Hà Giang làm gì để phát huy thế mạnh du lịch ?

Hà Giang hấp dẫn khách du lịch bằng nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Hà Giang hấp dẫn khách du lịch bằng nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Những Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Mèo Vạc, Ðồng Văn, mỗi tên gọi gợi sự xa xôi, heo hút nhưng lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ bởi vẻ đẹp cảnh quan và sắc mầu văn hóa đa dạng của một cộng đồng dân cư nhiều dân tộc. Tài nguyên tự nhiên và nhân văn ấy hiện là thế mạnh để du lịch Hà Giang hướng về phía trước trên con đường phát triển.

Khởi sắc từ cuộc sống

 Cô gái dân tộc Nùng Hoàng Thị Sinh xoay trở liên tục bên quầy tiếp tân để phục vụ và đáp ứng những yêu cầu của đoàn khách Pháp hơn hai chục người vừa bước vào quán ba nhỏ bé. Bận rộn với công việc nhưng nụ cười tươi rói luôn luôn hiện trên gương mặt trắng hồng, thanh tú, mang những nét đặc trưng của thiếu nữ miền sơn cước.

Sinh là con gái của một gia đình nông dân ở địa phương, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Cô đã  học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn tại địa phương trong sáu tháng và chưa hề được đào tạo ở trường lớp du lịch chính quy nào, nhưng nói về tính chuyên nghiệp, cô cũng không thua kém nhiều so với nhân viên khách sạn ở các trung tâm du lịch lớn. Ðó là một trong những khám phá đầy thú vị của đoàn khảo sát Tổng cục Du lịch tại Khu du lịch sinh thái Pan Hou thuộc thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Sự ngạc nhiên có lẽ bắt đầu từ phía bên kia dòng suối Thông Nguyên khi hiện lên trước mắt chúng tôi, sau rặng cây xanh, là một khu "resort" khang trang giữa khung cảnh núi rừng đìu hiu, vắng vẻ.

Qua chiếc cầu treo lắt lẻo bắc ngang dòng suối, thấp thoáng bên vườn hoa trải dài triền đồi là những ngôi nhà sàn chênh vênh dựa lưng vào núi. Khu du lịch được đưa vào khai thác từ hai tháng nay và đã đón một số đoàn khách, chủ yếu là khách Pháp theo các tua du lịch thăm bản, làng dân tộc thiểu số ghé lại nghỉ đêm.

"Vẫn còn quá ít khách so với mong muốn, hiệu quả khai thác cũng chưa thật tương xứng nguồn vốn đầu tư vào đây", chị Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty TNHH khám phá Nha Trang, đơn vị đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng khu du lịch, cho biết như vậy. Theo chị Phương, tình trạng này còn tiếp tục nhưng phải biết chấp nhận vì chị tin tưởng vào một tương lai phát triển của du lịch Hà Giang.

Kinh doanh dịch vụ du lịch thương mại ở tận thành phố biển Nha Trang xa xôi nhưng với tầm nhìn lâu dài về một thị trường du lịch hứa hẹn nhiều tiềm năng, chị Phương đã lên khảo sát và chọn Thông Nguyên để xây dựng Khu du lịch sinh thái Pan Hou, như chị giải thích thì nơi đây có nguồn nước khoáng nóng phù hợp du lịch nghỉ dưỡng và là điểm dừng chân của nhiều tua du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại đi bộ đang được hình thành. Pan Hou là bước đầu tư đón trước lượng khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao sẽ đổ về Hà Giang theo những tua du lịch khám phá kết hợp nghỉ dưỡng nay mai. Tuy nhiên, nói như chị Phương: "Ðầu tư vào đây phải trường vốn, mang tính lâu dài, chứ không thể ăn xổi ở thì, đòi hỏi lời lãi ngay được. Ngoài ra còn phải biết chấp nhận cả rủi ro nữa". 

Những nhà đầu tư như chị Phương và Công ty TNHH khám phá Nha Trang là "vốn quý" mà tỉnh Hà Giang rất trân trọng, có chính sách ưu đãi, khuyến khích đặc biệt như bước tạo đà thu hút các doanh nghiệp đến với tỉnh. Trong ba năm đầu hoạt động, Khu du lịch Pan Hou gần như không phải nộp các loại thuế và được tạo nhiều thuận lợi trong kinh doanh. Chính sách trên đã và đang tạo nên sự quan tâm của giới đầu tư trong nước và ngoài nước đối với nhiều dự án trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mời gọi đầu tư, tỉnh còn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông đến tận chân công trình, nơi các dự án  được triển khai, nâng cấp quốc lộ 2 cùng hệ thống đường liên huyện và tăng khả năng nối tuyến du lịch với các tỉnh trong vùng.

