“Đường Kách Mệnh” – Gieo những hạt giống đỏ đầu tiên

NDO -

NDĐT – Công chúng Hà Nội lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia “Đường Kách Mệnh”, cùng với 150 hiện vật tư liệu khác tại trưng bày “Ánh sáng Đường Kách Mệnh” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 25 Tông Đản. Trưng bày cho thấy một quãng thời gian hoạt động cách mạng đầy ý nghĩa của những người đi tiên phong trong công cuộc giải phóng đất nước.

“Đường Kách Mệnh” – Gieo những hạt giống đỏ đầu tiên

“Đường Kách Mệnh” là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp đào tạo cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong thời gian từ năm 1925-1927. Cuốn sách được xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu, cách đây đúng 90 năm, dưới dạng in thạch trên giấy nến, kích thước 22x15cm. Những bản in đầu tiên được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930.

“Đường Kách Mệnh” – Gieo những hạt giống đỏ đầu tiên ảnh 1

Cuốn “Đường Kách Mệnh” đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay là một trong số ít những bản gốc in năm 1927, do Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị Á Đông ấn hành lần đầu, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 1-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ). Bìa cuốn sách có đóng dấu đỏ “Nguyễn Văn Hoan sưu tầm 1958”. “Cuốn “Đường Kách Mệnh” được đưa về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, và bị thực dân truy tìm được, rồi bị lưu giữ ở toà án tối cao của Pháp, sau này cụ Nguyễn Văn Hoan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Nam Định, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từng là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Bắc bộ - sưu tầm được cuốn này và tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách là nó còn nguyên vẹn khi được chuyển giao cho bảo tàng. Trong số các hiện vật, tài liệu, tư liệu cách mạng, “Đường Kách Mệnh”được đánh giá là hiện vật đặc biệt quý hiếm và có giá trị lịch sử to lớn.

Điều quan trọng nhất là , dưới ánh sáng của “Đường Kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên đã về nước hoạt động, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thàng 5-1925, Nguyễn Ái Quốc cùng nhóm học trò đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã thành lập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng để mở rộng tổ chức và gây dựng cơ sở cách mạng ở trong nước.

Lớp học đầu tiên tổ chức tại ngôi nhà số 13 đường Văn Minh vào đầu năm 1926 gồm 10 học viên là những người đã có mặt tại Quảng Châu và hai học viên từ trong nước sang là Lê Duy Điểm và Lê Hữu Lập. Kết thúc khóa học, học viên được kết nạp vào Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Lê Duy Điểm và Lê Hữu Lập được Nguyễn Ái Quốc cử về nước để tổ chức đưa đoàn khác sang học. Tháng 8-1926, khai giảng lớp huấn luyện chính trị cho các đoàn trong nước xuất dương sang. Cuối 1926, lớp huấn luyện kết thúc, sáu người được giao nhiệm vụ trở về tiếp tục tìm chọn người đưa sang học và xây dựng cơ sở ở ba miền là Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Công Thu về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng về Vinh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về Sài Gòn. Đó là những hạt giống đỏ đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đã ươm mầm và gieo cho cách mạng Việt Nam.

“Đường Kách Mệnh” – Gieo những hạt giống đỏ đầu tiên ảnh 2

Cùng với “Đường Kách Mệnh”, hơn 150 tư liệu, hiện vật quý trong giai đoạn lịch sử này liên quan đến “Đường Kách Mệnh” cũng được trưng bày, giới thiệu, như chiếc hộp do đồng chí Võ Nguyên Hiến, Xứ ủy Trung kỳ làm trong nhà tù Buôn Mê Thuột năm 1944, chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi kêu gọi các sĩ phu kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1885, đèn hoa đăng (ảnh trên) của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự dùng trong cuộc họp tháng 9-năm 1928 ở Từ Sơn, Bắc Ninh, đồng hồ quả quýt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dùng trong những năm 1927-1932, máy chữ của đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Lương Khánh Thiện dùng trong thời gian hoạt động cách mạng năm 1936

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết: "Thông qua bảo vật quốc gia cùng với những tư liệu liên quan, chúng tôi muốn mang đến một thông điệp cho công chúng về công lao của Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam thời kỳ đen tối và áp bức. Những công lao đó luôn được trân trọng cho mãi mãi về sau”.

PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn không hề kinh viện.. Căn cứ vào sự hiểu biết thực tế của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ, Người trình bày những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin trong cuốn “Đường Kách Mệnh” hết sức dễ hiểu, ngắn gọn”. Theo ông, trong “Đường Kách Mệnh”, nội dung Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu thời bấy giờ - tư cách người cách mạng - là vấn đề lớn “cho đến nay vẫn còn giá trị thời đại với lời căn dặn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, lấy cái tâm chinh phục người khác”.