Sổ hộ khẩu và câu hỏi ngỏ

Công luận những ngày qua nóng lên chuyện bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30-10-2017, với đủ cả các chiều cảm xúc, vui có, băn khoăn có... Cuối cùng, đại diện Bộ Công an đã khẳng định, không bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân mà chỉ thay đổi cách quản lý.

Nhằm bảo đảm quyền công dân, cơ quan nhà nước cấp cho công dân nhiều giấy tờ liên quan, đều là dưới dạng thủ công. Khi làm thủ tục hành chính, công dân phải trình nhiều giấy tờ, phiền phức, mất thời gian.

Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội đã ban hành Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, trong đó giao Bộ Công an khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Hiện nay công tác quản lý dân cư được thực hiện bởi nhiều bộ, ngành, nhưng lại thiếu đi sự kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung dữ liệu. Đưa tất cả thông tin lên một cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia có đủ chấm dứt tình trạng khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân hay không?

Câu hỏi này được đặt ra không phải không có lý, bởi được gợi dẫn trở lại với câu chuyện cải cách Giấy đăng ký kinh doanh (ĐKKD) một thời!?

Hồi sửa Luật Doanh nghiệp 2014, một trong những nội dung được coi là bước tiến lớn là đơn giản hóa nội dung ghi trên Giấy ĐKKD, đặc biệt là về ngành nghề kinh doanh. Thay vì ghi trên Giấy ĐKKD, các nội dung này được chuyển lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cách làm này cũng tương tự như đề án của Bộ Công an là đưa các nội dung trong sổ hộ khẩu vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Khi các doanh nghiệp cầm Giấy ĐKKD mẫu mới đi xin các loại giấy phép khác, các cơ quan nhà nước lại không cấp phép vì không rõ doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề nào? Cơ quan quản lý cũng không có động tác tra chéo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia. Cuối cùng, doanh nghiệp phải vòng về cơ quan đăng ký kinh doanh, xin thêm một tờ giấy khác (gọi là giấy trắng) để ghi những thông tin đã được bỏ trong Giấy ĐKKD (gọi là giấy vàng). Chung quy lại cũng chỉ vì cách làm nửa vời, mà cho đến giờ giấy trắng, giấy vàng vẫn tồn tại làm khó cho doanh nghiệp!

Quay lại chuyện Sổ hộ khẩu. Nếu theo phương án cải cách thủ tục hành chính Bộ Công an trình, thì sau khi Quốc hội sửa Luật Cư trú, Công an dừng cấp sổ thủ công mà chuyển sang quản lý bằng dữ liệu thông tin hiện đại. Nhưng vấn đề lại nằm ở những thủ tục hành chính khác, khi mà đi đăng ký kết hôn, đi xin học cho con, đi đăng ký nhà đất, xin việc ở cơ quan nhà nước và vô số các thủ tục khác, luôn đòi hỏi phải trình Sổ hộ khẩu. Lúc đó liệu có tái diễn câu chuyện giấy vàng - giấy trắng?

Nếu không được xử lý đến tận cùng, thì câu chuyện của 100 triệu dân với vài chục triệu cuốn sổ hộ khẩu và hàng chục thủ tục hành chính cần đến cuốn sổ này sẽ phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vài trăm nghìn doanh nghiệp hiện vẫn đang phải giữ khư khư hai tờ giấy vàng và trắng.
Mong rằng một kịch bản tương tự không lặp lại.