Đi tìm người cất giữ Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong

Trang bìa Nhật ký Chu Cẩm Phong do ông Hoàng Đình Hiếu bọc mới và trình bày (trái) và Di bút Chu Cẩm Phong trong nhật ký
Trang bìa Nhật ký Chu Cẩm Phong do ông Hoàng Đình Hiếu bọc mới và trình bày (trái) và Di bút Chu Cẩm Phong trong nhật ký

Giữa lúc bạn đọc cả nước đang chú ý đến hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, chúng tôi lại  liên tưởng đến số phận kỳ lạ và đầy xúc động trong cuốn Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong (NXB Văn học, Hà Nội ấn hành cách đây 5 năm). Cuốn nhật ký dày đến 600 trang, được viết từ ngày 11-7-1967 đến 27-4-1971 và ba ngày sau đó, tác giả của nó, tức nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh trong một trận càn của địch.

"Tôi đón lấy cái gói hình chữ nhật được bọc cẩn thận từ tay người khách lạ, hồi hộp mở ra và không dám tin ở mắt mình. Trước mắt tôi là cuốn sổ với nét chữ quen thuộc của Chu Cẩm Phong. Đây chính là cuốn sổ bằng giấy pơ-luya, Chu Cẩm Phong tự tay đóng lấy để dùng ghi nhật ký mà chúng tôi đinh ninh đã bị mất vĩnh viễn khi anh hy sinh ngày 1 tháng 5 năm 1971 dưới căn hầm bí mật gần bờ sông Thu Bồn ở thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam" - nhà thơ Bùi Minh Quốc, một trong những người tiếp nhận cuốn nhật ký trong năm 1975 và cũng là người đưa bản thảo đến NXB Văn học in vào năm 2000, nhớ lại.

Còn theo nhà văn Nguyên Ngọc: "Sau năm 1975, chúng tôi về Đà Nẵng đóng ở nhà số 10 Lý Tự Trọng. Một hôm có người đến và mang theo một tập giấy đóng bìa rất đẹp. Người đó nói, tôi là một người lính của quân đội Sài Gòn và chính tôi tham gia trận càn. Khi có một chiến sĩ quân giải phóng hy sinh, tôi lấy được cuốn nhật ký. Về nhà đọc, tôi thấy tâm hồn người lính miền Bắc đẹp quá. Từ đó tôi không làm được gì khác ngoài việc giữ lại tập giấy ấy". Nhà văn nhận định: "Đó là một việc làm rất nguy hiểm đối với anh ta hồi đó". Và cho biết thêm: "Khi tôi hỏi tên, anh ta nhất định không nói".

Nữ họa sĩ Tôn Nữ Thơ Thơ, cựu học sinh Nữ Trung học Hồng Đức (Đà Nẵng) nhớ lại: "Khi nhật ký Chu Cẩm Phong chưa được in ra, tôi đã kể chuyện về nó với khá nhiều người ở NXB Đà Nẵng là nơi tôi công tác sau ngày giải phóng. Vì sao? Vì tôi và nhóm bạn học lớp 9/5 (niên khóa 1973-1974) lúc đó của tôi như Kim Loan (hiện sống ở Mỹ), Ngọc Liên (hiện sống ở Australia), Bích Hoài (nay là ca sĩ tại Đà Nẵng)... nhớ mãi những lời bình luận rất ấn tượng của thầy Hoàng Đình Hiếu về cuốn nhật ký được phát hiện dưới một căn hầm bí mật khi thầy còn là sĩ quan biệt phái (của chế độ cũ), sau về dạy sử tại trường Nữ Trung học Hồng Đức. Khi thầy đưa cuốn nhật ký ra giữa lớp, cả lớp thấy có một vết đạn hoặc bom cắt sâu vào gáy nhưng không làm nó đứt rời. Vậy rồi thầy đọc từng trang kèm lời bình đầy thán phục về hào khí của một người Việt cộng toát ra trong nhật ký, mà theo thầy có văn phong càng đọc thấy càng hay!".

Trang bìa Nhật ký Chu Cẩm Phong do ông Hoàng Đình Hiếu
bọc mới và trình bày (trái) và Di bút Chu Cẩm Phong trong nhật ký.