Nhận xét từ thực tế khảo sát, theo Vụ trưởng Lữ hành Tổng cục Du lịch Vũ Thế Bình, du lịch Hà Giang có ba thế mạnh để có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ðó là cảnh quan tuyệt đẹp, địa hình đa dạng và độc đáo với miền cao nguyên đá tự nhiên rộng lớn từ Mèo Vạc tới Ðồng Văn. Thứ hai là bản sắc văn hóa dân tộc được lưu giữ, bảo tồn, mang nhiều nét đặc sắc, nguyên sơ của cộng đồng 22 dân tộc anh em. Ðiều thứ ba là, quyết tâm phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh.

Từ chuyến khảo sát lần trước đến lần này, chỉ hơn một năm, nhưng du lịch Hà Giang dường như mang một khí thế mới. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở các điểm tham quan có sự cải thiện, nhất là ở những làng văn hóa du lịch được đưa vào đón khách. Trước đó, quy hoạch về du lịch Hà Giang và nhiều chính sách phát triển du lịch cũng được ban hành, thể hiện nỗ lực của tỉnh nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Con người và cảnh đẹp

Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang chính là ở nét nguyên sơ, chưa bị thương mại hóa, sự hồn nhiên, chân chất và lòng mến khách của những người dân. Có thể nói, cộng đồng dân cư ở những điểm đến không chỉ là chủ thể tạo nên các sản phẩm du lịch mà còn bằng ý thức của mình đã giữ gìn, bảo tồn các giá trị tự nhiên và nhân văn được khai thác phục vụ cho du lịch.

Trong bữa thắng cố ngoài trời trên bản nhỏ người Mông nằm cạnh khu đá cổ bản Nấm Dẩn, một điểm đến hấp dẫn của huyện Xín Mần, em Lù Thị Thảo Nguyên, một thành viên của đội văn nghệ bản cũng đã nói với chúng tôi những điều như vậy một cách mộc mạc: "Dân bản mình thích lắm khi nghe có đoàn lên, cứ mong ngóng chờ đợi, tụ tập từ sáng sớm ở bãi đá cổ này". Sinh ra và lớn lên bên những phiến đá cổ huyền bí, đối với Thảo Nguyên và dân bản Nấm Dẩn, các phiến đá là sự linh nghiêm của tín ngưỡng cha ông hàng nghìn năm để lại, là niềm tự hào của một bản nhỏ chơi vơi trên triền núi quanh năm mây phủ. 

Du lịch dựa vào cộng đồng nhưng trước hết phải mang lại lợi ích cho cộng đồng và huy động được sự tham gia của người dân. Ðiều đó sẽ tạo nên sự phát triển lâu dài và bền vững. Ðây cũng là nhận định của Bí thư Ðảng ủy xã Lùng Tám Thào Mi Sáu khi đề cập mô hình làng nghề gắn với du lịch. Lùng Tám là một xã người Mông, huyện Quản Bạ có hợp tác xã dệt lanh truyền thống Hợp Tiến với 51 xã viên có mức thu nhập mỗi tháng 700 nghìn đồng/người.

Ngoài việc xuất hàng đi các nơi, chủ yếu cho các cơ sở bán hàng lưu niệm cho du khách ở Hà Nội thì một nguồn thu không nhỏ của hợp tác xã chính là từ các đoàn khách du lịch đến tham quan. Khách được thăm những cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống từ sợi lanh, tìm hiểu quy trình từ tước lanh, kéo sợi đến dệt vải tại các điểm làm nghề gia đình.

Chị Giàng Tả Mẩy, cán bộ hợp tác xã cho biết, nhiều du khách châu Âu đến đây rất thích thú xem và mua khá nhiều sản phẩm thổ cẩm, cứ một mét vải như vậy chị bán được 17 nghìn đồng.

Một trong cố gắng quan tâm phát triển tạo nên các sản phẩm du lịch cộng đồng là công trình Nhà văn hóa dân tộc Lô Lô của xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc vừa được khánh thành không lâu. Nhà văn hóa nằm trên đồi cao theo kiểu nhà sàn, vừa là nơi sinh hoạt của cộng đồng, vừa là điểm đón khách du lịch đến thưởng thức nghệ thuật ẩm thực và diễn xướng truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Ðội văn nghệ gồm những thiếu nữ Lô Lô trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc mầu đã làm chúng tôi ngạc nhiên bởi các điệu múa ngày mùa, cầu mưa, nhảy cây, không kém những diễn viên chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng đã khảo sát thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, thị xã Hà Giang, một làng văn hóa du lịch còn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa của người Tày.  

Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Xuân Diện cho biết, thôn Tiến Thắng đang hướng đến trở thành một điểm đến du lịch, phục vụ du khách ăn, nghỉ, sinh hoạt tại các gia đình. Ðường làng, ngõ xóm ở Tiến Thắng phần lớn đã được bê-tông hóa kiên cố và thôn đang dự tính tạo dựng điểm dịch vụ bán thổ cẩm, đặc sản địa phương và trình diễn nghề thủ công truyền thống. Một đội văn nghệ thôn đã hình thành và tập luyện dưới sự truyền dạy của nghệ nhân cao niên Nguyễn Thị Tựa.

Hiện nay, ngành du lịch Hà Giang đang mở một số tuyến du lịch cộng đồng mang những nét đặc trưng của các dân tộc, trong đó có cả những tuyến du lịch đi bộ do các doanh nghiệp lữ hành tự đầu tư, xây dựng.

Ðể trở thành một điểm đến hấp dẫn

Sau chuyến đi khảo sát Hà Giang, nhận xét chung của đoàn Tổng cục Du lịch là du lịch Hà Giang vẫn đang ở giai đoạn tạo đà phát triển ban đầu. Lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả cho nên lượng du khách chưa nhiều, nhất là khách du lịch thuần túy.

Thương hiệu du lịch Hà Giang còn ít được biết đến và tiềm ẩn nguy cơ bị suy giảm bởi sự phát triển còn mang tính tự phát, theo phong trào mà chưa có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Anh Ðinh Xuân Việt, Giám đốc Công ty du lịch dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Giang cũng thừa nhận, làm du lịch, nhất là trong lĩnh vực lữ hành thì không thể theo phong trào và tràn lan được mà phải tính đến yếu tố hiệu quả. Không phải cứ làng văn hóa nào đều có thể đầu tư để trở thành điểm đến cho du khách.

Ðể có được các tuyến du lịch đi bộ thu hút khách, công ty anh Việt đã từng phải mời các chuyên gia lữ hành nước ngoài đi khảo sát chọn lựa rồi điều tra kỹ càng từ du khách rồi mới đưa vào triển khai đón khách. Hà Giang cũng không nên rập khuôn theo các mô hình du lịch đã có ở Lào Cai, phải có sự khác biệt thì du khách mới đến. Sự khác biệt phải thể hiện ở cả các điểm biểu diễn văn nghệ, ẩm thực trong tỉnh để tránh sự nhàm chán, đơn điệu. 

Theo giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Việt Nam - TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội Lã Xuân Hiển, muốn thu hút nhiều du khách, về cơ sở vật chất, trước mắt Hà Giang nên tận dụng những gì đã có, phù hợp khả năng, điều kiện và tập trung vào xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Khi lượng khách tăng lên thì thị trường sẽ tự điều chỉnh về đầu tư khách sạn cao cấp. Ðặc biệt phải nâng cấp dịch vụ thông tin internet cùng hệ thống đường giao thông liên tỉnh để nối tuyến du lịch với các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn và sang Châu Văn Sơn của nước bạn Trung Quốc; mở rộng các đường tỉnh lộ, nhanh chóng dựng các phương tiện bảo đảm an toàn giao thông, nhất là hệ thống kính lồi ở các khúc cua nguy hiểm và rào chắn hai bên đường. Bên cạnh đó là các biển báo chỉ dẫn địa điểm và đường đi nhằm giúp lái xe và du khách ước lượng được thời gian cần thiết của cuộc hành trình. Ðiều cần khắc phục ngay là bảo đảm vệ sinh môi trường, không nên để du khách phải chịu đựng cảnh mất vệ sinh của các chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm trên đường đi.       

Trong xây dựng sản phẩm du lịch, trước mắt Hà Giang nên hoàn chỉnh một số tua du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái quan trọng. Quan điểm của giới kinh doanh lữ hành là tạo điều kiện để du khách tiếp cận thuận lợi với các điểm du lịch; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ là người địa phương. Huy động cộng đồng tham gia phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống của một số bản, làng để phục vụ nhu cầu du lịch; đầu tư để các bản, làng đó trở thành các điểm đến có thể khai thác được ngay. Một thị trường khách quốc tế khá tiềm tàng mà du lịch Hà Giang cần chú trọng là khách quá cảnh đường bộ từ Trung Quốc sang theo đường cửa khẩu của tỉnh để từ đó xây dựng những tua du lịch phù hợp.