An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán:

Vẫn còn nhiều mối lo

Tết Nguyên đán Ðinh Dậu 2017 đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu xã hội tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm. Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xử lý nghiêm các vi phạm, phục vụ người dân đón xuân an toàn đang đặt ra cấp thiết với các cấp ngành chức năng.

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra mạnh các mặt hàng phục vụ người dân đón Tết. Ảnh: HẢI NAM
Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra mạnh các mặt hàng phục vụ người dân đón Tết. Ảnh: HẢI NAM

Ðộ "nóng" chưa giảm

Ngay từ đầu tháng 12-2016, nhu cầu thị trường thực phẩm đã có dấu hiệu tăng lên. Dạo qua những "vựa rau" ở huyện Thường Tín, Thanh Trì; Vân Nội (huyện Ðông Anh), những thửa ruộng dán bảng: "Rau sạch phục vụ Tết" đã có đánh dấu khách đặt hàng. Nhiều lò mổ gia súc, gia cầm quanh Hà Nội cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Tại các làng sản xuất bánh kẹo, mứt Tết như Xuân Tảo, Xuân Ðỉnh (Bắc Từ Liêm), La Phù (Hoài Ðức) cũng đã tích cực cải tiến mẫu mã, chất lượng để tăng sự cạnh tranh.

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Có thể kể đến việc tổ chức hội chợ kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm, đặc sản an toàn, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem. Ðặc biệt Hà Nội được trang bị ba xe lưu động để xét nghiệm nhanh thực phẩm. Theo đó, trong mỗi xe lưu động này sẽ có hai cán bộ xét nghiệm, đến những nơi tập trung, cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống, như: chợ đầu mối, siêu thị, chợ cóc, chợ tạm… để xét nghiệm định tính hóa chất trong sản phẩm. Qua xét nghiệm bằng xe chuyên dụng, lô sản phẩm có nghi ngờ sẽ tạm thời không được lưu hành để chờ xét nghiệm sâu hơn.

Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai địa phương được chọn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện và xã/phường. Theo đó, công tác ATTP trên địa bàn Hà Nội được đẩy mạnh, nhất là công tác thanh, kiểm tra được tăng cường.

Tuy nhiên theo cơ quan chức năng cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh ngoài vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, quả tại các chợ, các điểm bán lẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cũng như còn nhiều vi phạm tại các cơ sở sản xuất chế biến, các chợ dân sinh, điểm kinh doanh tự phát. Thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến đầu tháng 12-2016, thành phố đã kiểm tra trên 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng.

Còn theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, chỉ trong tháng 12-2016, hàng chục vụ vi phạm ATTP đã bị các lực lượng chức năng phối hợp xử lý. Có thể kể đến vụ bắt giữ gần bốn tấn phụ gia tại huyện Thạch Thất; bắt giữ hơn bốn tấn hoa quả có nhãn chữ Trung Quốc không có hóa đơn chứng minh xuất xứ… Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng QLTT Hà Nội, nhìn nhận: "Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không bảo đảm ATTP như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, thực phẩm chức năng… vẫn còn tồn tại nhiều, chủ yếu là ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các điểm giáp ranh giữa các quận, huyện, gây khó khăn cho công tác kiểm soát thị trường".

Chuẩn bị cho người dân đón Tết yên vui

Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn của người dân, từ giữa tháng 12-2016, các cơ quan chức năng đã ban hành các kế hoạch, phương án triển khai công tác quản lý vệ sinh ATTP. Cụ thể, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 230/KH-UBND, bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ðinh Dậu và lễ hội năm 2017. Trong kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, thành phố sẽ tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều. Ðối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết như: rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống. Mặt khác, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị.

Cũng trong dịp này, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP cũng đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ðinh Dậu và lễ hội năm 2017. Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban được giao chỉ đạo tham gia sáu đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo kế hoạch sẽ thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, từ trung ương tới các cấp xã, phường, tập trung vào các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Phía ngành y tế, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sở đã đề nghị cơ quan liên quan tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, cơ sở chế biến, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, sản xuất, tàng trữ, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP; lập các chốt kiểm dịch hàng hóa gần bến xe, nhà ga, chợ đầu mối, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm. "Nếu phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý. Chúng tôi cũng sẽ công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo", ông Hiền nhấn mạnh.

Mong rằng, với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, cộng với việc người dân nâng cao cảnh giác, phát giác, lên án nếu phát hiện những cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn, sẽ hạn chế được tối đa các vụ ngộ độc, giúp người dân đón xuân yên vui, an toàn.