Thương nhớ bích đào...

NDO -

NDĐT - Giữa bạt ngàn sắc hoa đào khắp phố phường, vẫn có người than không tìm được bích đào Nhật Tân. Bông bích đào thắm đỏ, cánh dày. Nhìn nụ đào mới hé ra màu đỏ son dưới lớp lông tơ mà đã thấy ấm lòng, thấy dương khí mùa xuân tràn về. Nhưng sắc hoa huyền thoại ấy dường như đã trở thành dĩ vãng.

Thương nhớ bích đào...

Người trong nghề bảo, chăm được cây bích đào cổ của Nhật Tân khó lắm. Bởi thế, cái tinh hoa đôi khi cũng trở nên lạc lõng khi đối mặt với thương trường. Nhiều cành đào Nhật Tân nhờn nhợt chẳng ra bích, chẳng ra phai khiến lòng người thêm thương nhớ...

Dinh đào Nhật Tân xưa không còn. Nhưng diện tích trồng đào ở các phường trên địa bàn quận Tây Hồ giờ đã vượt quá con số 100 ha. Còn trên toàn thành phố Hà Nội, dự kiến đến năm 2016, sẽ có hơn 288 ha dành cho cây đào. Nhiều địa phương ở Hà Nội trồng đào, chưa nói đến các tỉnh thành lân cận. Nghề trồng đào không mai một, mà còn phát triển hơn xưa, nếu ta biết rằng diện tích dinh đào (nay là khu đô thị Ciputra) xưa cũng chỉ khoảng 30 ha. Lại nữa, xưa trồng đào cũng chỉ đủ sống, nay chỉ cho thuê, nhiều gốc đào đã giá mấy chục triệu. Những cây đào "khủng" có giá trăm triệu không còn là chuyện hiếm. Không chỉ ở Nhật Tân, nhiều người trồng đào đã thành những nông dân cự phú. Ấy thế mà cứ Tết đến, đi chợ hoa, những người sống lâu năm ở Hà Nội lại thấy thiếu thiếu cái gì. Ngẫm đi rồi ngẫm lại. Ừ, đấy là sắc hoa...

Bảo người ta hoài cổ ư? Có lý. Mà cũng không. Cây đào rời dinh, đất cố cựu suốt hàng trăm năm sang vùng đất mới. Sắc hoa phôi pha là điều dễ hiểu. Nhưng đâu chỉ có thế... "Đào cổ Nhật Tân cánh dày, sắc thắm, hoa to. Thời gian từ lúc hàm tiếu đến mãn khai rồi tàn của bông bích đào Nhật Tân rất dài. Nhưng nhược điểm của bích đào Nhật Tân là hoa thưa. Phải tốn rất nhiều công mới cho hoa nở đúng dịp. Bây giờ làm thương mại nhiều. Người ta làm đào "đời mới". Chỉ việc "bắn" mắt bích đào lên gốc đào rừng là xong. Hoa dày. Có khi tuốt lá "lệch pha" đến gần một tháng hoa vẫn nở đúng Tết. Vì hoa nhiều quá, khoảng thời gian nở kéo dài. Có nở sớm thì tỉa bớt đi vẫn kịp Tết". Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn. Gia đình ông Toàn đã nhiều đời làm nghề trồng đào. Đào bích Nhật Tân cũng chính là giống đào mà ông Toàn cũng như cha ông, rồi những người thế hệ trước nữa luôn thao thiết. Nhưng cái gì cũng "có giá" của nó. Đào ghép cho sức sống mạnh mẽ hơn. Được vài thế hệ, nó bỗng hóa thành giống đào lai... nhờn nhợt.

Thương nhớ bích đào... ảnh 1

Bích đào giờ đã "phai" đi nhiều. Ảnh: TUYẾT LOAN

Không phải mọi người Nhật Tân đều ưa đào "đời mới". Nhưng thương trường không dễ dung nạp cho tính cầu kỳ của thú chơi. Chẳng hiểu từ đâu ra thú chơi "đào khủng". Nhiều "đại gia" cứ thích khuân về những gốc đào to như cái phích. Dường như để thể hiện cái hơn thua thiên hạ. Còn cách nào nhanh hơn, thuận tiện hơn cách "bắn" mắt đào bích vào những gốc đào rừng? Khi "đào khủng" cười thì đào cổ khóc.

