Siết chặt quản lý thuốc bằng công nghệ

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam đang lưu hành khoảng 22.000 loại thuốc, nhưng việc quản lý, bán thuốc chữa bệnh vẫn còn khá lỏng lẻo khi người dân có thể tự do mua được thuốc kháng sinh. Thực trạng ấy đang đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý nghiêm ngặt nhằm kiểm soát thuốc kém chất lượng, chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc.

Ứng dụng CNTT sẽ giúp loại bỏ mọi hành vi có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: HẢI NAM
Ứng dụng CNTT sẽ giúp loại bỏ mọi hành vi có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: HẢI NAM

Mua thuốc dễ như… mua rau!

Nhiều người dân Việt Nam hiện vẫn có thói quen ngại đến bệnh viện, bỏ qua việc thăm khám, kê đơn của bác sĩ, tự ý mua thuốc để điều trị bệnh, nhất là các loại thuốc kháng sinh như: Penicillin, Erythrormycin, Zinnat… Việc mua thuốc không kê đơn diễn ra quá dễ dàng, tới mức nhiều người vẫn dí dỏm ví rằng “dễ như mua rau”.

Ghi nhận từ thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu mắc các bệnh thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản... nhưng bị biến chứng nguy hiểm chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng một cách vô tội vạ. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện này cho biết: Nhiều gia đình khi thấy trẻ mới chỉ hắt hơi, sổ mũi... đã ngay lập tức ra cửa hàng mua thuốc cho trẻ uống mà không cần chỉ dẫn theo đơn của bác sĩ, hoặc họ lấy lại đơn thuốc cũ hay tìm kiếm hướng dẫn trên mạng để đi mua thuốc. Theo ông Điển, đây là việc làm rất nguy hại, vì nếu dùng không đúng thuốc, không đúng liều lượng rất dễ khiến bệnh thông thường biến chứng ra những bệnh nguy hiểm tới tính mạng.

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng phải thốt lên rằng: “Không ở đâu lại có thể mua bán thuốc thoải mái như ở Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. Tôi đã từng vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc kháng sinh Amoxicillin thì được chủ quầy thuốc bán ngay. Trong khi đó, ở nước ngoài, thuốc kháng sinh Amoxicillin không phải dễ dàng có thể mua được”.

Theo các chuyên gia, việc dễ dàng mua, sử dụng thuốc của người dân và sự tùy tiện kê đơn thuốc của các dược sĩ tại các quầy thuốc là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng sử dụng thuốc tràn lan hiện nay. Đây là tình trạng đáng báo động, hậu quả của nó chính là sức khỏe của người dân bởi thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi”, thuốc để chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng cũng dễ dàng cướp đi cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân do kháng kháng sinh.

Kiểm soát bằng ứng dụng công nghệ thông tin

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có hơn 61.000 nhà thuốc và 22.000 loại thuốc đang được lưu hành với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng trên thực tế cơ quan chức năng gần như không quản lý được giá cả thế nào với các loại thuốc thông dụng. Nước ta cũng là một trong không nhiều nước trên thế giới còn bán thuốc không cần đơn và việc này đang dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về an toàn và hiệu quả trong sử dụng thuốc, trong quản lý sử dụng thuốc và giá thuốc...

Vì lý do đó, các cơ quan chức năng, Bộ Y tế, thời gian qua đã quyết tâm tìm các giải pháp hiệu quả để kiểm soát việc bán thuốc không cần đơn, bên cạnh kiểm soát giá cả, nhất là triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Trong đó quy định rõ, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy vậy, dù đã quy định nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200 đến 500 nghìn đồng. Theo các chuyên gia, mức phạt đó là thấp, lại khó có thể thanh, kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm.

Giải pháp quản lý mới nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Đây được coi là giải pháp sẽ gián tiếp và tiến tới trực tiếp loại bỏ mọi hành vi có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc, giúp thị trường này minh bạch hơn. Khi tham gia hệ thống này, các cơ sở cung ứng sẽ kê khai vào hệ thống đơn thuốc mà họ bán, các thuốc đang còn tồn trong kho, nguồn gốc, giá cả… Từ đó, người quản lý cũng phát hiện được ngay nếu nhà thuốc có thuốc quá hạn, cơ quan quản lý cũng phát hiện được khi kiểm tra trên hệ thống nếu có việc bán thuốc cao hơn giá kê khai, mua bán thuốc có theo đơn hay không…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có một bộ phận nhà thuốc không muốn, hoặc cố tình không tham gia vào hệ thống này. Hiện đang là giai đoạn đầu tiên kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, toàn hệ thống đã cấp tài khoản cho gần 4.200 cơ sở bán lẻ và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc. Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Có hai khó khăn khi áp dụng biện pháp quản lý này. Thứ nhất từ chính người dân, những bệnh thông thường muốn ra nhà thuốc mua ngay, không cần khám bác sĩ. Trong khi người bán lo ngại việc mình tuân thủ bán theo đơn, nhưng nhà thuốc bên cạnh lại bán tự do thì rất dễ mất khách. “Khó làm, song không thể không làm. Văn minh là phải mua bán thuốc theo đơn của bác sĩ, như vậy vừa có hiệu quả chữa bệnh, vừa không lãng phí tiền mua thuốc, và không gây ra tình trạng kháng kháng sinh”, bà Tiến nêu quyết tâm.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, Việt Nam đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại quầy, nhà thuốc. Để đạt mục tiêu đề ra đó, thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát để điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp lý về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, sao cho các quy định có hiệu lực điều chỉnh thực tế, khắc phục tình trạng mua bán, dùng thuốc không theo đơn, đưa hoạt động của thị trường thuốc thật sự đi vào nền nếp.