Những sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch nổi bật năm 2020

1. Chuỗi hoạt động kỷ niệm về Ðại thi hào dân tộc Nguyễn Du

Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh (1765 - 2020) và tưởng niệm 200 năm Ngày mất (1820 - 2020) của Danh nhân văn hóa thế giới - Ðại thi hào Nguyễn Du, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức quy mô lớn, tiếp tục khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp kiệt xuất của Ðại thi hào đối với văn hóa dân tộc và nhân loại.

Cảnh trong vở múa ba-lê "Kiều" do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh dàn dựng. Ảnh: KHIẾU MINH
Cảnh trong vở múa ba-lê "Kiều" do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh dàn dựng. Ảnh: KHIẾU MINH

Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức với hình thức đa dạng, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội. Hàng loạt Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức khắp cả nước; Giải thưởng văn học Nguyễn Du lần thứ bảy diễn ra sôi nổi, bảo đảm chiều sâu, chất lượng; các dự án phim tài liệu, phim điện ảnh về Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều được đầu tư công phu, ra mắt ấn tượng, thu hút công chúng… Bên cạnh đó, Truyện Kiều còn được “tái hiện” qua hình thức sân khấu hóa đầy sáng tạo với kịch thơ, ba-lê, rối cạn… Tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm tháng 10-2020, “Thân phận nàng Kiều” đoạt Huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Ðạo diễn xuất sắc, Họa sĩ tạo hình xuất sắc, hai Huy chương vàng diễn viên xuất sắc, năm Huy chương bạc. Ngoài ra, nhiều hoạt động, như: trình diễn thư pháp “Truyện Kiều”, trưng bày tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du, các cuộc thi lảy Kiều, ngâm Kiều, đọc thuộc Truyện Kiều… diễn ra ở nhiều không gian, vùng miền trong cả nước.

2. UNESCO trao danh hiệu Công viên Ðịa chất toàn cầu cho Ðắk Nông

Ngày 24-11-2020, tại TP Gia Nghĩa, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã trao danh hiệu Công viên Ðịa chất toàn cầu Ðắk Nông cho tỉnh Ðắk Nông. Công viên Ðịa chất Ðắk Nông là công viên địa chất thứ ba của Việt Nam (sau Công viên Ðịa chất cao nguyên đá Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên Ðịa chất Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Công viên có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn hai phần năm diện tích tự nhiên của tỉnh Ðắk Nông, nằm trải dài trên năm huyện Krông Nô, Cư Jút, Ðắk Mil, Ðắk Song, Ðắk Glong và TP Gia Nghĩa. Công viên hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm: Hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Hệ thống hang động núi lửa  ở đây được đánh giá là lớn nhất Ðông - Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000 m. Công viên còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê Ðê… Sự đa dạng và phong phú về giá trị địa chất nổi bật của công viên không chỉ nói lên vẻ đẹp thiên nhiên, mà chính là yếu tố hình thành nên lịch sử, văn hóa của vùng đất Ðắk Nông. Hiện nay tỉnh Ðắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành ba tuyến du lịch với chủ đề "Xứ sở của những âm điệu”.

3. Ðại hội “chuyển giao thế hệ” của các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam

Từ giữa tháng 11-2019 đến cuối tháng 11-2020, đã có 10 Hội văn học, nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành ở Trung ương tổ chức thành công đại hội; đó là: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Ðiện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Bám sát Kết luận 58-KL/TW ngày 12-9-2019 của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác hội, việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các hội được tiến hành thận trọng, có đổi mới, có kế thừa cho nên đã nhận được sự đồng thuận cao. Hầu hết các đại hội đã bầu đủ số lượng ủy viên ban chấp hành (BCH) theo dự kiến, chỉ có hai Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tái cử, bảy hội khác đều có chủ tịch hội mới; nhiều thành viên BCH lần đầu tham gia, trong đó có các ủy viên BCH ở lứa tuổi 7x, 8x. Vì vậy kỳ đại hội lần này còn được gọi là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo các hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp mạnh mẽ, tạo nên bầu không khí phấn chấn, hy vọng vào một giai đoạn phát triển mới của văn học, nghệ thuật nước nhà.

4. Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2020 với chủ đề “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc - hiện đại”

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, được giới chuyên môn đánh giá là chủ đề trúng, thú vị và hấp dẫn, có tính học thuật và tính thời sự cấp thiết. Hệ giá trị chân - thiện - mỹ truyền thống không phải là hệ thống giá trị duy nhất bởi hệ giá trị nghệ thuật luôn vận động, tự điều chỉnh, đổi mới, bổ sung theo thời gian và không gian, tùy thuộc vào góc nhìn và phương pháp tiếp cận. Vì vậy, Hội thảo khoa học đã bước đầu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về hệ giá trị VHNT hiện nay; phân tích, chỉ ra thực trạng, những yếu tố tác động, nguyên nhân dẫn đến sự hình thành giá trị của văn nghệ đương đại; từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sự phát triển nói chung, kiến tạo và định hình hệ giá trị nhân văn, dân tộc và hiện đại nói riêng của đời sống VHNT nước nhà trong thời gian tới.

5. Năm thứ hai liên tiếp Việt Nam là điểm đến di sản, văn hóa, ẩm thực hàng đầu châu Á

Tháng 11-2020, Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) đã công bố kết quả bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27,  khu vực châu Á năm 2020 bằng hình thức trực tuyến. Việt Nam tiếp tục giành danh hiệu: Ðiểm đến di sản hàng đầu châu Á, Ðiểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Ðây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á tại cả ba hạng mục này. Dịp này, WTA cũng vinh danh giải thưởng hàng đầu thế giới cho 10 hạng mục của Tập đoàn Sun Group, khẳng định thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí, với nhiều công trình ấn tượng tạo nên đẳng cấp du lịch Việt Nam của tập đoàn này. Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề do dịch Covid-19, việc du lịch Việt Nam giành các giải thưởng danh giá này là một điểm sáng, tạo tiền đề để du lịch Việt Nam phục hồi sau dịch, khi đủ điều kiện đón khách quốc tế trở lại.

6. Chiến dịch kích cầu du lịch nội địa được phát động rộng khắp trên toàn quốc và triển khai thành hai đợt nhằm khắc phục những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch

Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở cửa đón khách trở lại, việc khuyến khích hoạt động du lịch trong nước là giải pháp mang tính căn cơ để từng bước khôi phục thị trường du lịch. Ðây có thể xem là chiến dịch kích cầu du lịch nội địa lớn nhất từ trước đến nay với việc tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của chính quyền các địa phương, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và đông đảo các doanh nghiệp du lịch. Chiến dịch tập trung cung cấp các sản phẩm có mức giá giảm sâu nhưng chất lượng dịch vụ vẫn bảo đảm trên cơ sở đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Từ đây, cần đánh giá lại tầm quan trọng của du lịch trong nước đối với yêu cầu tăng trưởng bền vững trên cơ sở cơ cấu lại thị trường du lịch. Bên cạnh đó, việc phải chuyển sang quảng bá, kinh doanh trên nền tảng số để triển khai chiến dịch kích cầu trong điều kiện phải cắt giảm nhân lực, bảo đảm an toàn phòng dịch cũng khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của toàn ngành, là yêu cầu mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

7. Xây dựng mô hình nghệ thuật biểu diễn trên nền tảng kỹ thuật số

Năm 2020, do dịch Covid-19 cho nên nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật trực tiếp chuyển sang biểu diễn trực tuyến. Các nghệ sĩ, tổ chức nghệ thuật, nhà hát duy trì hoạt động nghệ thuật thông qua kênh YouTube, trang fanpage, các hình thức sân khấu, nhà hát trên mạng. Thích ứng với hoàn cảnh và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện thí điểm phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan, các chương trình nghệ thuật như Ðộc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc 2020, các chương trình âm nhạc, kịch, giao hưởng… thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả. Việc từng bước triển khai các hoạt động nghệ thuật trên mạng in-tơ-nét là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, mở rộng mô hình hoạt động nghệ thuật trên môi trường kỹ thuật số, thích ứng với công nghệ hiện nay, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện đề án hoạt động nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng kỹ thuật số.

8. Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020

Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức (5 năm một lần). Ðây là sự kiện mỹ thuật tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam 5 năm vừa qua (2016-2020). Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra khó khăn mọi mặt trong đời sống xã hội thì việc tập hợp, tuyển chọn và trưng bày gần 500 tác phẩm mỹ thuật gồm các loại hình: đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, vi-đê-ô art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác là nỗ lực đáng ghi nhận của giới mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều ý tưởng sáng tạo phong phú, hình thức thể hiện đa dạng và điều đáng quý là mang được hơi thở cuộc sống hôm nay với những vấn đề “nóng” như môi trường, chuyển động trong đời sống tinh thần và văn hóa đương đại.