Nhưng khi khuân những gốc "đào khủng" về, người ta không nhận ra những gốc đào khủng thường thiếu đi một điều căn cốt trong vẻ đẹp của cây, của hoa. Đó là sự cân đối giữa gốc, thân và cành. Lắm gốc đào khủng trông cứ tựa như một diễn viên hài trong rạp xiếc. Gốc quá to còn cành nhỏ chẳng khác nào người ta lấy tăm xiên vào củ khoai cỡ bự. Lại thêm một sự vô lý đến kệch cỡm khi cành cây mơn mởn như thiếu nữ, cắm vào thân cây xù xì như ông lão 90. Những nguyên lý thẩm mỹ đúc kết bao nhiêu đời bị vứt bỏ cả một lượt. Đấy là kích thước của cành tối thiểu bằng 30% của thân, cành nhỏ cũng phải bằng ít nhất 30% cành lớn. Sự quằn quại những mấu, những hốc của gốc chuyển sang sự xù xì ít hơn của cành phải mềm mại như một giai điệu. Nhiều người Nhật Tân bảo: "Đào dại làm hại bích đào" là vì thế.

Xưa kia, có những cụ cầu kỳ đến mức trồng một cây đào từ cái hạt. Cây lớn lên qua năm tháng, gốc rồi thân cây phôi pha bởi thời gian, cứ mỗi độ cây tiết nhựa gốc cây cành thêm sần sùi, đến mức từ gốc đến cành đều lên màu năm tháng. Đào càng già, hoa càng thắm. Đào cổ Nhật Tân hoa thưa, bao nhiêu nhựa sống dồn cho số ít bông, nên hoa mang sức sống mãnh liệt từ khi hé nụ. Hoa, lộc nảy ra từ những gốc cây già cỗi khiến người ta có cảm giác như bông hoa là sự kết tinh từ dâu bể những đời người. Ông Toàn tâm sự, cuộc sống ngày nay không cho phép chờ đợi hàng chục hay vài chục năm để có cây đào như thế. Nhưng nếu người làm chơi cẩn trọng hơn, chọn gốc ghép có hoa gần với giống bích đào, chịu khó dành thời gian tạo tác thì cây ghép vẫn giữ được những nét đẹp cổ truyền.

Vẫn có những gia đình ở Nhật Tân giữ vài gốc đào cổ. Giữ để thỏa mãn thú chơi riêng, hoặc giữ làm giống, lấy mắt ghép. Nhưng cũng không ít gia đình đến một gốc bích đào "gốc Nhật Tân" cũng không còn. Người ta tiện thể lấy luôn những mầm cây của đào "đời mới" làm mắt ghép. Vậy rồi giống bích đào huyền thoại sẽ về đâu?

Tôi nhớ nhiều lão nghệ nhân của nghệ thuật hoa, cây cảnh Hà Nội từng bảo: Cách chơi hoa, chơi cây của người Hà Nội cổ truyền xứng đáng gọi là "hoa đạo". Thăng Long hoa đạo. Dẫu chơi cây, chơi hoa tốn nhiều công sức, nhưng người ta không lấy sự cầu kỳ làm đầu. Điều quan trọng nhất là ở thông điệp của mỗi dáng, mỗi thế cây, như nghệ nhân ở làng Nghi Tàm, nghệ nhân Lê Quyết Bội từng bảo: Tết đến, ông chỉ cắm một cành đào mà thôi. Song, cái thế của cành đào đó phải nói lên điều gì đáng suy nghĩ. Thế nên không thể không băn khoăn khi nghĩ về những gốc bích đào. Cái băn khoăn không chỉ ở sự "lên ngôi" của thú chơi kiểu mới, mà sâu hơn, là ở hệ triết lý về cái đẹp đã hình thành tại đất văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua bao năm tháng.

Trong trăm bề nỗi niềm ngang dọc của thời điểm chuyển giao năm mới - năm cũ, người ta hay nhìn về quá khứ. Dẫu vậy, cũng thật khó có thể nói lối chơi đào "đời mới" với những gốc bích đào truyền thống cái nào đúng, cái nào sai. Lại dành câu trả lời cho thời gian. Phải chăng, rồi cũng như vòng quay cuộc sống, khi "lượng" đã đủ đầy, người ta sẽ quan tâm đến "chất" nhiều hơn? Và khi ấy, sẽ không còn người phải gửi nhớ thương theo gió xuân để đi tìm sắc thắm bích đào...