Ðổi mới căn bản, toàn diện nhà trường - cách nào?

LTS - Hơn lúc nào hết, cùng với rất nhiều khó khăn phải vượt qua, thời điểm này, ngành giáo dục đồng thời phải tiếp tục triển khai những giải pháp “đổi mới căn bản, toàn diện” cụ thể và hiệu quả như tinh thần Kết luận số 51/KL-TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư. Căn cứ vào một số kết quả nghiên cứu mới đây, GS, TSKH Ðặng Ứng Vận, Trường đại học Hòa Bình gửi cho Nhân Dân cuối tuần bài viết về sự cần thiết phải xây dựng một mô hình nhà trường đổi mới.

Ðổi mới giáo dục mới chỉ từ trên xuống không đủ để trở thành tư tưởng, hành động của các thầy cô giáo. Ảnh: Ðức Anh
Ðổi mới giáo dục mới chỉ từ trên xuống không đủ để trở thành tư tưởng, hành động của các thầy cô giáo. Ảnh: Ðức Anh

Bốn phát hiện quan trọng

Ðể có cái nhìn thực tế về đổi mới trong nhà trường, một nhóm các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tiến hành công trình nghiên cứu về thực hiện đổi mới chính sách giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Dự án HF-BC-UG). Ðây là công trình được Trường đại học Glasgow (xếp hạng 99 trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2020) đảm nhiệm vai trò nghiên cứu chính với một số đối tác là các trường đại học tại Việt Nam. Dữ liệu cho Dự án HF-BC-UG được thu thập từ 20 trường (10 trường tiểu học và 10 trường trung học cơ sở) với hơn 800 giáo viên trên cả ba miền của Việt Nam theo phương thức thu thập trực tiếp thông tin qua bộ câu hỏi tại các trường học cùng với thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với hiệu trưởng, trưởng bộ môn và giáo viên đứng lớp về các khía cạnh chính của đổi mới.

Những phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu HF-BC-UG có thể giúp chúng ta nhận thức được những điểm chính sau: Thứ nhất, trình độ phát triển chuyên môn nghiệp vụ (CMNV) cao hơn của giáo viên có liên quan những thay đổi trong dạy - học, cơ cấu tổ chức và sự tự chủ của nhà trường; gắn kết với việc xây dựng văn hóa trường học tích cực cho phép triển khai các cải tiến mới; và từ đó dẫn đến những thay đổi trong lãnh đạo (bottom up) - thay vì lâu nay vẫn được coi là lãnh đạo dẫn đến những thay đổi trong văn hóa học đường và phát triển CMNV (top-down).

Thứ hai, chính đội ngũ giáo viên, thay vì các nhà quản lý hay lãnh đạo nhà trường, đang là những nhà sáng kiến hàng đầu để thực hiện các phương pháp và kỹ thuật sư phạm, đánh giá mới. Các cơ hội phát triển CMNV được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) và các phòng GD-ÐT quận, huyện cung cấp từ bên ngoài trường học thông qua các lớp tập huấn được các giáo viên cho rằng không có hiệu quả trong việc trang bị cho họ các kỹ năng và kỹ thuật cần thiết để đáp ứng năng lực và nhu cầu học tập của thế kỷ 21; ngược lại, giáo viên cảm thấy rằng chỉ có sự phát triển CMNV trong trường học có chất lượng cao và phù hợp mới cho phép họ đạt được các kỹ năng cụ thể để áp dụng các phương pháp lấy học viên làm trung tâm trong các lớp có trình độ học sinh khác nhau.

