Sau những nỗi đau

Nạn xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn đang xảy ra dưới các hình thức khác nhau. Cùng với việc lên án và xử lý vụ việc, một vấn đề lớn cần thiết hiện nay là xây dựng hệ thống hỗ trợ pháp lý và tư vấn tâm lý hiệu quả để tránh di chứng lâu dài cho cá nhân và xã hội.

Thành viên của Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (V.E.O) tổ chức lớp Dạy kỹ năng phòng, chống thiên tai cho các em nhỏ tại điểm Trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Thành viên của Tổ chức Tình nguyện vì giáo dục (V.E.O) tổ chức lớp Dạy kỹ năng phòng, chống thiên tai cho các em nhỏ tại điểm Trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Tội ác và chứng cứ mong manh

Vụ việc xảy ra tại quận 9, TP Hồ Chí Minh gần đây là trường hợp em Nguyễn Kiều L. (sinh năm 2002). Vì nghĩ Lâm Thanh T. là bạn bè cũ, đang gặp khó khăn nên L. cho mượn 2 triệu đồng. Nhưng khi đến nhà T. đòi lại thì bị hắn kéo vào phòng dùng vũ lực để cưỡng hiếp.

T. còn đe dọa là đã lén chụp ảnh của L. trong lúc cưỡng hiếp, vì thế nếu không nghe lời y sẽ đưa lên mạng in-tơ-nét để làm nhục. Từ đó, tên T. dùng tấm hình này để khống chế L. và đã làm cho em có thai. Sự việc được gia đình tố giác, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) ra quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng em L. đồng thuận, trong khi các chứng cứ phía nạn nhân cung cấp cho Cơ quan điều tra và lời khai đều cho thấy có đầy đủ dấu hiệu của hành vi cưỡng hiếp của tên T.

Tương tự, vụ việc đau lòng xảy ra ở quận 10, TP Hồ Chí Minh, nạn nhân là em N. 14 tuổi, đến nhà bạn gái của mình chơi thì bị anh của bạn là P. dụ dỗ đi bụi rồi quan hệ nhiều lần. Trong quá trình điều tra, phía gia đình nạn nhân đã cung cấp cho cơ quan CSĐT một băng ghi âm về lời thú tội và hành vi giao cấu của P. đối với em N. Đặc biệt P. thừa nhận mọi hành vi và phía gia đình P. đề nghị được bồi thường cho bị hại số tiền 75 triệu đồng. Tại buổi hòa giải giữa hai bên, điều tra viên đã giải thích rõ cho P. là việc bồi thường những tổn thất này không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của người vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đến nay cơ quan CSĐT vẫn giữ quan điểm không khởi tố vụ án.

Một vụ khác gây ra sự phẫn nộ dư luận, đó là anh rể hiếp dâm em vợ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Lợi dụng mối quan hệ anh rể, em vợ, tên L. đã dùng thủ đoạn rủ em vợ đi ăn rồi đưa em vào một khách sạn nói là để gặp khách hàng sau đó dùng vũ lực cưỡng hiếp. Hậu quả là em H. phải sinh con khi vừa bước qua tuổi 16. Qua xét nghiệm ADN xác định rõ đứa con mà H. sinh ra chính là đứa con sinh học của tên L. Khỏi phải nói là gia đình em H. đã chua xót như thế nào khi phát hiện sự thật. Đau đớn hơn khi họ phải làm đơn tố cáo người mà từ lâu đã là thành viên trong gia đình. Song Cơ quan CSĐT đã không khởi tố vụ án, vì cho rằng không xác định được địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, do H. không thể nhớ nổi cái khách sạn mà người anh rể lòng vòng nhiều quãng đường đưa em đến? Các mối quan hệ trong gia đình giờ đây đều tan vỡ, kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, khiến nỗi đau gia đình em như càng nhân đôi, chưa biết bao giờ mới bình yên.

Xoa dịu nỗi đau

Từ các vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, việc khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can luôn có rất nhiều khó khăn, ngáng trở cho cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, để khởi tố vụ án đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong khi, chứng cứ của các vụ án xâm hại tình dục thường rất yếu vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Rất nhiều người dân không hiểu biết đầy đủ về luật pháp, quyền của chính mình và quyền của con em, đã không tìm đến luật sư nhờ can thiệp ngay từ đầu trong khi phía bên gây hại thường mau chóng thuê luật sư tư vấn để che đậy chứng cứ. Điều này không chỉ khiến hành trình đưa thủ phạm ra ánh sáng khó khăn, mà sang chấn tâm lý đối với nạn nhân, cũng như người nhà của họ lâu dài và hết sức nặng nề.

Đã từng đồng hành cùng các gia đình nạn nhân trong một số vụ việc xâm hại trẻ em, điều chúng tôi luôn trăn trở, đặt câu hỏi, là sau những tội ác, biết bao em bé không thể lớn lên bình thường vì những vết thương dài và sâu sắc đó? Có bao gia đình không thể vượt qua nỗi đau, phải đi lánh nạn, thậm chí mắc những chứng bệnh liên quan thần kinh? Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, cùng với những nỗ lực trừng trị kẻ phạm tội, một việc cũng rất cần thiết là cần thăm khám và điều trị tâm lý kịp thời cho các nạn nhân sau khi bị cú sốc giáng xuống, mới có cơ may giúp các em không phải chịu di chứng lâu dài lên tinh thần và cả thể xác. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “kịp thời” vì nếu không nhờ chuyên gia và bác sĩ tâm lý can thiệp đúng thời điểm, các sang chấn tâm lý sẽ đi theo các em cả đời. Bản thân cha mẹ các em cũng cần hệ thống hỗ trợ tư vấn pháp lý và tư vấn tâm lý để có thể phát hiện các thay đổi của con mình khi bé bị hành hạ, ngược đãi.

Một khía cạnh quan trọng khác, là cần có phương cách kiểm tra và điều trị bệnh tâm lý, tinh thần cho những kẻ xâm hại, hành hạ trẻ em. Bởi đó có thể là dấu hiệu của người có bệnh. Một người bình thường, một người cha, một người ông có suy nghĩ thì không bao giờ có thể hành động đồi bại với những đứa trẻ. Đưa các đối tượng này vào các trung tâm điều trị tâm lý, tinh thần, cách ly khỏi xã hội, đặc biệt khỏi các em nhỏ; tuyệt đối không được tham gia các công việc liên quan hay tiếp xúc trẻ em. Điều này rất nhiều quốc gia đã làm.