Ứng phó trước thời tiết trái quy luật

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV), thời tiết những tháng tới đây sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, như nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở biển Ðông… Tuy vậy, tính chủ động ứng phó trước các loại thiên tai của các cấp chức năng và chính người dân vẫn chưa cao.

Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Thắng
Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Thắng

Nắng nóng gay gắt gia tăng

Ông Hoàng Ðức Cường, Giám đốc Trung tâm KTTV T.Ư cho biết, hơn 50% khả năng xuất hiện El Nino vào nửa cuối năm 2017. "Theo các dự báo mới nhất thì đa số các Cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều cho rằng, hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm nay và nếu vậy, 2017 sẽ là năm thứ ba liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang trạng thái La Nina", - ông Cường nhấn mạnh.

Theo đó, dự báo trong cả mùa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông, nhiều hơn so với TBNN - khoảng 12 cơn. Dự báo có khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, và tập trung ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino.

Nắng nóng và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, được dự báo: Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến 10-2017 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN, đặc biệt là khu vực phía bắc nước ta. Trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4 và 5-2017) sẽ thường xuyên xuất hiện giông sét, lốc xoáy, mưa đá, đặc biệt là trung du, vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ. Mùa lũ năm nay trên các sông ở Bắc Bộ khả năng xuất hiện muộn hơn so với TBNN. Các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và sông Mê Công đến sớm hơn so với TBNN. Một số sông suối nhỏ ở miền núi phía bắc có thể xuất hiện đỉnh lũ vượt mức báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016.

Cùng đó, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu cũng đưa ra các nhận định về một số tác động có thể có của điều kiện ENSO đối với tình hình thời tiết và khí hậu Việt Nam năm nay. Cụ thể, trong các tháng mùa hè, số ngày nắng nóng có thể cao hơn so với TBNN từ 1 đến 5 ngày/tháng ở các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Kèm theo đó, nguy cơ về nắng nóng gay gắt cũng được dự báo gia tăng về cường độ và tần suất - nhiều khả năng xuất hiện các kỷ lục về nhiệt độ cao. Mặt khác, do tác động của điều kiện ENSO, nhiều khả năng sẽ dẫn đến thiếu hụt lượng mưa trong các tháng mùa khô. Do vậy, cần đề phòng nguy cơ xảy ra hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng ở khu vực Nam Bộ, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong các tháng cuối năm 2017.

Ðài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ mới đây cũng đưa ra dự báo, lũ tiểu mãn có khả năng xuất hiện ở hạ lưu sông Hồng, sông Ðáy và một số sông, suối nhỏ trong khu vực. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn cục bộ, khu vực nội thành Hà Nội sẽ xuất hiện một số đợt ngập úng cục bộ tại các vùng trũng.

Xây dựng phương án phòng chống sát thực tế

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT), ở nước ta thiên tai đã xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm 2016, trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường, đã làm 264 người chết và mất tích, trong đó có 215 người chết do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bốn người do bão, 45 người do lốc, sét, mưa đá, ngoài ra còn có 431 người bị thương. Thiên tai cũng khiến cho 5.431 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái. 828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, cùng hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp. Hơn 115 km đê, kè, 938 km kênh mương, 122 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm 2017, tình hình thời tiết đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Thời gian qua, nhiều đợt không khí lạnh, mưa phùn ảnh hưởng sâu vào khu vực miền trung và Nam Trung Bộ làm cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến nông nghiệp, sạt lở nghiêm trọng bờ biển. Ðể ứng phó hiệu quả với thiên tai, nhất là trước dự báo thời tiết năm nay diễn biến còn nhiều phức tạp, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT- ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các tỉnh, thành phố cần thiết phải xây dựng kế hoạch, phương án PCTT cụ thể, sát thực tế hơn các năm trước. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình PCTT, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chủ động sửa chữa bảo đảm an toàn công trình khi có sự cố xảy ra.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục KTTV và BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì các địa phương cần có phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai, lồng ghép PCTT trong kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lực lượng ứng phó và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cần được bố trí sẵn sàng tại các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao để đáp ứng kịp thời xử lý nhanh các tình huống thiên tai. Công tác dự báo cần kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin sâu rộng đến các cơ quan chức năng, người dân nhất là ở cấp thôn, xã, vùng sâu, vùng xa giúp chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Ðồng quan điểm trên, ông Văn Phú Chính - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT chia sẻ, còn nhiều người dân vùng sâu, vùng xa chưa được nhận thông tin đầy đủ về diễn biến thiên tai, mặt khác phương châm "bốn tại chỗ" nhiều nơi chuẩn bị còn mang tính hình thức. Ðiều đáng tiếc là có không ít trường hợp gặp nạn xuất phát từ thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai của một bộ phận người dân. Bởi vậy, đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn cần được tăng cường. Kỹ năng PCTT, nhất là các kỹ năng liên quan đến phòng, chống đuối nước cần được các tổ chức, đoàn thể trang bị, hướng dẫn cho người dân.