Phòng, chống dịch Covid-19

Tiếp tục tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội

Việc chấp hành nghiêm giãn cách xã hội ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, cho thấy nhân dân cả nước đã thực hiện và chấp hành tốt Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Song dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, nên nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cũng như có thể kéo dài thêm giải pháp này khi cần thiết nhằm không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn Covid-19 tại nước ta.

Nhân viên y tế làm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân tại Trường THCS Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Nhân viên y tế làm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân tại Trường THCS Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Vẫn còn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Bộ Y tế vừa nâng cấp độ chống dịch Covid-19 ngay từ cửa ra vào các cơ sở y tế, theo đó bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm, được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh, tuần qua tính tới sáng 7-4, có ba sáng liên tiếp không ghi nhận có thêm ca mắc mới trong kỳ thông báo dịch Covid-19 buổi sáng hằng ngày. Tuy nhiên, lý do mà Bộ Y tế đưa ra quyết định trên là dịch vẫn đang có diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám, chữa bệnh và ngược lại.

Ðiều này càng thấy rõ, khi trong số các bệnh nhân Covid-19 hiện nay, chỉ liên quan ca bệnh thứ 243 Q.Q.T., 47 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội đã có hàng chục nhân viên y tế phải cách ly. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết, chiều 6-4, bệnh viện đã đưa 63 y, bác sĩ (trong đó có 17 người F1 có tiếp xúc với bệnh nhân số 243, số còn lại là người tiếp xúc với F1) đi cách ly. Theo ông Ánh, trước đó, ông Q.Q.T. đưa người thân đến bệnh viện này khám bệnh, có điền phiếu sàng lọc, nhưng vào thời điểm đó ông đã đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) quá 14 ngày (từ ngày 12-3) nên khi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ông tích vào ô "không". Ngày 5-4, ông có quay lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, do đó số nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân đông hơn.

Cũng do liên quan đến ca bệnh 243 trên, ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, chiều ngày 6-4, bệnh viện đã tiến hành cách ly 10 y, bác sĩ (trong đó hai người thuộc diện F1 và tám người F2), đồng thời, bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 12 y, bác sĩ. Theo ông Chiến, trường hợp bệnh nhân kể trên từng đưa người nhà đến Bệnh viện Bạch Mai khám, nhưng đã hết thời gian cách ly nên chưa rõ nguồn lây bệnh từ đâu.

Nhận xét về tình hình dịch những ngày qua, ông Trần Ðắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói: Việt Nam gần như đã "khóa" được số mắc từ nước ngoài và không làm lây lan thêm, do có chuyến bay nào đến từ nước ngoài cũng như qua đường bộ các cửa khẩu thì toàn bộ người nhập cảnh đều cách ly trong 14 ngày. Với số bệnh nhân phát sinh trong nước, hai "ổ dịch" nội địa lớn nhất là quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu được kiểm soát. "Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa đánh giá được tình hình chung của dịch vì còn phải xem những ổ dịch lẻ tẻ tại cộng đồng, như trường hợp bệnh nhân số 237 (người Thụy Ðiển) ra sao. Vì thế, giai đoạn này vẫn phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, đặc biệt nhất là biện pháp giãn cách xã hội", ông Phu nhận xét.

Xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn

Theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP Hồ Chí Minh, để đạt được thành quả bước đầu chống dịch trong những ngày qua, ngành y tế đã có hành động kiểm soát tốt "đầu vào" và "đầu ra" ở các khu cách ly tập trung. Tiếp đó là nhờ vào việc Chính phủ, ngành y tế đã có sự tuyên truyền tốt đến tất cả mọi người dân, từ đó tạo ra sự phòng thủ cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của toàn xã hội trong việc đi tìm các ca "lọt lưới", từ đó có thể khoanh vùng cách ly một cách triệt để. Ðặc biệt hơn nữa là trong thời gian qua, việc triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng, quyết định cách ly xã hội được Chính phủ đưa ra. Chính những điều này đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, là nhân tố làm giảm ca bệnh và ngày càng tạo nên gam màu sáng cho bức tranh phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Tuy vậy, theo ông Khanh, vẫn rất cần phải duy trì các giải pháp này trong vòng vài tuần tới.

Bàn về giải pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung vừa yêu cầu các cấp chức năng thực hiện tốt việc giãn cách xã hội đến ngày 15-4, bởi đây là một trong những biện pháp quyết định đến việc ngăn chặn lây lan của dịch bệnh. Theo ông Chung, từ khi bắt đầu giai đoạn hai (từ ngày 6-3) đến nay, TP Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất. Và đã có những ca nhiễm ở cộng đồng không xác định được F0, cho nên nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn khó lường, vì vậy phải làm tốt công tác giãn cách xã hội.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam đang trong "giai đoạn vàng" để ngăn chặn dịch, vì thế cơ hội trong thời gian này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch Covid-19 để không bùng phát mạnh trong cộng đồng. Việc tuân thủ giãn cách xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp kết quả khống chế dịch, vì bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc gần. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá kết quả khả quan bước đầu của công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là nhờ vào vai trò rất quan trọng của hai biện pháp là giãn cách xã hội và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào. Ðây là hai biện pháp có ý nghĩa quyết định và xin phép Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng nếu thấy cần thiết. Ðồng thời, đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ðẩy mạnh, mở rộng xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn, nhất là với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Người nhiễm dịch Covid-19 có dấu hiệu chững lại trong tuần qua, đó là tin vui của cả nước. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong phòng, chống dịch vào lúc này, trách nhiệm cá nhân vô cùng quan trọng. Bởi một người dù không bệnh nhưng nếu không tuân thủ cách ly xã hội thì người đó có thể bị lây bệnh từ người khác rồi phát tán ra những người chung quanh. Và nếu tất cả mọi người đều hiểu điều này để cùng đồng lòng thực hiện thì việc đẩy lùi dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian.