Với quê hương, ai cũng là con!

Những dòng họ danh giá đều có “gia pháp” riêng, bởi mỗi gia đình Việt thật sự là một tổ chức xã hội thu nhỏ. Các nước phương Tây, sau một thời gian dài đề cao cá nhân, thì nay đang quay lại với các giá trị gia đình, bởi họ nhìn thấy ở đó nền móng vững chắc cho tương lai.

Những điều tốt đẹp được bồi đắp dày thêm qua thời gian, được đúc kết mà trở thành “gia phong, gia pháp”. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Những điều tốt đẹp được bồi đắp dày thêm qua thời gian, được đúc kết mà trở thành “gia phong, gia pháp”. Ảnh: ĐĂNG KHOA

“Gia đình bác, năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết là tất cả con cháu dâu rể nội ngoại tập trung hết về nhà bố mẹ để dâng cúng tổ tiên, đồng thời ăn một bữa cơm tất niên chung. Đến sáng mồng Một thì con cháu đến chúc Tết ông bà, bố mẹ, rồi sau đó có đi chơi đâu thì mới đi. Đã thành nếp rồi nên con cháu luôn thu xếp để có mặt đầy đủ”. Không chỉ ở nhà bác Sủng - một người Hà Nội, nếp nhà ấy có lẽ phổ biến ở rất nhiều gia đình Việt truyền thống.

Nếp nhà quan trọng với người Việt bởi sự gắn bó lâu dài, bền chặt của nhiều thế hệ cùng sống dưới một mái nhà. Theo quan niệm của văn hóa phương Đông, ở Việt Nam, những dòng họ Tam đại đồng đường, tức là ba thế hệ cùng chung sống, được cho là có phúc. Nhiều gia đình được coi là đại phúc khi có Tứ đại đồng đường, thậm chí là Ngũ đại đồng đường.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nếp nhà Việt được truyền qua nhiều thế hệ, từ ông bà, cha mẹ, đến con cái, cháu chắt… Vì cùng chung sống nên ông bà cũng trực tiếp dạy dỗ không chỉ con mà cả cháu, chắt của mình. Chính vì vậy, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình được duy trì rất bền vững. Ngoài việc kính trên nhường dưới, anh chị em yêu thương, đùm bọc nhau thì trong “Nếp nhà Việt” đặc biệt coi trọng chữ Hiếu, thể hiện một phần đặc trưng qua việc thờ cúng tổ tiên, ông bà.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cũng kể cho tôi nghe nhiều điều thú vị về nếp nhà miền trung mà ông lớn lên, trong đó có lời mẹ dạy: “Mỗi buổi sáng, khi ngủ dậy các con hãy mỉm cười. Nụ cười sẽ giúp các con có gương mặt sáng và có cuộc sống hạnh phúc”. Mẹ ông luôn duy trì và tạo ra nụ cười trong gia đình. Bà nói đó là mẹ bà dạy thế, và mẹ bà, chắc hẳn cũng nhận được lời dạy từ các thế hệ trước - rồi cứ thế tiếp nối truyền lại cho các thế hệ sau.

Ngày nay, ngày càng nhiều nếp nhà tốt được duy trì và phát huy theo truyền thống. Và trên thực tế, trẻ em lớn lên trong những gia đình có nền nếp gia phong sẽ có sức “đề kháng” mạnh mẽ với những cái xấu trong xã hội hiện đại, khi mà tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ luôn có những tác động trái chiều nhau.

Đại dịch Covid-19 ào đến bất ngờ khiến cả thế giới chao đảo, nhưng những gia đình Việt vẫn vững vàng, một phần hẳn cũng nhờ có “nếp nhà”. Thói quen ăn tại nhà, làm tại nhà được phát huy. Cũng nhờ “nếp nhà”, xã hội Việt thêm phần ổn định qua những biến cố lớn của thế giới. Nhiều du học sinh thấy mình thật may mắn khi được trở về Tổ quốc, được ở bên gia đình và người thân trong đại dịch.

Những người con xa quê tìm thấy nơi nương náu tâm hồn, ấy là quê hương, nơi có mẹ, có cha, có gia đình chờ ta mỗi chiều về sau những bộn bề cuộc sống! Với quê hương, ai cũng là con. Bởi là con, nên ai cũng được bao dung, chở che, được yêu thương vô điều kiện. Hai chữ “Quê hương” thiêng liêng ấy gắn bó với nếp nhà, với gia phong, với những quy tắc nghiêm cẩn mà không cổ lậu của truyền thống Việt. Nếp nhà níu giữ bước chân của những người con xa xứ, theo họ suốt cuộc đời.

Hàng nghìn bài hát, hàng vạn câu thơ từ cổ chí kim vẫn viết về những nếp nhà, những tình quê đậm đà muôn đời không phai. Và xuân cả bốn mùa đã, đang và sẽ luôn hiện hữu trong những gia đình Việt còn giữ được nếp nhà, giữ được hương xưa.