Điện ảnh với sự kiện 30-4-1975:

Vẫn còn mắc nợ lịch sử

Ít lại chưa tinh !

Bám sát những thời khắc lịch sử để dựng lại nhiều câu chuyện phim cảm động, nhiều hoàn cảnh điển hình, phim tài liệu, ở góc độ nào đó đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của thể loại. Còn phim truyện, có lẽ do điều kiện bối cảnh cần tái tạo rất phức tạp, trong khi kinh phí làm phim hạn hẹp nên không nhiều tác phẩm đi sâu vào mảng đề tài này. Có chăng là những bộ phim có “dính dáng” đến một câu chuyện, một con người hoặc lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử.

Về phim video, đáng kể có “Ba lẻ một” (Bông sen vàng LH phim Việt Nam lần thứ 13, kịch bản: Bảo Ninh, đạo diễn: Khải Hưng). Bằng cách thể hiện dung dị, thông qua một khoảnh khắc, một số phận để nói lên sự khốc liệt của chiến thắng ngày ấy và sự vĩ đại của cả một dân tộc.

Còn phim truyện nhựa, tìm một tác phẩm tập trung phản ánh những con người trong thời khắc đó hay câu chuyện xoay quanh dấu mốc lịch sử đó quả là “của hiếm”. Gần đây, “Tiếng cồng định mệnh” của điện ảnh Quân đội đi sâu khai thác những diễn biến ở các cơ quan đầu não cả phía ta và địch trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột. Huy động được lực lượng lớn các trang thiết bị quân sự cũng như các loại khí tài và lực lượng bộ đội tham gia đông đảo để tạo dựng những bối cảnh hoành tráng, nhưng rất tiếc phần “truyện” với tuyến nhân vật còn mờ nhạt chưa thật sự “nên vóc, nên hình” !

Được nhiều người kỳ vọng hơn cả vẫn là “Giải phóng Sài Gòn”. Bộ phim được làm đến nay đã ngót 13 năm, cũng là một trong những phim chịu nhiều “truân chuyên”, kể cả những “điều tiếng” từ lúc chưa đi vào sản xuất cho tới ngày xuất xưởng. Trong cơn bạo bệnh, đạo diễn Long Vân vẫn mong được tự tay làm hậu kỳ, nhưng rồi cuối cùng đạo diễn Vũ Xuân Hưng được giao đảm nhiệm vai trò này. Một người trong nghề âu lo, với kíp làm phim như “Giải phóng Sài Gòn”, sự sai sót về lịch sử sẽ khó tránh khỏi. Đây cũng là điều trăn trở từ thực tế các bộ phim có hơi hướng lịch sử ta đã làm!

Để khơi nguồn... 

 Vẫn còn mắc nợ lịch sử ảnh 1

Bộ phim Rặng trâm bầu do Hãng phim phương Nam, Phát hành phim Quân đội và Đài PTTH Tiền Giang
phối hợp tổ chức

“Căn bệnh” cố hữu không chỉ riêng ở phim làm, về sự kiện này mà có ở hầu như những bộ phim truyện nhựa phục vụ những ngày kỷ niệm lớn hay ngày lễ trọng đại của dân tộc, là đều được làm trong tình trạng gấp gáp. Tất cả các thành phần làm phim đều bị thúc ép về thời gian. Vội, ẩu, tai hại hơn, những sản phẩm này chưa xứng với tầm vóc của sự kiện phản ánh. Bối cảnh hoành tráng các phim hầu hết phải “trốn” vì kinh phí dẫu có bạc tỷ cũng khó kham nổi trong điều kiện hiện tại. Còn tuyến nhân vật mỏng và tình tiết đơn giản.

Tại sao không có một cái nhìn “dài hơi”, một sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, để rồi “nước đến chân mới nhảy” ? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý điện ảnh nước nhà và cả các nghệ sĩ điện ảnh ! 

Thực tế lịch sử sôi động, tư liệu cuộc sống ngồn ngộn, kể cả những “dấu tích” của quá khứ vẫn còn hiển hiện trong mỗi mái nhà, mỗi con người... nhưng rất tiếc, phim truyện vẫn chịu lép vế so với các “chiến hữu” ở các thể loại khác.

Thật đáng tiếc khi 30 năm đã trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử ngót nửa thế kỷ, nhưng vẫn chưa có tác phẩm điện ảnh mang được tầm vóc của một trong những cột mốc lịch sử lớn của dân tộc.

Chia sẻ những bất cập trong làm phim về đề tài lịch sử dân tộc, một nghệ sĩ lão thành trong ngành điện ảnh tâm sự: “Khi nào chúng ta có chủ trương rõ ràng, có đường lối sách lược đúng đắn nhằm trân trọng và đầu tư xứng đáng cho các tác phẩm điện ảnh phản ánh lịch sử dân tộc thì mới có thể khơi nguồn cho dòng phim lịch sử đang bế tắc hiện nay”.