Quá ít phim dành cho thiếu nhi

Cảnh phim "Đất phương Nam".
Cảnh phim "Đất phương Nam".

Mùa hè năm nay, Hãng phim truyền hình TFS có phần ưu ái các em khi bấm máy hai bộ phim thiếu nhi liên tiếp. Đó là “Kính vạn hoa”, bộ phim  truyền hình thiếu nhi dài tập đầu tiên của Việt Nam (10 tập) do Minh Chung đạo diễn, và “Một chuyến phiêu lưu” do đạo diễn trẻ Bảo Trung viết kịch bản và đạo diễn...

Đếm trên đầu ngón tay

Bàn về điện ảnh Việt Nam, bấy lâu nay chỉ thấy dư luận quan tâm về phim giải trí hay phim nghệ thuật, để đáp ứng nhu cầu công chúng lớn tuổi chứ ít ai nghĩ  hay bàn đến việc làm phim cho thiếu nhi.

Phim thiếu nhi của Việt Nam hiện nay như thế nào? Khi đặt ra câu hỏi này cho một vài đạo diễn chuyên làm phim thiếu nhi, chúng  tôi nhận được những nụ cười buồn: “Hiếm lắm, đếm trên đầu ngón tay...”.


Cảnh trong phim
Vai diễn đầu đời.

Có thể điểm sơ tình hình phim thiếu nhi Việt trong khoảng  hơn 10 năm trở lại đây để thấy rõ sự khan hiếm này.

Ở thể loại phim truyền hình, ngoài bộ phim “Đất phương Nam” (đạo diễn: Vinh Sơn), “Đôi bạn” (Phạm Ngọc Châu), “Giã từ cát bụi” (Xuân Cường) có nội dung dành phần nhiều cho thiếu nhi, thỉnh thoảng TFS mới xuất xưởng  một vài phim có “chút chút” nào đó  bóng dáng các em như “Mẹ con Đậu Đũa”, “Hương bắp”, “Bông dừa cạn” (đạo diễn: Trương Dũng), “Vai diễn đầu đời” (Đinh Đức Liêm), “Sống chậm” (Vũ Thái Hòa), “Hải âu” (Bảo Trung)...

Phim truyện thì ngoài chùm phim Cổ tích Việt Nam (Nguyễn Minh Chung) đã ra được khoảng 15 tập (mỗi tập ba phim) do Hãng phim Phương Nam sản xuất từ năm 1993 đến nay, coi như... chấm hết.

Như vậy trong 10 năm chỉ có 15 tập phim truyện, vị chi mỗi năm chỉ một tập, năm nào có “năng suất” thì hai tập, số lượng rất ít ỏi cho nhu cầu của  thiếu nhi.

Còn phim nhựa thì... Sau bộ phim “Tuổi thơ dữ dội” (Vinh Sơn) phát hành năm 1989, mãi đến năm 2003 mới có  bộ phim thứ hai “U14 - đội bóng trong mơ” (Lâm Lê Dũng) tức sau 14 năm mới có một bộ phim thiếu nhi chiếu rạp trong khi nhu cầu của các em hẳn phải gấp hàng chục lần như thế!

Kịch bản - một thách đố lớn


Cảnh trong phim
Hải âu.

Điều khó khăn thứ nhất được nhắc đến là kịch bản dành cho thể loại phim này thiếu trầm trọng, bởi theo các đạo diễn thì viết cho thiếu nhi rất khó, làm sao phải phù hợp với lứa tuổi các em.

Đạo diễn Vinh Sơn, xưởng trưởng xưởng phim thiếu nhi Hãng phim Giải Phóng, người được xem là “có duyên” với phim thiếu nhi, cho biết: "Điện ảnh Việt Nam đang trắc trở ở khâu sáng tác và phát hành, hai khâu này như bị đứt đoạn. Với phim thiếu nhi thì đây là cả một vấn đề, đặc biệt khâu kịch bản. Tôi nghĩ khái niệm về phim thiếu nhi nên mở rộng một chút, nên là một kịch bản phim gia đình phản ánh mọi mặt các vấn đề trong xã hội, trong đó có các em. Mở rộng như vậy sẽ thoải mái hơn trong sáng tác".

Phim cho các em phải ít kỹ xảo nhất?!

Đạo diễn Minh Chung cho biết khi thực hiện bộ phim Cổ tích Việt Nam, các anh phải  lựa chọn những truyện phim có kinh phí đầu tư ít tốn kém nhất, ít phải dùng kỹ xảo, kỹ thuật cao và chọn bối cảnh đơn giản nhất để làm. Lý do: hãng phim không có nhiều kinh phí, khi phim làm ra lại bị nạn sao chép băng đĩa lậu, nhiều đài truyền hình đem chiếu thoải mái không trả tác quyền...

Cần tổ chức các trại sáng tác kịch bản phim dành cho thiếu nhi; cần sự đầu tư thêm  về tài chính; phải xây dựng một chiến lược đào tạo diễn viên nhí... Đã có nhiều tiếng chuông gióng lên mong tìm kiếm lối ra cho phim thiếu nhi song rồi chẳng có tiếng hồi âm.