Tăng cường dịch vụ và nguồn lực con người

Cần bắt đầu từ đâu, như thế nào để có được những giải pháp hiệu quả ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Học sinh mầm non hào hứng tham gia Ngày hội thể thao (Sports day) do nhà trường tổ chức.
Học sinh mầm non hào hứng tham gia Ngày hội thể thao (Sports day) do nhà trường tổ chức.

- Thưa bà, hiện đang có ngày càng nhiều cơ quan có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, song trên thực tế nhiều vụ việc xâm hại tinh thần, thân thể trẻ em vẫn xảy ra.

Đáng nói, có những vụ bị dư luận lên tiếng khi đó cơ quan chức năng mới vào cuộc, và sự vào cuộc này cũng chậm trễ, gây bức xúc. Ý kiến của bà về vấn đề này?

- Mặc dù có rất nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa có một mạng lưới cán bộ bảo vệ trẻ em đủ năng lực ở cấp cơ sở để phát hiện, đánh giá kịp thời các nguy cơ, hay vụ việc xâm hại trẻ em, áp dụng hay chuyển gửi ngay vụ việc đến những dịch vụ thích hợp để hỗ trợ, bảo vệ trẻ em hiệu quả.

Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, cần có một mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp ở tận cấp cơ sở để có thể phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với xâm hại trẻ em. Họ có vai trò, quyền hạn theo dõi, giám sát và đánh giá tiến trình cung cấp dịch vụ bảo đảm các bên liên quan như y tế, công an, tòa án, viện kiểm sát... vào cuộc hỗ trợ kịp thời và bảo vệ thích đáng quyền lợi của trẻ em.

Ở Việt Nam, từ năm 2010, Chính phủ đã có Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) trong đó đề ra mục tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ một đến hai cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định”.

Tăng cường dịch vụ và nguồn lực con người ảnh 1

Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn chậm. Hơn nữa, quy định vị trí này là chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên, chỉ được hưởng phụ cấp, mức phụ cấp không được tăng theo niên hạn là rào cản rất lớn trong việc thu hút và duy trì một đội ngũ cán bộ ổn định, có chất lượng ở cơ sở…

- Liên quan hệ thống các quy định hiện hành, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn những lỗ hổng khiến cho nạn xâm phạm trẻ em về tinh thần, thân thể chưa bị xử lý thích đáng?

- Trước hết, phải nói đến vấn đề độ tuổi của trẻ em. Luật Trẻ em định nghĩa: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Điều đó khiến cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa được bảo vệ đầy đủ, trong khi nghiên cứu và các số liệu thống kê cho thấy đây là độ tuổi rất nhạy cảm với xâm hại và bóc lột, đặc biệt xâm hại, bóc lột tình dục. Nhiều hình thức xâm hại, bóc lột đối với trẻ em hiện vẫn chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ và rõ ràng, với các chế tài đủ nghiêm khắc. Thí dụ, trong khi quan niệm “yêu cho roi cho vọt…” vẫn còn đang hết sức phổ biến ở nhiều nơi, nhiều bộ phận dân cư trong xã hội, pháp luật lại chưa quy định trực diện về việc nghiêm cấm mọi hình thức trừng phạt thân thể đối với trẻ em, cho dù trong gia đình, ở nhà trường hay ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì…

Bên cạnh những lỗ hổng luật pháp thì những khiếm khuyết trong thi hành pháp luật cũng làm cản trở hiệu quả phòng, chống xâm hại, bóc lột trẻ em…

Việc triển khai thi hành những quy định mới của pháp luật còn chậm và chưa đồng bộ. Đơn cử như chuyện Luật Tổ chức tòa án nhân dân đã quy định việc hình thành tòa gia đình và người chưa thành niên với tư cách là một tòa chuyên trách xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp thành lập tòa này và mới chỉ ở cấp tỉnh/thành phố.

- Với một hiện trạng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như vậy, để có thể ngăn ngừa hiệu quả các vụ xâm hại tinh thần, thân thể trẻ em, theo bà, cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài ra sao?

- Cần tiếp tục các nỗ lực để xây dựng, kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cấp cơ sở, tăng cường vai trò chỉ đạo điều phối của chính quyền địa phương trong việc xử lý các trường hợp vi phạm quyền trẻ em…

Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội và Chương trình bảo vệ trẻ em để từng bước tăng cường nguồn lực con người cho công tác phòng ngừa, giải quyết xâm hại trẻ em, đặc biệt là ở cấp cơ sở thông qua việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã.

Mặt khác, cần tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp thông qua phát triển các trung tâm công tác xã hội, đặc biệt ở tuyến huyện, có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước vào lĩnh vực bảo vệ trẻ em thông qua các vai trò như cung cấp dịch vụ, giám sát tiến trình xử lý vụ việc của các cơ quan nhà nước.

Về lâu dài, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em. Việc tiếp tục điều chỉnh, kiện toàn luật pháp và chính sách về bảo vệ trẻ em là hết sức quan trọng để bảo đảm mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại, bóc lột, và được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ toàn diện. Trong tương lai, cần nghiên cứu thành lập các đơn vị hoặc cán bộ chuyên trách trong hệ thống cơ quan điều tra, kiểm sát, trợ giúp pháp lý, chuyên giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em.

- Trân trọng cảm ơn bà!