Ở nơi mái đầu bạc tìm thấy an vui

Tết chuẩn bị đến Xuân sắp sửa về, nhiều viện dưỡng lão đang bắt tay vào lo một cái tết ấm áp xum vầy. Viện đã trở thành mái ấm, là điểm hẹn để không ít người tìm đến, mang theo hơi ấm sẻ chia từ cộng đồng đối với những người già neo đơn.

Lựa chọn sống ở nhà dưỡng lão không ít cụ cảm nhận có một mái ấm, có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, giao lưu và an dưỡng.
Lựa chọn sống ở nhà dưỡng lão không ít cụ cảm nhận có một mái ấm, có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, giao lưu và an dưỡng.

Ấm áp, sẻ chia khi xế bóng

Những ngày này, đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Quảng Ninh đặt trụ sở tại TP Uông Bí, bất kỳ ai cũng cảm nhận được nhịp sống yên bình, giản dị và ấm áp… Góc sân này có cụ tản bộ, góc kia có người ngồi lặng ngắm những tia nắng đông qua kẽ lá, ngắm nhìn những quả non mới nhú trên cây… Bên thềm, mấy cụ bà ngồi thủ thỉ chuyện ngày xưa, trong phòng phục hồi chức năng các cụ ông đang kiên trì luyện tập!

Có “thâm niên” 10 năm sống ở trung tâm, cụ Nguyễn Thị Nga, 87 tuổi, vừa đi châm cứu hơn một tháng ở bệnh viện về, chia sẻ: “Ông nhà tôi mất rồi. Tôi không có con nên ở với em trai và cháu. Nhưng rồi em trai tôi cũng yếu, nên tôi vào đây. Có người chăm sóc, bầu bạn, tôi thấy rất mãn nguyện”. Còn cụ Nguyễn Văn Đĩnh 76 tuổi, tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi, tại sao khỏe mạnh vậy lại xin vào đây, con cái thế nào, nhà cửa có không? Với tôi những thứ đó có hết, hai con trai đã xây dựng gia đình, một lái xe, một bộ đội biên phòng. Vợ tôi mất rồi, hằng ngày con cháu đi làm, đi học, còn một mình tôi ở nhà buồn lắm! Ở trong này tôi sống vừa thấy vui vừa thoải mái. Mỗi năm vào dịp Tết các đoàn thiện nguyện đến trò chuyện, tặng quà khiến chúng tôi thấy ấm áp. Năm ngoái có đoàn thiện nguyện của ngành ngân hàng đến, hứa năm nay sẽ lại đến. Hôm rồi gọi điện hẹn nữa”.

Tại trung tâm, có nhiều cụ có gia đình, có lương hưu nhưng lựa chọn đến sống là bởi họ mong muốn có được cuộc sống ấm áp, chia sẻ cùng những người đồng cảnh. Điều ấy không dễ có được, nhất là ở những thành phố. Chị Phạm Thị Ngoan, cán bộ Trung tâm cho biết, tình trạng sức khỏe người già thường không giống nhau. Trung tâm đã bố trí mỗi người đều có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng phù hợp với sức khỏe và tính cách. Đối với một số cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.

Tại một cơ sở khác là Trung tâm BTXH III Hà Nội, thuộc Sở LĐ-TB và XH Hà Nội, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí ấm áp khi các cụ già có một mái ấm, có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, giao lưu và an dưỡng. Tuổi cao, các cụ thường mắc nhiều bệnh mãn tính, như tim mạch, tiểu đường, xương khớp, việc thường xuyên được quan tâm, chăm sóc vô cùng cần thiết. Với nét mặt tươi vui, an lành, cụ Võ Thế Ái (96 tuổi) cho biết, cụ đến Trung tâm vào năm 2012 và cảm thấy đây là mái nhà của mình.

Làm việc tại đây đã hơn 10 năm, y sĩ Lê Thị Kim Thanh - Trưởng phòng y tế, chia sẻ, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các cụ hiện ngày một tốt hơn. Đặc biệt, vào dịp lễ, tết, Trung tâm được đón những tấm lòng các nhà hảo tâm đến tặng quà, giao lưu văn nghệ. Để chăm lo tết cho các cụ, năm nào trung tâm cũng tặng các cụ quà Tết, dù không nhiều nhưng có đủ bánh mứt, bánh chưng để các cụ cảm nhận được không khí xuân đầm ấm.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm dưỡng lão không chỉ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội, mà đã mở ra phương thức mới cho một vấn đề không nhỏ của xã hội hiện đại.

Thay đổi cách nhìn cũ…

Dư luận hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về chuyện nên hay không nên đưa cha mẹ vào sống ở trung tâm dưỡng lão. Có nhiều người nhìn nhận, điều này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, thậm chí là bất hiếu. Song, cũng có không ít người đồng quan điểm, trong một xã hội hiện đại, việc đưa các bậc cha mẹ, ông bà vào chăm sóc tại các trung tâm là văn minh bởi nó mang đến môi trường sống phù hợp và an toàn cho người già. Dường như luồng ý kiến sau đã đánh trúng vào tâm lý chung của xã hội nên đã có ngày một nhiều trung tâm chăm sóc người cao tuổi được mở ra, và cũng có nhiều gia đình chọn đây là nơi gửi gắm người thân. Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức (Hà Nội), là một trong năm trung tâm có uy tín ở Hà Nội hiện chăm sóc cho gần 300 cụ. Hầu hết các cụ ở trung tâm đều thấy hứng khởi, thoải mái với cuộc sống tại đây. Cụ Hồ Tấn Thạch, nhà ở Yên Viên (Gia Lâm) tuy đã 88 tuổi nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn, nhớ lại, sau khi người vợ qua đời, dù sống cùng gia đình con gái nhưng cụ vẫn thấy cô đơn vì đa phần thời gian cụ ở một mình. Lúc đầu, khi cụ đưa ra nguyện vọng được vào sống ở trung tâm dưỡng lão, con cháu lưỡng lự lắm vì sợ mang tội bất hiếu. Nhưng khi đến trung tâm tìm hiểu, thấy cảnh quan đẹp, nhân viên thân thiện, tiện nghi đầy đủ, con cháu đã đồng ý, và sau đó thấy an tâm vì sức khỏe của cụ tốt lên nhiều.

Trò chuyện thêm với các cụ tự nguyện sống tại các trung tâm dưỡng lão, nhiều cụ bày tỏ rằng, con cái đưa mình vào đây sống cũng đã là báo hiếu. Bởi chi phí cho một suất vào sống ở nhà dưỡng lão cũng khá đáng kể, du di từ 7-13 triệu đồng/người/tháng tùy theo điều kiện của từng cụ. Cụ Nguyễn Thị Hải bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng mình nên tạo điều kiện cho con cái, để chúng được rảnh rang làm ăn, đỡ phải lo ngay ngáy cha mẹ già ở nhà một mình”.

Điều quan trọng nhất với người già chính là được sống vui khỏe, được chia sẻ, bầu bạn… Và những trung tâm đã mang lại cho họ cuộc sống mới. Xuân hạ thu đông, năm tháng qua đi, nhưng ở mái nhà dưỡng lão, thời gian không phải là những khắc trên chiếc đồng hồ. Người già ở đây có cách đếm thời gian riêng, đó là những lần đón người thân, đón sự chia sẻ của cộng đồng và hơn cả là sự cùng nhau vui sống từ những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống.