xù xì, mỗi thân có hàng chục nhánh lớn vươn cao, địa y bám xanh thân cổ thụ. Tới nơi này, du khách sẽ được anh Mùa A Gia - chủ của hàng trăm gốc chè ấy kể cho nghe về nghề hái chè, sao chè kiểu truyền thống của người Mông. Đến để tin rằng, trong không gian đại ngàn ấy, những cây chè đã tồn tại qua nhiều thế hệ đời người, chỉ bằng sương, gió và khí trời trong sạch, bằng sự nâng niu, trân trọng và được coi như di sản của ông bà để lại cho con cháu đời sau.

Trên đỉnh Suối Giàng, cây chè san tuyết đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. Quần thể hơn 400 gốc chè san tuyết cổ của bốn bản thuộc xã Suối Giàng không chỉ gìn giữ di sản của nơi này mà đã trở thành nơi hút khách du lịch, quảng bá thương hiệu chè đặc sản. Dưới chân núi, bên bản văn hóa Pang Cáng, du khách vừa được thưởng thức chén trà thơm đượm, vừa ngắm cảnh sắc núi rừng và được nghe về truyền thuyết địa danh Suối Giàng.

Theo truyền thuyết của người Mông, tự thuở hoang sơ, một nàng tiên nữ giáng trần, mang theo một loại hạt mầm gieo xuống vùng đất khó. Những hạt mầm ấy nảy xanh và xòe tán rộng. Búp lá non ngậm sương có mầu trắng như tuyết. Lá cây đun với nước suối đã cứu sống đoàn người Mông đi lạc trong rừng. Bởi thế họ tin rằng, đó là do trời giúp. Và họ đặt tên nơi này là Suối Giàng (suối của trời). Cây chè ở Suối Giàng có từ bao giờ thì không ai biết được, nhưng người dân bản tin rằng có hàng nghìn cây chè san tuyết hơn 200 năm tuổi, nhiều cây lên tới 300 năm tuổi. Và người dân nơi đây tự hào, chè cổ thụ có ở nhiều nơi, nhưng san tuyết Suối Giàng là nhiều nhất cả số lượng lẫn tuổi mộc.

Vì thế, nếu yêu trà và yêu thiên nhiên, du khách đừng nên bỏ qua cơ hội, để một lần được chiêm ngưỡng và tận hưởng cảm giác thưởng vị độc đáo của trà san tuyết trên đỉnh non cao.