Siết kiểm định chất lượng đại học

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư quy định các hoạt động liên quan kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) trong các trường đại học (ĐH) đã được hơn ba năm, nhưng hoạt động này vẫn đang bị “thả lỏng”.

Giảng viên Trường ĐH Trà Vinh hướng dẫn SV thực hành trên máy CNC do trường tự chế tạo.
Giảng viên Trường ĐH Trà Vinh hướng dẫn SV thực hành trên máy CNC do trường tự chế tạo.

Những lựa chọn khác biệt
 
 Được biết đến nay trên cả nước có hơn 200 cơ sở giáo dục ĐH nhưng mới có khoảng hai phần ba số này thực hiện kiểm định xong chất lượng giáo dục. Thực tế cho thấy, những trường đi tiên phong đã có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn về đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, cũng như xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong mỗi cơ sở. Nhiều chương trình KĐCLGD uy tín quốc tế như (HCERES) của ĐH Pháp, Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI), chuẩn của Mỹ (ABET), (ACBSP), chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA) đã được một số trường ĐH thực hiện.
 
 PGS,TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Khi quyết định chọn các chương trình đào tạo để mời các tổ chức KĐCLGD uy tín ở nước ngoài vào thực hiện kiểm định là chúng tôi mong muốn có được sự đánh giá khách quan nhất, chính xác nhất và đón nhận những lời tư vấn tốt nhất để hoạt động của trường tốt hơn. Cũng thông qua đánh giá ngoài của các tổ chức này, người học, xã hội nhìn vào những kết quả đánh giá, thấy được nỗ lực của nhà trường trong việc đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo và nghiên cứu hoàn toàn minh bạch.
 
 Bên cạnh những trường ĐH rất ý thức trách nhiệm trong việc mời các tổ chức KĐCLGD uy tín quốc tế thực hiện đánh giá kiểm định, vẫn còn không ít trường chưa thực hiện được việc này. Nguyên nhân của việc lần lữa kiểm định là sự e ngại khi mời các trung tâm kiểm định về đánh giá ngoài, rất có thể sẽ lộ ra những điều mà trường chưa đạt được.
 
 Cần minh bạch trách nhiệm
 
 Theo quy định, cứ 5 năm, các trường sẽ phải kiểm định lại một lần. Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về KĐCLGD ĐH đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bên, từ các trường đến các trung tâm KĐCLGD. Bộ GD&ĐT cũng từng yêu cầu các trường phải thực hiện “ba công khai” liên quan hoạt động đào tạo của trường. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng công khai đầy đủ, đã vậy, số liệu còn chưa thật đáng tin cậy (như tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp). Nhiều báo cáo được cho là chỉ để “làm đẹp” nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút người học. Một số chuyên gia giáo dục còn cảnh báo, cách KĐCLGD, nhất là phần “tự đánh giá” mà nhiều trường ĐH hiện nay thực hiện chưa thật sự phù hợp.
 
 Mới đây, thông tin về một số trường ĐH công lập được trao quyền tự chủ sẽ tăng học phí đào tạo khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chất lượng đào tạo có được nâng lên tương xứng? Ngay sau đó, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP với nhiều điểm mới. Điểm nổi bật, sẽ gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà còn gắn với kết quả KĐCLGD của các trường.
 
 Tuy nhiên, còn một số nghi ngại khi một số trường ĐH “non chuẩn” đã mời trung tâm này, trung tâm kia về kiểm định để dùng kết quả “vẫn đạt” hợp thức hóa hoạt động. Rõ ràng, một khi công tác kiểm định bị mất đi tính khách quan, sẽ không còn vai trò góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH.
 
 Đề cập trách nhiệm quản lý, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) từng thừa nhận, cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như các chế tài về công tác KĐCLGD còn chưa cụ thể; một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục đại học…); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm.
 
 Theo Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm và KÐCLGD. Củng cố, tăng cường năng lực, đồng thời tăng cường tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với hệ thống bảo đảm và KÐCLGD ở các cơ sở giáo dục và tổ chức KÐCLGD nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục ÐH. Sẽ kiện toàn tổ chức để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm và KÐCLGD; ban hành hệ thống văn bản nội bộ để quản lý, tổ chức, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm và KÐCLGD; xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng và thực hiện việc duy trì, phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo… Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KÐCLGD để giám sát kết quả hoạt động trong công tác bảo đảm và KÐCLGD của các cơ sở giáo dục ÐH.
 
 

 Đến nay, cả nước có bảy trung tâm KÐCLGD, với năm trung tâm công lập và hai trung tâm tư nhân mới được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động.