Tin vào tình người!

Ở đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7, khi rất nhiều du khách và cả người dân tìm cách thoát khỏi thành phố để tránh dịch thì ở chiều ngược lại, “những đoàn quân áo trắng” từ khắp nơi trong cả nước lại “ngược dòng” về Đà Nẵng. Hành trang mang theo của nhiều người có khi chỉ là vài bộ quần áo, bởi ban đầu dự định đi chi viện cho miền trung vài ngày, nhưng cuối cùng quyết tâm “ở đến khi hết dịch thì về”. Và đó là một trong những nguyên nhân để khác với rất nhiều nơi trên thế giới, đại dịch toàn cầu Covid-19 cơ bản đã bị chặn đứng tại Việt Nam trong năm 2020.

Niềm vui của bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH
Niềm vui của bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH

1. Bây giờ nhớ lại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vẫn không thể nào quên những ngày bắt đầu quá trình “cấm trại” chống dịch Covid-19 từ mồng 6 Tết Canh Tý 2020, và trụ lại bệnh viện nhiều tháng liền trong đợt dịch sau đó: “Giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi là khi bệnh nhân Covid-19 số 17 vào viện, rồi thêm bệnh nhân nhập viện liên tiếp. Chín, mười ca trở nặng, năm người trong đó phải đặt ống nội khí quản, chưa kể hai nhân viên y tế bị lây bệnh... Có những ngày tất cả mọi người lo lắng, nghĩ là ai rồi cũng có thể mắc bệnh, thậm chí là bệnh nặng, và những nguy cơ khác nữa sẽ đến nếu bất cẩn hoặc không may”.

Những ngày đầu chống dịch ấy, có thể nói “tất cả đều mò mẫm, chưa có nhiều nghiên cứu để làm rõ cơ chế lây bệnh, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu”. Các y, bác sĩ phải “update” mọi thông tin về dịch bệnh hằng ngày, tự rút ra những bài học để nạp kiến thức và cùng bệnh nhân “chiến đấu”. Ròng rã, có những hôm không còn phân biệt được ngày tháng, bởi toàn bộ thời gian, y, bác sĩ của bệnh viện đã dành hết cho việc chống dịch. “Nhớ nhất là khoảnh khắc trực chiến chia nhau suất cơm hoặc vật phẩm tài trợ của các nhà hảo tâm, đặc biệt là được nghe những lời tri ân, động viên từ cộng đồng - những sự kết nối khăng khít giữa “hậu phương” với tuyến đầu chống dịch”.

2. Bao trùm lên vô vàn khó khăn ban đầu ấy là sự hy sinh. Không ít y, bác sĩ gác lại công việc gia đình, để cùng đồng nghiệp ở lại “mặt trận”. Và những hy sinh không biết mệt mỏi ấy không những giúp khống chế, không để dịch lây lan ra các khu vực lân cận, mà còn thật sự đã giành lại sự sống cho không ít bệnh nhân Covid-19 bên miệng “hố tử thần”. Có những trường hợp vì không muốn gia đình lo lắng, anh chị em đội ngũ y tế phải giấu nhẹm chuyện được chuyển qua vị trí điều trị trực tiếp cho người nhiễm Covid-19. 

Anh Nguyễn Đình Quốc, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng, là một trong những trường hợp như vậy. Trong những ngày đầu Đà Nẵng có dịch, anh tham gia công tác hậu cần cho hàng nghìn bác sĩ và bệnh nhân cách ly tại chỗ. Thế nhưng, diễn biến dịch thay đổi quá nhanh. Do thiếu hụt lực lượng kỹ thuật viên nên anh được điều lên đơn vị chạy thận mới ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đây là đơn vị mới được thành lập để lọc máu cho 30 bệnh nhân chạy thận nhiễm Covid-19. “Đi chống dịch hơn một tháng, vợ con thấy hết thời gian cách ly mà vẫn chưa được gặp nên gặng hỏi tôi đủ điều. Lúc này tình hình dịch cũng tạm ổn, nên tôi mới nói thật và động viên gia đình bớt lo”, anh Quốc kể.

Như chia sẻ của bác sĩ Trần Thanh Linh,  Phó Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh): “Để hồi sinh từ bệnh nhân Covid-19 thứ 91 đến các bệnh nhân ở tâm dịch Đà Nẵng, có thể nói Việt Nam đã huy động toàn bộ “trí tuệ quốc gia”. Bước vào “cuộc chiến” này, chúng tôi không có sự phân biệt người bệnh, không quan tâm đến chi phí tiền bạc và không bao giờ từ bỏ, dù chỉ còn một tia hy vọng. Chúng tôi đã chiến đấu với một niềm tin vào chính mình, tin vào đồng nghiệp và tin vào tình người”. Sức khỏe và sinh mạng bệnh nhân chính là thứ áp lực lớn nhất đè nặng lên trái tim và khối óc của họ. 

3. Đến nay, nhiều khu vực trên thế giới, như châu Âu, Mỹ, Đông Á… đang lo lắng đại dịch sẽ bùng phát dữ dội vào mùa đông. Tiết trời lạnh giá buộc người dân ở trong không gian kín nhiều hơn, tạo điều kiện để SARS-CoV-2 lây lan. Một số triệu chứng của Covid-19 tương tự các bệnh hô hấp mùa đông nên khó chẩn đoán hơn.

Như ý kiến của một chuyên gia, đại dịch đã có lúc khiến chúng ta trở tay không kịp nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta tăng cường khả năng phòng, chống dịch bệnh. Hiện cả nước bước vào giai đoạn chống dịch tiếp theo, tuy nhiên Việt Nam đã có kinh nghiệm từ đợt dịch đầu năm nên lần này các cơ sở y tế đã sẵn sàng bố trí nhân lực, trang thiết bị vật tư, bố trí khoa, phòng hợp lý; có thời gian tập huấn lại cho cán bộ nhân viên, bổ sung thêm các kiến thức cần thiết. Có thể tin tưởng là chúng ta vẫn tiếp tục kiểm soát được dịch Covid-19 trong thời gian tới, nhờ sự vào cuộc “chung tay” của toàn xã hội đồng hành với ngành y tế,  nhờ ngọn lửa trách nhiệm công dân trong lòng mỗi người. Và hơn cả, nhờ vào tình người, vào lòng yêu thương cũng như sự sẵn lòng hy sinh vì bình yên của Tổ quốc, quê hương.

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19: Nano Covax là vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu thử nghiệm thành công, đây không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học sức khỏe hay của ngành y tế mà thật sự là một công cụ phòng, chống dịch hữu hiệu. Song vắc-xin vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ, chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm từ trước đến nay. Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt”.