Rộn ràng tranh Tết đón Xuân

Tết đến, Xuân về cũng là dịp để giới mỹ thuật tìm kiếm những cung bậc xúc cảm về cái đẹp, về những giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều triển lãm, hội chợ tranh Tết đã góp thêm những sắc mầu tươi vui, ấm áp, đem đến hy vọng về một năm mới tốt lành.

Ðám cưới chuột (phiên bản 4D) tại Triển lãm Con giáp của tôi.
Ðám cưới chuột (phiên bản 4D) tại Triển lãm Con giáp của tôi.

Diễn ra trong thời gian dài từ ngày 16-1 đến 28-2 với quy mô, chủ đề lớn; nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng và đón Xuân Canh Tý 2020 là triển lãm Mùa xuân vĩnh viễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 59 tác phẩm của 54 tác giả thuộc nhiều thế hệ, từ các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Ðông Dương, mỹ thuật kháng chiến đến giai đoạn sau này. Người xem được thưởng thức những sáng tác nổi tiếng trong bộ sưu tập của bảo tàng gắn với các đề tài: Ca ngợi Ðảng Cộng sản Việt Nam có "Kết nạp Ðảng trong tù" của Nguyễn Ðức Nùng; "Bất khuất" của Hứa Tử Hoài… Tấm lòng của nhân dân đối với Ðảng được thể hiện trong các tác phẩm "Cuộc đời có Ðảng" của Lê Sơn Hải; "Ơn Ðảng ơn Bác người Mèo có chữ" của Quách Hùng… Hình ảnh Bác Hồ kính yêu được khắc họa thành công qua "Luận cương đến với Bác Hồ" của Nguyễn Minh Thông; "Việt Nam - Hồ Chí Minh" của Nguyễn Nùng… Những thành tựu quan trọng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được ghi dấu trong các tác phẩm "Tập kết" của Nguyễn Hiêm; "Mừng miền nam giải phóng" của Phạm Việt Hải; "Mùa xuân vĩnh viễn" của Lê Ðức Lai… Bên cạnh đó, là những sáng tác mang hơi thở, sức sống thời đại trong nhịp điệu đổi thay, phát triển của cuộc sống mới, của mùa xuân, như: "Phong cảnh phố mỏ" của Ngô Phương Cúc; "Phát triển thôn quê" của Nguyễn Văn Ký; "Hà Nội đón xuân" của Nguyễn Ngọc Tuân; "Chợ hoa Hải Phòng" của Vũ Văn Thu… Triển lãm Mùa xuân vĩnh viễn thể hiện đa dạng, phong phú nhiều mặt đời sống, những thành tựu trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Các tác phẩm gồm nhiều thể loại (như hội họa, đồ họa, điêu khắc…); chất liệu đa dạng (sơn mài, sơn dầu, lụa, mầu nước, bột mầu, khắc gỗ, tượng đồng…); bên cạnh đó, còn có nhiều tranh cổ động. Tất cả góp phần làm nên một triển lãm quy mô, đậm đà nghệ thuật và sâu sắc nội dung.

Cùng hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng và chào đón Tết cổ truyền, còn có triển lãm Tranh xuân Canh Tý 2020 do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 15 đến 22-1 tại Hà Nội. 170 tác phẩm của 170 tác giả hội viên đa dạng từ chất liệu đến ngôn ngữ tạo hình, phong cách; mang những nét riêng của từng nghệ sĩ đang sống và làm việc tại Hà Nội nhiều thập kỷ qua. Các sáng tác với đề tài ca ngợi Ðảng 90 mùa xuân, hội chợ hoa, con giáp Canh Tý…; chứa đựng niềm vui, ước vọng về một năm mới an lành.

Cảm hứng về con giáp luôn được các nghệ sĩ say mê mỗi dịp đầu xuân. 5 năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, nhóm họa sĩ G39 (Hà Nội) đều làm triển lãm tiễn năm cũ và đón chào năm mới với chủ đề con giáp. Năm nay, từ ngày 15 đến 30-1 (mồng 5 Tết), Triển lãm Tiễn Hợi đón Tý của nhóm (gồm các họa sĩ Bình Nhi, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Minh, Nguyễn Hồng Quang, Tào Linh, Việt Anh, Lê Thiết Cương, Ðỗ Dũng) trưng bày những tác phẩm mới nhất về "Chuột vàng" trên các chất liệu sơn dầu, giấy dó, bột mầu, gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh… Những tác phẩm làm bằng tay tinh tế, mộc mạc vừa đậm chất dân gian lại trẻ trung, hiện đại là món quà xuân dễ thương dịp năm mới. Ðáng chú ý, tại NXB Thế giới, Hà Nội từ ngày 6 đến 31-1 (mồng 7 Tết) diễn ra Triển lãm Con giáp của tôi với chủ đề xuyên suốt là "Sung túc và Hạnh phúc" do Hội quán Di sản tổ chức, hội tụ những bộ vật phẩm sáng tạo về chủ đề con chuột, thu hút đông đảo công chúng thưởng lãm. Hình ảnh "Chuột gốm" tròn trịa được khắc họa trên các tác phẩm gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán thể hiện mong ước đời sống mọi nhà được no đủ. Hình ảnh "con Tý" còn được khai thác từ những tích xưa như Chuột cắp trứng, Chuột ôm tiền, Chuột tha cá… hiện lên với những dáng vẻ, tinh thần khác nhau nhưng đều có điểm chung là thân hình tròn trịa, thần thái vui tươi. Con giáp của tôi cũng trưng bày vật phẩm Chuột hoàng gia, khai thác ý tưởng từ cặp chuột làng Ðình Hạ thời Lê chạm khắc gỗ trên vì kèo làng Trùng Hạ (Ninh Bình) với những sáng tạo mới, như biểu tượng phồn thực của chuột đực và chuột cái; cặp chuột chầu vào chữ Phúc với mong cầu hạnh phúc tròn đầy. Ðáng chú ý, bộ Ðám cưới chuột phiên bản 4D (tượng tròn) cũng là vật phẩm lần đầu được phát triển dựa trên bức tranh Ðông Hồ cùng tên. Vật phẩm như một bộ đồ chơi thú vị vừa lưu giữ di sản văn hóa dân tộc một cách hiệu quả, vừa có tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, không gian trưng bày Con giáp của tôi còn có nhiều bức tranh chủ đề chuột thông qua tranh của các danh họa người nước ngoài Minh Tuyên Tông, Triệu Bách Câu, Từ Bì Hồng, Phạm Tăng, Tề Bạch Thạch… Chủ tịch Hội quán Di sản Trần Thanh Tùng chia sẻ, Con giáp của tôi là triển lãm thường niên do Hội quán tổ chức từ năm 2019; giới thiệu với công chúng hình tượng 12 con giáp thể hiện qua nhiều hình thức như tượng, tranh vẽ, vật phẩm Tết... bằng gốm, sứ và nhiều chất liệu khác. Các tác phẩm được khai thác, sáng tạo từ vốn văn hóa cổ của Việt Nam, với mong muốn giúp công chúng hiểu nhiều hơn về những giá trị văn hóa truyền thống.

Vẽ tranh, chơi tranh ngày Tết là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Dẫu những biến động của cuộc sống hiện đại có làm thay đổi ít nhiều thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thì nét đẹp ấy vẫn còn. Và sự nhộn nhịp, rộn ràng của các triển lãm, hội chợ tranh vào mỗi dịp năm mới đã góp thêm sắc xuân cho đời sống nghệ thuật nước nhà.