Nông nghiệp trở mình đón sóng đầu tư

Làn sóng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư vào nông nghiệp đã, đang diễn ra. Với những cách làm mới, tư duy mới, làn sóng này được kỳ vọng sẽ mang đến một sức bật mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức cần tháo gỡ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành.

Vinamilk là một trong số doanh nghiệp tiên phong đầu tư hệ thống trang trại khép kín, tự động hóa. Ảnh: HÀ ANH
Vinamilk là một trong số doanh nghiệp tiên phong đầu tư hệ thống trang trại khép kín, tự động hóa. Ảnh: HÀ ANH

Cuộc đua của những ông lớn

Sau làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của một số DN lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai hay Công ty CP Đầu tư & Phát triển Nguyễn Kim vào giai đoạn 2011- 2012, thì gần đây, tiếp tục có một làn sóng đầu tư mới vào nông nghiệp.

Điều dễ nhận thấy, lượng vốn đổ vào ngành nông nghiệp “khủng” hơn, số lượng DN tên tuổi cũng nhiều hơn, trong đó có những “đại gia” chưa từng đầu tư vào lĩnh vực này. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu VinEco, cung cấp nông sản sạch bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap cho chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ của chính mình. Hay như PAN Group cũng triển khai một loạt các dự án đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Hiện tại tập đoàn này đang sở hữu quy mô sản xuất khá đa dạng, từ sản xuất giống cây trồng, chế biến hạt điều, nuôi trồng chế biến thủy, hải sản, kinh doanh nước mắm và mới đây đầu tư sản xuất kẹo lợi khuẩn. Bước đầu mô hình đầu tư của PAN Group đã cho thấy hiệu quả. Làn sóng đầu tư còn có sự góp mặt của nhiều DN lớn như Him Lam, FPT hay mới đây là ô-tô Trường Hải cũng có kế hoạch sẽ hợp tác với Hàn Quốc đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn.

Cuộc đua đổ vốn còn phải kể đến các DN nước ngoài, trong đó không thể không nói đến DN Nhật. Họ nhận thấy tiềm năng để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hứa hẹn. Mới đây, một tập đoàn của Nhật là Ushichan đã hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn để phát triển chuỗi chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)…

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng NN&PTNT, thời gian qua, cơ chế chính sách và khung pháp lý thu hút đầu tư vào nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Nhờ đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài (FDI)) vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 28 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên hơn 30 nghìn tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần)… Riêng dự án FDI vào nông nghiệp được cấp phép còn hiệu lực đến tháng 6-2016 có 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774,9 triệu USD…

Một thị trường tiêu thụ hơn 90 triệu dân trong nước, và những thị trường xuất khẩu rộng mở như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, hay châu Âu nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, chính là lực hấp dẫn để dòng vốn đổ vào ngày một nhiều hơn!

Chữa bệnh “chậm lớn” của DN nông nghiệp

Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP chung (thống kê năm 2014). Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hằng năm đổ vào nông nghiệp của Việt Nam cũng chỉ trên dưới 1% tổng quy mô vốn đầu tư… Người đứng đầu cơ quan này, ông Nguyễn Văn Bình lý giải, một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ trọng vốn đầu tư vào nông nghiệp ở mức khiêm tốn là bởi phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; DN, hợp tác xã chậm phát triển; thiếu tính liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Về điểm này, các chuyên gia của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng nhìn nhận, chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, năng suất và chất lượng còn thấp…

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH nhìn nhận, vướng mắc cản trở vốn đầu tư là do Việt Nam chưa có cơ chế đặc thù cho từng ngành hàng. Bà Hương lấy thí dụ tại Nga, khi DN bà sang đầu tư gần như không phải lo về đất đai, và còn được cơ chế chính sách rất ưu đãi... Còn theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn, đất đai, vốn và quy hoạch đang là rào cản lớn nhất trong quá trình đầu tư của DN. Vì vậy, DN mong muốn Nhà nước sớm xem xét lại việc sửa đổi Luật Đất đai… Điều đáng nói, chúng ta cũng thiếu sự liên kết giữa các bộ, ban, ngành, thiếu cơ chế chính sách đồng bộ để thúc đẩy DN nông nghiệp.

Để khơi luồng vốn đổ vào nông nghiệp và tạo nên bước chuyển thực chất cho ngành này, từ những điểm sáng ban đầu của những DN tiên phong, cần tạo nên môi trường để có ngày một nhiều hơn nữa DN thay đổi tư duy “chỉ biết làm lương thực” sang tư duy “nông nghiệp làm giàu”, tạo nên giá trị gia tăng lớn hơn cho nông nghiệp.

Muốn vậy, trước hết cần triển khai các giải pháp như cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. Mặt khác cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với DN, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Muốn thúc đẩy nông nghiệp phát triển, hãy bắt đầu từ cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất!

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 (2007) lên 3.640 DN (2015) và 9 tháng năm 2016 là 4.080 DN. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới năm tỷ đồng chiếm 55%...