Festival Nhiếp ảnh Trẻ 2015

Đã thật sự trẻ và mới?

Lần đầu được tổ chức, tạo “sân chơi” cho các tác giả trẻ lứa tuổi từ 14 đến 35 thử sức, Festival Nhiếp ảnh Trẻ 2015 vừa khép lại với nhiều trăn trở của cả trong và ngoài giới, bởi sự chưa thật trẻ và mới của một khởi đầu nhiều kỳ vọng.

Hòn ngọc Viễn Đông - giải nhì của NGUYỄN ANH AN, TP Hồ Chí Minh.
Hòn ngọc Viễn Đông - giải nhì của NGUYỄN ANH AN, TP Hồ Chí Minh.

Festival do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, dự kiến sẽ trở thành hoạt động hai năm một lần, thu hút đông đảo tác giả trẻ, trở thành sự kiện quan trọng của ngành nhiếp ảnh. Đây là chủ trương đúng đắn, tích cực trong bối cảnh công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ trẻ của chuyên ngành nhiếp ảnh khá im ắng lâu nay. Thực tế, lực lượng sáng tác nhiếp ảnh đang rất cần sự kế tiếp của thế hệ trẻ.

Với chủ đề “Thế hệ trẻ Việt Nam - Đất nước và phát triển”, sau hơn ba tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 3.054 ảnh của 527 tác giả ở 57 tỉnh, thành phố cả nước và nước ngoài gửi tham dự; cho thấy sự quan tâm của đông đảo lớp trẻ đối với Festival này. Có 206 ảnh được chọn trưng bày triển lãm, trong đó 21 tác phẩm đoạt giải, gồm: một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 15 giải khuyến khích. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm đã phần nào bám sát chủ đề, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; thể hiện sinh động những vấn đề của cuộc sống đương đại; vẻ đẹp của con người, văn hóa, phong cảnh, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó thể hiện ở mối quan tâm của những người trẻ đến nhiều mặt đời sống xã hội; phản ánh được không khí chuyển động, đi lên của con người và đất nước thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế hội nhập và phát triển. Nhiều sáng tác tập trung vào đề tài lao động sản xuất với hình ảnh những “kình ngư” chinh phục đại dương, làm giàu cho gia đình, quê hương như Mùa cá (Trần Văn Hưng), Vượt sóng (Ngô Quang Thành), Quà của biển (Trần Minh Trung), Thu hoạch muối (Lâm Hương Nguyên)…; những công nhân miệt mài trên công trường như Xưởng đóng tàu sắt (Trần Minh Đức), Lửa công nghiệp (Huỳnh Công Nghĩa), Cho những công trình mới (Phạm Hoàng Nam)… Bộ mặt đất nước đổi mới từng ngày qua những công trình cũng được phản ánh trong các tác phẩm: Hòn ngọc Viễn Đông (Nguyễn Anh An), Nhịp cầu ước mơ (Phạm Hoàng Giám), Giao thông hiện đại (Nguyễn Bảo Lâm), Cánh đồng điện gió (Trịnh Hữu Thọ)… Bên cạnh đó, vẻ đẹp của những di sản, vùng đất, con người và nếp sinh hoạt truyền thống, đời thường tiếp tục được khám phá; những sáng tác về người lính và biển đảo nói lên tình cảm và trách nhiệm của thế hệ trẻ với vận mệnh Tổ quốc và dân tộc trong các bức ảnh: Trường Sa lung linh giữa trùng khơi (Lê Quang Trung), Sẵn sàng chiến đấu (Vũ Mạnh Cường), Lên đường nhập ngũ (Bùi Lâm Khánh)… Qua các sáng tác được giải, thấy sự cố gắng tìm tòi, thể hiện chủ đề tư tưởng và phương pháp biểu đạt của một số tác giả. Ở Sắc màu thời đại mới (giải nhất của Vương Thùy Giang, Hà Nội) là ý tưởng về một không gian mở, có tính tiếp nối từ hình ảnh những căn hộ cao tầng với cuộc sống của những con người trong xã hội đương đại. Trong Vui chơi bên bức tường tuổi thơ (giải nhì của Nguyễn Hữu Thông, Bắc Giang) lại thể hiện những khám phá tinh tế, mới lạ ở một đề tài quen thuộc về sự đổi thay của cuộc sống trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Người trợ giúp thám hiểm hang Sơn Đoòng (giải khuyến khích của Nguyễn Văn Thắng, TP Hồ Chí Minh) là phát hiện mới mẻ toát lên niềm trân trọng những người lao động “vô danh” quả cảm trong hành trình trợ giúp chương trình du lịch mạo hiểm khám phá ra di sản nổi tiếng thế giới…

Đáng nói ở Festival này, là khi đặt vào tiêu chí “trẻ”, sẽ thấy sự “già”, “mòn” trong tư duy sáng tạo. Điều đó thể hiện ở những đề tài, ý tưởng, bố cục… quen thuộc, không mấy thay đổi, phá cách. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm triển lãm, bắt gặp những khuôn mẫu, lối mòn của các thế hệ đi trước; thiếu vắng những điều thật sự mới mẻ, chưa nói đến nhiều bức ảnh còn quá cũ, đơn giản trong chủ đề và kỹ thuật bố cục, ánh sáng… Nhìn chung, Festival không mấy khác với các triển lãm, cuộc thi ảnh từ trước tới nay. Một số nhà chuyên môn cho rằng, ý tưởng thì hay, song Ban tổ chức vẫn chỉ khoanh vùng ở ảnh phản ánh hiện thực, chưa mở rộng ra các thể loại ảnh ý tưởng, ý niệm với việc sử dụng các kỹ thuật photoshop, đồ họa, hội họa… nên không thể tạo sự mới lạ, ấn tượng. Và nữa, đây chưa phải là một Festival đúng nghĩa với các hoạt động nên có như trải nghiệm thực tế, giao lưu, đối thoại, trao đổi giữa các nghệ sĩ, phong cách… Chính vì vẫn chỉ là cuộc thi đơn thuần, nên tâm lý “đi thi” cùng việc lựa chọn những đề tài “an toàn” dễ “ăn điểm” theo định hướng, lối mòn tư duy các hội đồng giám khảo nhiếp ảnh lâu nay là điều tất yếu. Mà nghệ thuật đích thực, nhất là với người trẻ, đòi hỏi sự dám dấn thân, tìm tòi để phát hiện và tự khẳng định chứ không nên nặng về giải, về danh.

Như vậy, mong muốn Festival sẽ là một sân chơi có sức cuốn hút giới trẻ yêu nghệ thuật của Ban tổ chức dường như chưa đạt được kỳ vọng. Nhìn lại để có những giải pháp phù hợp cho lần tổ chức sau là việc cần thiết, để Festival thật sự là hoạt động hiệu quả, ý nghĩa, góp phần thúc đẩy và tôn vinh sáng tạo.