Chinh phục cung đường Cửa Tử

Mặc dù dịch vụ du lịch ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), nơi có con suối Cửa Tử chảy qua chưa phát triển, Nhưng sự hoang sơ của rừng núi, ghềnh thác và bao thử thách, khó khăn để đi hết cung đường này vẫn luôn thu hút những bạn trẻ thích khám phá khắp mọi miền tìm về.

Chinh phục cung đường Cửa Tử

Cửa Tử không phải là một điểm đến mới lạ, nhất là với các bạn trẻ ở Thái Nguyên nhưng là một điểm đến xứng đáng đưa vào danh sách phải chinh phục nếu bạn là người yêu thích trekking.

Vì sao con suối có tên gọi là Cửa Tử? Tôi đã suy nghĩ mãi câu hỏi kể từ lúc tình cờ gặp người dẫn đường cung này trên cực tây A Pa Chải (Điện Biên) vào một ngày mùa đông. Và hè đến, thời điểm không thể thích hợp hơn để lên đường tìm đến ghềnh thác, thỏa mãn trí tò mò. Khi tới xã Hoàng Nông mới biết, có nhiều cách lý giải khác nhau về cái tên Cửa Tử, mỗi người tin một câu chuyện. Một phiên bản là bộ đội địa phương đã dùng kế đánh giặc của người xưa, nhử địch đi ngược dòng suối Cái, cảnh đẹp của núi rừng nơi Cửa Tử đã làm cho kẻ thù xao nhãng mà quên đi nhiệm vụ và bộ đội ta thừa cơ tiêu diệt, lập bao chiến công. Những người mộng mơ lại thích câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung của một đôi trai gái từ thời phong kiến đã thề nguyền bên nhau. Họ đã nắm tay, cùng đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to, đi mãi vào nơi núi rừng hoang vu bên dòng suối mát, mặc cho người đời ngăn cản, can ngăn: “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử”...

Cửa Tử là một dòng suối nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45 km, chảy từ dãy Tam Đảo xuống, dọc theo chiều dài của xã rồi đổ vào sông Công. Đường vào xã Hoàng Nông có phong cảnh khiến ai ngang qua cũng phải trầm trồ, với dãy Tam Đảo như một bức trường thành mầu lam sẫm, xen kẽ giữa đồi núi là những dải đồng bằng nhỏ hẹp, những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt bên những đồi chè uốn lượn đang trổ những búp xanh non. Con đường trải dài trong yên bình giữa chòm xóm của người bản địa thật thà, mến khách.

Cửa Tử hiền hòa, suối nước trong vắt nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi, nhưng càng đi vào sâu trong rừng nước càng chảy xiết, những tảng đá cũng trở nên trơn trượt.

Đoàn chúng tôi xuất phát lúc 8 giờ sáng để chinh phục được ba cửa trong một ngày. Vì hôm trước trời mưa, đường rừng rậm rạp, trơn trượt và ẩm ướt. Quá trình băng rừng, vượt thác luôn có người dẫn đường vừa bảo đảm an toàn, vừa được hướng dẫn cụ thể đường đi một cách cẩn thận nhất. Gần trưa, chúng tôi gặp thác máng nằm giữa Cửa 2 và Cửa 3, là máng trượt bằng đá do nước chảy đá mòn nghìn năm tạo thành. Sau khi trượt nước thỏa thích, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong Cửa 3, gặp các thác nước dội từ trên cao tung bọt trắng xóa. Chung quanh, trên những vách đá rêu phong phủ kín, những thân cây rừng bám rễ chằng chịt. Sau một đoạn đường khá dài, Cửa 3 là nơi nghỉ chân, đắm mình trong làn nước mát và thỏa thích bơi lội, nô đùa. Bữa trưa “thịnh soạn” giữa núi rừng của cả nhóm là xôi đậu xanh kèm thịt rán chấm muối mè được anh dẫn đường chuẩn bị sớm. Có cậu bạn thích trải nghiệm này quá, ngâm nga mãi: “Tôi đi tìm khoảng lặng của riêng tôi, những con đường mòn không bóng người đi, một dòng suối mát, một thế giới trong con tim nhỏ bé. Lớn lên, bước chân đã trải qua nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc, đôi lúc thiết nghĩ, liệu có nơi nào yên bình hơn?”.

Từ Cửa 3, chúng tôi quay trở ra một đường khác để trở lại Cửa 2, dừng chân tại một con thác cao hơn 10 m. Vì được hướng dẫn, đầy đủ áo phao, tất cả thành viên trong đoàn đều mạnh dạn nhảy thác từ độ cao 7 m. Đến lúc này, mọi người mới hiểu cảm giác chinh phục mạo hiểm là như thế nào suốt cung đường.