Chị còn cho biết thêm, khi lên lớp 10 (niên khóa 1974-1975), lớp của chị vẫn được nghe thầy Hiếu tiếp tục đọc nhật ký Chu Cẩm Phong và một số lớp khác cũng được nghe như vậy một thời gian khá lâu sau ngày giải phóng 29-3-1975 cho đến khi thầy nghỉ dạy.

...Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau ngày 29-3-1975, người cựu sĩ quan biệt phái Hoàng Đình Hiếu được lưu dung dạy học trong một thời gian và sau đó ông có vài năm vào miền Nam sinh sống. Thế rồi ông theo gia đình bên vợ từ Đà Nẵng đi định cư ở nước ngoài và  từ khi sang Mỹ đến nay hầu như rất ít liên lạc với ai.

Qua tìm hiểu, chúng tôi có được e-mail của một cựu giáo sư dạy sử là bạn thân thầy Hoàng Đình Hiếu, cũng đang định cư tại Mỹ, nhưng mọi liên lạc chưa thành. Sau khi liên lạc với một cựu nữ sinh trường Hồng Đức đang sinh sống tại California, chúng tôi có một ít thông tin về ông. Theo đó, ông Hoàng Đình Hiếu từng dạy tại trường Nữ Hồng Đức trong 7 năm, hiện cả gia đình đang sống tại TP Grand Prairie, bang Texas, Hoa Kỳ. Ông tỏ ra ngạc nhiên và thú vị khi được biết cuốn nhật ký năm xưa của Chu Cẩm Phong đã được in thành sách tại Việt Nam. Chúng tôi đã liên lạc qua thư điện tử. Và chiều 19-9, thật bất ngờ, người cựu sĩ quan, thầy giáo Hoàng Đình Hiếu đã có thư trả lời chúng tôi và xác nhận, lúc ấy ông đã theo chân cuộc hành quân với tư cách một phóng viên và nhận lại cuốn nhật ký từ tay người bạn là sĩ quan tác chiến...

Trích đăng thư của ông Hoàng Đình Hiếu gửi PV Báo Thanh Niên:

Tôi đã học từ tấm lòng chân thành của Chu Cẩm Phong

"...Đối với tôi, câu chuyện cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong đã chìm sâu vào dĩ vãng, nếu không có em (tức tác giả Đặng Ngọc Khoa) báo tin là đã được in ra, phổ biến và được dư luận khắp nơi yêu mến. Ký ức tôi còn ghi nhận là một giai đoạn chiến tranh ác liệt xảy ra trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, mà chiến sĩ Chu Cẩm Phong và tôi, cùng bạn bè đồng trang lứa của cả hai, không vì thù oán mà bị trói chặt vào cuộc chiến, phải một mất một còn. Tôi thật sự tiếc thương sự hy sinh của chiến sĩ Chu Cẩm Phong khi nhận được cuốn nhật ký như một chiến lợi phẩm!

Điều em biết về tôi chỉ là một khái niệm. Chỉ những ai chứng kiến cảnh đau lòng mới thấy chiến tranh thật sự là nghiệt ngã, vô lý và tàn nhẫn. Cũng may cho tôi, không phải là lính tác chiến ngoài mặt trận. Tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Quảng Đà ở Đà Nẵng, tôi theo các cuộc hành quân Vũ Ninh 1, 2, 3 như một phóng viên, trước khi được biệt phái về dạy tại trường Nữ Hồng Đức, Đà Nẵng. Bạn tôi đã trao cho tôi cuốn nhật ký vô giá này, khi tôi chỉ có mặt ở Bộ chỉ huy hành quân một thời gian ngắn ngủi. Bạn trao nhật ký cho tôi không một lời giải thích và nay anh cũng đã ra người thiên cổ. Phải nói là Chu Cẩm Phong là người sống sót duy nhất và làm chứng cho chính mình hơn bất cứ ai hết.

Đừng băn khoăn về tôi nhiều. Tôi chỉ làm một việc nhỏ, vì xét thấy cần thiết phải bảo quản một tài liệu sống của thế hệ chúng tôi. Việc biểu dương xứng đáng xin dành cho chiến sĩ Chu Cẩm Phong. Điều tôi hằng trân trọng là sự chân thật của tấm lòng. Oái oăm thay tôi đã học được từ tấm lòng chân thành của Chu Cẩm Phong. Phải chăng, trong một hoàn cảnh nào đó, chiến tranh đem chúng tôi đến gần nhau hơn!".