Thành phố vì cả nước, cùng cả nước

Hơn 40 năm sau dấu mốc lịch sử giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh hôm nay có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Sự vươn lên của thành phố không chỉ tác động đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mà còn góp phần tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước.

Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã góp phần tăng cường giao thương hàng hóa và khách hàng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã góp phần tăng cường giao thương hàng hóa và khách hàng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình liên kết, hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thành phố đến các tỉnh trong vùng tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư phát triển ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2017 đã có 11 DN của TP Hồ Chí Minh đến đầu tư sản xuất nông nghiệp vào các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… với tổng số vốn đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng.

Ðiển hình là sự kiện hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh phối hợp hoàn thành dự án kiên cố kênh N23 trên địa bàn huyện Trảng Bàng và dự án nạo vét, nâng cấp Kênh tiêu T38 - Củ Chi dài 5,48 km với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Hoặc như vào cuối năm 2017, thành phố đã triển khai một số mô hình liên kết phát triển chăn nuôi đã hoạt động trên địa bàn hai huyện Chợ Gạo, Tân Phước của tỉnh Tiền Giang. Dựa trên thế mạnh của từng tỉnh, thành phố đã có những chương trình liên kết để phát huy tiềm năng nông nghiệp của từng địa phương, đồng thời, tạo thêm nguồn cung an toàn cho thị trường thành phố.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhận thấy Long An có thế mạnh về nông nghiệp lại gần TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Công ty San Hà đã tham gia chương trình kích cầu tại Long An. Năm 2008, công ty xây dựng dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại và có quy mô lớn tại huyện Bến Lức, Long An. Nhất là công ty đã đầu tư các giống gà truyền thống, đặc trưng của địa phương theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm gia cầm. "Việc đầu tư của công ty chúng tôi đã cung cấp cho các siêu thị hàng nghìn con/ngày, với sản lượng ngày càng tăng. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng, tăng cường dòng sản phẩm gà ta Long An, vịt Long An, gà ta Hương Thảo nuôi ở Long An nhằm cung cấp những mặt hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường cả nước nói chung và thành phố nói riêng", bà Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ.

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn Long An cũng là hướng đi của Công ty Ba Huân. Hiện, công ty đã mở trang trại, nhà máy thực phẩm tại Long An, thực hiện mô hình công nghệ cao và khép kín để đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ trên lĩnh vực nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh còn kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam trên nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại, du lịch… Ðiều đó tạo cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng GDP khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp và khu vực công nghiệp - xây dựng, tăng dần tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ.

Từ sự kết nối này, hệ thống kết cấu hạ tầng toàn vùng tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các tuyến giao thông như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tăng cường giao thương hàng hóa và khách hàng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Các cuộc hội thảo chuyên đề, hội chợ, triển lãm… trong khuôn khổ các chương trình hợp tác, liên kết vùng đã quảng bá hình ảnh, tiềm năng và nhu cầu của các địa phương, góp phần tạo sức hấp dẫn nhiều hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cũng như về xã hội cho toàn vùng.

Ngoài vùng kinh tế trọng điểm phía nam, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường hợp tác với nhiều địa phương để gắn chặt thêm tình đoàn kết, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho thành phố cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành phố đã có những hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai chương trình ký kết hợp tác trên các lĩnh vực như du lịch, tiêu thụ nông sản sạch với các tỉnh Tây Bắc. Bên cạnh việc cử các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật thành phố lên các tỉnh Tây Bắc hướng dẫn bà con trồng các loại cây trái, rau quả sạch, thành phố còn thiết lập quy trình thu mua nông sản, đưa đặc sản của vùng Tây Bắc đến với người dân thành phố mang tên Bác.

Gần nhất, vào ngày 13-4, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương giai đoạn 2019-2025. Việc ký kết hợp tác sẽ tạo cơ hội cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hơn thế, sự hợp tác đặc biệt này có ý nghĩa to lớn, thể hiện tấm lòng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với quê hương Bác Hồ kính yêu. Cũng trong những ngày tháng tư vừa qua, ngành du lịch của hai tỉnh, thành phố đã ký kết hợp tác, xúc tiến quảng bá hình ảnh của hai địa phương. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh phấn khởi cho biết, thông qua chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, du khách thành phố sẽ hiểu thêm về những di tích, địa danh nổi tiếng ở Nghệ An, đồng thời du khách quê Bác cũng có điều kiện khám phá thành phố, một đô thị giàu bản sắc với nhiều chương trình kích cầu du lịch của hai tỉnh, thành phố.

TP Hồ Chí Minh đang chủ động kết nối các vùng trong quá trình phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung với sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa thành phố với các tỉnh trong vùng. Sự phối hợp giữa thành phố với các tỉnh trong vùng vẫn thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao, dẫn đến phát triển còn dàn trải, thiếu định hướng và chiến lược phát triển chung. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình chuỗi thực phẩm an toàn. Qua thời gian liên kết vùng, sản lượng sản phẩm tham gia mô hình này trong hoạt động liên kết phát triển ngành nông nghiệp giữa thành phố và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn ít, đồng thời, người tiêu dùng thành phố chưa có thông tin nhiều về các sản phẩm của chuỗi an toàn thực phẩm. Mặt khác, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, vì thế chưa tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Ðông-Nam Á và hướng tới quốc tế. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực. Với truyền thống năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh sẽ vững vàng vượt qua mọi thử thách, vươn lên tầm cao mới, xứng đáng là thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".