Thêm giải pháp xóa xe dù, bến cóc?

“Xe dù bến cóc” là hiện tượng gây bức xúc từ nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực xử lý, song tình hình vi phạm an toàn giao thông (ATGT) vẫn tái diễn.

Hãng xe Trung Thành Limousine Quảng Ninh biến văn phòng bán vé tại Căn NV19, khu đô thị Minh Tâm (Q.Long Biên) thành bến cóc trá hình.
Hãng xe Trung Thành Limousine Quảng Ninh biến văn phòng bán vé tại Căn NV19, khu đô thị Minh Tâm (Q.Long Biên) thành bến cóc trá hình.

Những “điểm đen” chưa được xóa triệt để

Dù có lệnh xuất bến, nhưng nhiều chiếc xe khách vẫn di chuyển như rùa bò, mặc cho đường ùn ứ, xe đi sau bấm còi inh ỏi. Chốc chốc cửa xe lại được mở cho một hành khách chạy lên. Vào chiều 20-11, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe đi Ninh Bình, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa dừng đón khách ở phố Kim Ðồng (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ðể “qua mặt” cơ quan chức năng, lái xe liên hệ với khách hàng giờ di chuyển, điểm dừng đỗ và khách phải đợi sẵn để lên xe. Thậm chí có hiện tượng xe ôm “đón” khách từ các tuyến đường, cổng bến để đưa lên xe mà không cần vé.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, tuyến đi Ninh Bình trước đây chỉ khoảng 100 lượt xe/ngày. “Khi thành phố điều chỉnh lượt xe từ Mỹ Ðình về thì tăng lên khoảng gần 200 lượt xe/ngày. Số xe tăng nhưng khách vẫn vậy, nên nhiều xe bắt khách để kiếm thêm”.

Ở một khu vực khác, như đoạn qua khu vực cầu Phù Ðổng (Long Biên) là nỗi ám ảnh với người dân và phương tiện lưu thông. Dù lưu lượng xe đông đúc nhưng lòng đường bị biến thành bãi đậu xe phục vụ cho các quán cơm vào các giờ cao điểm và bắt khách, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng. Tại đầu quốc lộ 5 đi Hải Phòng cũng xảy ra tình trạng xe dừng, đỗ bắt khách sai quy định, chưa kể một số người đứng bán hàng rong lấn ra lòng đường, càng gây ra cảnh lộn xộn, mất ATGT.

Ðịa bàn Hà Nội được xác định có hàng chục điểm thường xảy ra vi phạm dừng, đỗ, đón trả khách. Như tuyến đường Giải Phóng đoạn quanh khu vực Bến xe Giáp Bát; khu vực Bến xe Mỹ Ðình, khu vực Bến xe Gia Lâm và nhiều tuyến đường lân cận như đường Kim Ðồng, Trần Thủ Ðộ, Phạm Hùng, Phạm Văn Ðồng… Cơ quan chức năng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 trường hợp vi phạm. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, “xe dù bến cóc” đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, nhưng xử lý vi phạm chưa triệt để, việc quản lý xe hợp đồng hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

Còn vướng và thiếu

Trước tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1770/UBND-ÐT chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Nghị định số 10/2020/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô. Trong đó, lực lượng công an là nòng cốt kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo khoản 2 Ðiều 5 Nghị định 100/2019/NÐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. Ðặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định, đối với trường hợp đỗ xe không đúng quy định để xảy ra tai nạn, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm. Trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ bảy đến 15 năm tù.

Quy định là vậy, nhưng trong xử lý vi phạm về dừng đỗ và bắt khách dọc đường cũng vướng nhiều điểm, nếu không bắt quả tang thì rất khó xử lý. Lại thêm chuyện không ít nhà xe còn thuê xe ôm theo dõi động thái của lực lượng chức năng để báo cho lái xe né tránh. Một vấn đề khác, theo nhiều chuyên gia, thiết bị giám sát hành trình đã được sử dụng trong mấy năm qua nhằm giúp quản lý vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là các trường hợp xe chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng, nhưng không phải tổ chức, cá nhân nào cũng chấp hành.

Một vấn đề nữa, theo ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, việc xử lý vi phạm của đối tượng “xe dù bến cóc” sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự chung tay của người dân, hành khách. Ông khuyến cáo người dân cần tự giác nói không với “xe dù bến cóc”, hành khách nên vào bến mua vé để được bảo hiểm trách nhiệm dân sự suốt quá trình di chuyển.