Thứ ba, giáo viên thừa nhận một số mâu thuẫn trong tư duy về bộ kỹ năng và thực hành mới mà họ cần có để hoàn thành việc đổi mới toàn diện và bày tỏ mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo việc dạy học trong việc thực hiện các phương pháp sư phạm và đánh giá mới. Ðặc biệt, khi áp dụng các phương pháp sư phạm lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên cảm thấy cần được hỗ trợ nhiều hơn để cải thiện việc dạy và học như là có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc giảng dạy, sách giáo khoa phù hợp phương pháp giảng dạy linh hoạt và quy mô lớp học nhỏ hơn. Nói chung, giáo viên trường tiểu học có xu hướng áp dụng các phương pháp đánh giá và thực hành sư phạm mới thuận lợi hơn và thấy được lợi ích của việc đó.

Thứ tư, có sự khác biệt đáng kể về năng lực của các trường trong việc cung cấp chất lượng cao trong phát triển chuyên môn trong trường dẫn đến nguy cơ khoảng cách công bằng giữa các trường sẽ mở rộng ra thay vì thu hẹp lại.

Ðổi mới theo cách thức mới

Kinh nghiệm nhiều năm triển khai đổi mới giáo dục Việt Nam cho thấy, những đổi mới được rót từ trên xuống đã không có đủ thời gian để thấm sâu vào đội ngũ giáo viên và trở thành tư tưởng, hành động của các thầy cô giáo. Suy nghĩ về một cách triển khai đổi mới và hiệu quả hơn là rất cần thiết.

Sau quá trình nghiên cứu, dự án HF-BC-UG đã đưa ra một số khuyến nghị về việc thực thi đổi mới (xem Implementing Vietnam’s School Renovation’s Policy The HEAD Foundation June 2019). Theo đó, ưu tiên số một là các trường phải chính thức hóa việc tổ chức các phương pháp tiếp cận bên trong nhà trường đối với sự phát triển CMNV của giáo viên và lãnh đạo nhà trường để bảo đảm tính toàn diện tới tất cả giáo viên và trong tất cả các lĩnh vực đổi mới - dạy, học, đánh giá, cơ cấu tổ chức và lãnh đạo - dựa trên nguyên tắc một nhà trường tự chủ hay còn gọi là Quản trị dựa trên trường học. Ðây là một chiến lược để cải thiện giáo dục bằng cách chuyển thẩm quyền ra quyết định về ngân sách, nhân sự và chương trình giảng dạy từ các sở và quận cho từng trường. Ðiều đó giúp hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh có điều kiện kiểm soát tốt hơn quá trình giáo dục.

Tiếp đó, cần có một mô hình chính thức cho việc phát triển CMNV trong trường học - như kiểu các cộng đồng học hỏi CMNV với phương pháp thống nhất đối với tất cả giáo viên để cùng cải thiện việc dạy và học. Có thể có những cách học tập cộng đồng khác nhau, nhưng HF-BC-UG khuyến nghị nên ưu tiên đề xuất phương pháp học tập hành động hợp tác. “Học tập hành động” là một cách tiếp cận giải quyết vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hành động và suy nghĩ sâu sắc về kết quả. “Hợp tác” được hiểu là việc học tập hành động được thực hiện trong một nhóm người. Phương pháp học tập này rất gần với triết lý “học đi đôi với hành” của Việt Nam. Ði kèm với chu trình: “hành động - tư duy phê phán về kết quả - đề xuất điều chỉnh - hành động”, điểm nâng cao của học tập hành động là ở cấp độ nhận thức đòi hỏi phải cao, không chỉ ở cấp vận dụng mà còn phải phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Nếu xem xét đến bối cảnh của sự cần thiết phải đổi mới việc học của thế hệ trẻ khi tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 chuyển từ nền giáo dục may sẵn sang nền giáo dục may đo thì trước tiên cần đưa việc bồi dưỡng CMNV của các thầy cô giáo ra khỏi trạng thái “may sẵn” hiện nay. Trong bối cảnh đó, những khuyến nghị của HF-BC-UG áp dụng các mô hình quản trị dựa trên trường học, xây dựng các cộng đồng học hỏi CMNV và áp dụng phương pháp học tập hành động hợp tác là những kiến nghị có giá trị và cần được sớm tổ chức thực hiện.