Nét thanh lịch của người Đà Lạt

NDO -

NDĐT - Buổi sáng, những người nông phu ở đô thị này ra phố, chọn những góc khiêm nhường trong quán cà phê quen. Một ly đen và những giai điệu, thường là Trịnh Công Sơn hay Lê Uyên Phương, những nhạc sĩ từng gắn bó với xứ sở của họ. Cũng có người thích hòa tấu du dương hay bolero giản dị. Chỉ vài ba chục phút đầu ngày rồi vác cuốc ra vườn. Buổi chiều, lại cốc bia vỉa hè hay một ly vang. Nông phu phố núi Đà Lạt, người Đà Lạt là thế, cứ thong thả, cứ an nhiên tự tại như cuộc sống của họ vốn chỉ cần như vậy…

Nét dịu dàng của người phụ nữ xứ hoa.
Nét dịu dàng của người phụ nữ xứ hoa.

Đà Lạt là một đô thị đặc biệt với một bầu không khí lãng mạn, một hệ thống di sản kiến trúc phong phú và nhuốm màu hoài cổ, một miền thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ, một vùng văn hóa sắc tộc đa dạng và phong phú. Và đặc biệt, cư dân của thành phố cao nguyên với những nét tính cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã tạo nên những ấn tượng rất riêng.

Đà Lạt là một vùng đất mộng mơ với muôn vàn đồi núi trập trùng giữa Trường Sơn hùng vĩ được mệnh danh là “vương quốc của các loài hoa”, “thành phố mộng mơ”. Những thư tịch cổ về vùng đất này đã được lưu bút bởi Dương Văn An (thế kỷ 16), Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) và tiếp đó là Phan Huy Chú đã vẽ những ngọn núi, dòng sông nơi đây trong “Đại Nam thống toàn đồ” (năm 1834).

Người Việt Nam đầu tiên biết rõ mảnh đất này là Nguyễn Thông (1862 - 1867), một sử gia, nhà thơ và chí sĩ yêu nước. Khi cùng những người đồng chí hướng tổ chức thám hiểm các vùng cao nguyên hẻo lánh để lập cứ địa chống Pháp, ông đã viết những câu thơ thật gợi: “Na tu bản vũ man yên địa - Thượng hữu giang hồ lão khách tinh” (tạm dịch: Ngờ đâu xứ thượng mờ mây phủ - Gặp bạn tâm tình khách quý mong). Tiếp đó, nhà bác học người Thụy Sĩ mang quốc tịch Pháp A.Yersin trong chuyến thám hiểm của mình vào năm 1893 đã ghi lại cảm xúc ban đầu tiếp xúc với nhưng người Lạch bản địa: “Dân cư trong vùng thưa thớt. Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Bian. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách. Chúng tôi được tiếp đón trong nhà chung của buôn Đăngya. Các chức sắc mang đến một chóe rượu cần. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả…”.

Cũng như Nguyễn Thông, tâm tính cởi mở của người Cơ Ho Lạch, Cơ Ho Chil cao nguyên đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp đầu tiên trong lòng nhà thám hiểm người Pháp gắn bó với Việt Nam. Có lẽ, điều đó đã ghi nhận phần nào về tính hiền hòa, thanh lịch và mến khách của cư dân bản địa ở cao nguyên Lang Bian từ thuở xa xưa và vẫn còn lưu giữ cho đến tận ngày nay…

Từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đến “Hoàng triều cương thổ” của chính phủ Nam triều, đó là một quá trình biến động của lịch sử, lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Thuở xa xưa, giữa cao nguyên mênh mông chỉ có những bộ tộc đồng bào thiểu số sinh sống, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống của họ giản dị, tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Bỗng một ngày, không gian ấy được đánh thức và trở thành đất lành cho bốn phương tụ hội. Người Pháp đã đến đây và tiếp đó là người Hoa vào hồi đầu thế kỷ trước. Những lưu dân xa xứ từ Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đã chọn Đà Lạt làm miền quê mới. Những người dân nước Việt từ khắp ba miền Trung - Nam - Bắc mang theo “tên xã, tên làng” và những đặc trưng văn hóa cố xứ về đây. Họ mang theo những nét tính cách đã ổn định ngàn năm của người dân Việt Nam từ mọi miền quê khác nhau đến lập cư ở miền đất mới, cộng thêm với bản sắc riêng của những cộng đồng cư dân ngoại quốc có mặt sớm ở thành phố này.

Chính vì vậy, có thể nói rằng, nét tính cách của người Đà Lạt là sự hòa quyện giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên - Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương nam, cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp.

Phần lớn trong số cư dân ấy đến với thành phố cao nguyên trong hoàn cảnh nghèo khổ, tha phương cầu thực nên luôn có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, lối sống tiết kiệm và giản dị. Tình chung cảnh ngộ, tình đồng hương đã gắn kết họ với nhau, tận tình giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì đã trải qua sự bần hàn, lam lũ, nên người Đà Lạt rất coi trọng sự vươn lên vượt thoát hoàn cảnh, thiết tha với việc cho con cái học hành, nên đã tạo được một truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo qua nhiều thế hệ. Đà Lạt, chính vì thế, là nơi đặt chân của rất nhiều trường học, trung tâm nghiên cứu nổi tiếng cả về khoa học lẫn tôn giáo.

Khi những người Việt được học tập và làm việc trong các công sở hoặc tiếp xúc nhiều với người Pháp thì họ bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức, tay nghề và làm quen dần với tác phong sinh hoạt, cách làm việc, xã giao của người Pháp. Từ đó, nếp sống ấy đã in sâu vào tiềm thức của phần lớn người dân Đà Lạt và ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của các thế hệ sau này. Những năm tháng làm thần dân của “Hoàng triều cương thổ” cũng cho người Đà Lạt nhiễm chút phong lưu của giới quý tộc Nam triều. Mặt khác, Đà Lạt là một thành phố du lịch, du khách trong và ngoài nước thường xuyên đến đây, khá nhiều cư dân sống bằng nghề kinh doanh du lịch nên đức tính mến khách được hình thành một cách tất yếu theo nhu cầu tự thân của ngành nghề. Đó là chưa nói đến trong quá trình giao thoa, hội nhập giữa các luồng dân cư, những bản sắc riêng biệt của cư dân mỗi vùng đã dần dần được chọn lọc, đào thải và tổng hòa để hun đúc nên mẫu người Đà Lạt hôm nay không giống cư dân bất cứ miền nào, từ khí chất bên trong đến phong thái bên ngoài, từ cách hành xử đến lời ăn tiếng nói…

Những năm trước đây, với khí hậu giá lạnh và sương mù quanh năm, lại sống trong những căn nhà gỗ nằm cheo leo trên các sườn đồi heo hút nên người Đà Lạt sống tĩnh tại và trầm mặc. Nhiều nhà nghiên cứu nhân văn còn cho rằng, chính vì sống giữa môi trường thiên nhiên còn nhiều hoang dã, khí hậu lạnh, màu xanh điệp trùng của rừng núi, vẻ đẹp dịu dàng của hoa lá và những đồi cỏ mênh mông đã tạo cho cư dân Đà Lạt bản tính nhẹ nhàng, đôi lúc còn tỏ ra bàng quan trước thời cuộc. Người Đà Lạt không dễ bất bình, nổi giận khi đứng trước những điều khó chịu. Có người khái quát về nét tính cách của người Đà Lạt là “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”, kể ra cũng có lý…

Có một điều rất rõ là nhờ khí hậu mát mẻ, trong lành đã giúp cho người dân nơi đây, nhất là phụ nữ và trẻ em luôn có nước da trắng hồng, khỏe mạnh và vẻ mặt thanh thản. Đó là một vẻ đẹp mà ai khi tiếp xúc cũng phải thừa nhận. Cách ăn mặc của người Đà Lạt cũng mang những nét riêng. Vì cái lạnh luôn mơn trớn thịt da nên khi ra đường, họ luôn ăn mặc kín đáo, đĩnh đạc. Một nhà nghiên cứu đã mô tả cách ăn mặc của người Đà Lạt vào những năm 1950: “Cái khí hậu lạnh tạo cho họ một cách phục sức đường hoàng, trang nhã. Tôi không muốn nói là họ đã “tìm kiếm” sự trang nhã ấy nhưng phần nhiều chỉ mặc để chống lại cái lạnh buốt cóng về đêm hay những ngày gió rét khi còn sương mờ buổi sáng. Từ những người phu xe, những chị buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cô cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một ngưới bán đậu hủ với gánh hàng nhỏ bé nhưng tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh khoác ngoài chiếc áo len đến bộ comple mà bạn rất sợ khi phải mặc ở Sài Gòn và đã giấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất phù hợp khi ở Đà Lạt.” Những dòng mô tả trên đây cho đến thời điểm này vẫn chưa đổi thay là mấy.

Cùng với những thăng trầm, biến động của lịch sử đất nước và Đà Lạt nói riêng, trong hơn nửa thế kỷ qua, tuy những nét tính cách chung của người Đà Lạt có lúc bị xáo trộn, cộng thêm với một số người vì chạy theo thực dụng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến những giá trị tâm hồn đã khá ổn định. Song, người dân Đà Lạt luôn luôn có ý thức trong việc bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục và bảo tồn những nét đẹp vốn có trong tính cách.

Khái quát về vùng đất và con người Đà Lạt, cố Giáo sư Hồ Tấn Trai, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn và Văn hóa học (Trường Đại học Đà Lạt) từng viết: “Ở Đà Lạt, con người vẫn giữ được nhiều cái hồn nhiên, thật thà, cái tính thiện, lòng nhân ái. Đà Lạt là một miền đất hiếm có, nơi có sự gần gũi giữa lời nói và hành vi ứng xử, với hoạt động xã hội, chính trị với truyền thống nhân nghĩa Việt Nam, là miền đất cảnh đẹp, người hiền. Đà Lạt là hòn ngọc quý của Việt Nam, là hoa hậu được mọi người ưa chuộng, càng trưởng thành càng xinh đẹp, càng hòa nhã, lịch sự, rộng lượng bao dung. Đồng thời, người Đà Lạt luôn giữ lối sống trung hiếu, kiên trinh, giàu ý chí và nghị lực như mẹ Âu Cơ hiện ra với chúng ta dưới vóc dáng núi Bà…”.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 1

Duyên hoa.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 2

Lung linh mặt hồ.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 3

Đà Lạt thân thiện và lịch lãm.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 4

Anh đào khoe sắc mùa xuân.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 5

Nét khoan thai của người Đà Lạt.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 6

Nụ cười khi mùa hoa bội thu.

Nét thanh lịch của người Đà Lạt ảnh 7

Thiên nhiên Đà Lạt góp phần tạo nên tính cách thanh lịch của con người nơi đây.