Nhìn lại năm 2016

Phép thử “điểm sàn”

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 vừa được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ bỏ quy định “điểm sàn”, không hạn chế thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành, trường mình thích. Tương tự, các cơ sở giáo dục cũng được tự chủ tuyển sinh, song sẽ phải chịu sự cạnh tranh, đào thải quyết liệt của xã hội nếu không bảo đảm chất lượng.

Thực tế mùa tuyển sinh trước cho thấy, đã có khoảng 20% thí sinh có điểm trên điểm sàn nhưng đã từ chối cánh cửa đại học mà bước vào các trường dạy nghề, chứng tỏ nhiều người học đã ý thức hơn năng lực bản thân cũng như coi trọng chất lượng đào tạo. Tâm lý bằng cấp của không ít bậc cha mẹ cũng có những chuyển biến tích cực trước thực tế khá đông cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Vấn đề được nhiều chuyên gia nhìn nhận lúc này là, liệu các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) đã nhận ra những thách thức cạnh tranh hay chưa? Cạnh tranh không chỉ trong cùng hệ thống, mà sẽ còn phải cạnh tranh với xã hội, với những đòi hỏi cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh mới có thể hiểu là chính sách “mở đầu vào, thắt đầu ra” ĐH với vai trò giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải là việc Bộ có giám sát chặt chẽ được chất lượng giảng dạy của các trường hay không khi số lượng các trường ĐH, CĐ ngày càng nhiều, ông Thành chất vấn.

Cùng một mối lo ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh phân tích, việc bỏ điểm sàn là tất yếu và nó sẽ có lợi cho các trường tốp dưới, trường ngoài công lập vì các trường tốp trên, tốp giữa những năm qua đều có điểm sàn riêng và mức điểm sàn này thường cao hơn điểm sàn của Bộ. Tuy nhiên, cũng cần phải tăng cường giám sát chặt các trường tốp dưới, ngoài công lập vì có khả năng họ sẽ có nhiều cách “vơ vét” thí sinh gây xáo trộn và khó khăn cho các trường CĐ, trường trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến còn băn khoăn, khi chưa thấy rõ bằng chứng bảo đảm Bộ sẽ quản lý chặt chất lượng trong quá trình đào tạo. Lãnh đạo một trường ĐH cảnh báo: “Nếu các trường kiểm soát chặt đầu ra thì thử hỏi khi tỷ lệ tốt nghiệp chỉ vài chục phần trăm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường, lãng phí xã hội sẽ tăng lên khi có nhiều sinh viên vào học rồi không theo được. Còn nếu không thắt chặt đầu ra thì chất lượng đào tạo nhân lực sẽ thế nào, chưa kể những tiêu cực có thể xảy ra như mua điểm, xin điểm...”.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, quy chế mới này như một “phép thử” của Bộ GD-ĐT đối với việc tự nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trước xu thế hội nhập. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi “thả cửa” vào đại học, bản thân các trường sẽ phải tổ chức đào tạo nghiêm túc, đồng thời cũng chịu sự đánh giá, kiểm định chất lượng của các tổ chức độc lập và của các đối tượng sử dụng lao động. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thì sẽ sớm bị đào thải. “Đó là điều chắc chắn, bởi hiện nay thông tin phát triển mạnh, cả người học lẫn xã hội đều có thể đánh giá về chất lượng của từng trường” - ông Lý nhấn mạnh.

Trên quan điểm chất lượng giáo dục phải dựa vào quá trình, phương pháp đào tạo của nhà trường và cách thức học tập của sinh viên - PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, cần làm tốt khâu hậu kiểm mới là quan trọng. “Trên thực tế, giữa chương trình học phổ thông và đại học là rất khác nhau. Điểm sàn sẽ không còn ý nghĩa khi điều kiện tối thiểu để các trường xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT. Tất nhiên phải dựa vào một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng” - ông Hùng nói.

Như vậy, có thể thấy, để bảo đảm chất lượng đào tạo sau giáo dục phổ thông, vấn đề phân luồng hướng nghiệp sớm là hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp các TS xác định trúng năng lực bản thân, tự tin lựa chọn ngành nghề, lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp nhất với mình.