Trả lại màu xanh của rừng

Lũ chồng lũ, bão chồng bão, liên tiếp các vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra thời gian qua gây nhiều mất mát cho người dân miền trung. Có thể nói, biến đổi khí hậu (BÐKH) đã gây nên hậu quả nhãn tiền. Tuy nhiên, nếu hành động đúng và kịp thời, chúng ta vẫn giảm nhẹ được rủi ro thiên tai. Bằng mọi cách phải giữ được diện tích rừng tự nhiên còn lại và trồng mới nơi những cánh rừng đã mất.

Rừng bị chặt phá trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Dũng
Rừng bị chặt phá trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang Dũng

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt"

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các tỉnh vùng núi phía bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão, lũ. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn... tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, theo FAO, là do tình trạng rừng bị tàn phá.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hậu quả của việc phá rừng là tình trạng BÐKH, hiệu ứng nhà kính làm Trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh… GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, rừng tự nhiên là "lá chắn" để giữ nước, giữ đất, giữ môi trường vì có tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu. Do vậy, nếu một cơn mưa bình thường với lượng mưa khoảng 100 mm kéo dài 1-2 giờ, thì không có nước chảy trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất gần như không có nước, toàn bộ lượng nước trở thành nước ngầm, còn rừng trồng chỉ có tác dụng thấm nước bằng một phần năm rừng tự nhiên. Rừng cũng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, góp phần làm suy yếu sức gió tại các vùng bão đi qua. "Ngoài do BÐKH, đặc điểm địa lý thì hậu quả của việc phá rừng, diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn ở các tỉnh, thành phố tại miền trung bị san để làm thủy điện, gây khó khăn, làm mất khả năng điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải chỉ hạ lưu", giáo sư Lung nói.

Và sự trả giá của con người vì đánh mất rừng cũng đang được chứng kiến ở nhiều hình thái thiên tai khác. Dù vậy, có một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ tại Việt Nam đang ngày càng suy giảm. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ba năm qua (2016 - 2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân là 1.873 ha/năm (dù đã giảm 29% so bình quân 5 năm 2011 - 2015). Riêng năm 2020, thống kê đến ngày 15-9, diện tích rừng bị thiệt hại cả nước vẫn lên tới 1.291 ha (trong đó diện tích rừng bị cháy là 603,7 ha, giảm 78,2%; diện tích rừng bị phá là 687,3 ha, tăng 45,1%). Nhận định của Viện Ðiều tra và Quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại khu vực duyên hải miền trung và Tây Nguyên. Nguyên nhân khác là do lâm tặc phá rừng lấy gỗ, người dân đốt rừng làm nương rẫy với hình thức ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.

Cho rừng xanh lại

Rừng là nhân tố tốt nhất để khuyến khích người dân tham gia chống BÐKH, phòng, chống thiên tai, Chính vì vậy, để giữ rừng, phát triển rừng, nguồn vốn huy động để thực hiện đầu tư, phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 lên tới khoảng 50.231 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã cấp 38.661 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 91.894 hộ nghèo tham gia bảo vệ 1,320 triệu ha rừng và trồng mới, chăm sóc 21.665 ha rừng tại năm tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. Nhờ chính sách đầu tư về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng hằng năm đạt khoảng 230 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước năm 2020 đạt khoảng 42%.

Ðể bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, theo các chuyên gia lâm nghiệp, yêu cầu đặt ra là các địa phương phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng. Chính quyền các địa phương, các lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ tỉnh và Trung ương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, từng tỉnh trong khu vực phải xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Bảo vệ được rừng rất cần xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Các lâm trường phải rà soát lại để quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn. Cùng đó, cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp, vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay còn thấp. Theo Nghị định số 75/CP ngày 9-9-2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, thì mức khoán là 400.000 đồng/ha. Tuy nhiên, mức này chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng.

Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Thế Cường, cán bộ điều phối chương trình Tổ chức TRAFFIC kiến nghị, để quản lý tốt rừng trồng và phát triển theo phương án quản lý rừng bền vững, chúng ta không nên chuyển đổi các cánh rừng nghèo sang rừng trồng mà cần tăng cường các phương án làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh rừng nhằm tăng cường khả năng phòng hộ, đặc biệt là các khu vực xung yếu. Chính phủ cần rà soát lại các diện tích rừng trồng hiện nay để có quy hoạch hợp lý, tránh việc phát triển thiếu kiểm soát và chuyển đổi đất không đúng quy hoạch, đặc biệt là các diện tích đất rừng giao cho người dân quản lý.

Cho rừng xanh hơn, việc xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp được Nhà nước khuyến khích, nhiều năm qua nhiều tổ chức, cá nhân đã triển khai các mô hình, dự án trồng cây gây rừng, như chương trình "Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam", hay "Nhân rộng màu xanh cho rừng" tại Ðiện Biên… Mong rằng, các mô hình, dự án trồng cây gây rừng phòng hộ phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương ngày càng được nhân rộng. Cũng như các mô hình giúp dân trồng rừng sản xuất ngày càng nới rộng tới được nhiều người nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi, vùng biển, để không chỉ giúp cân bằng hệ sinh thái mà còn tạo sinh kế cho người dân.

HIẾU DÂN - MINH HẢI