Những cánh đồng bị bỏ hoang

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Bước chuyển từ thay đổi tư duy

Nông nghiệp vẫn là một ngành trọng điểm, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Bởi vậy cần nhận diện tốt vấn đề đất nông nghiệp bị bỏ lãng phí để tìm ra các giải pháp hiệu quả, giải quyết tận gốc tình trạng "ly nông, ly hương", để giữ lại sự sống bền vững cho nông nghiệp.

Cần những cách làm và tư duy mới về nông nghiệp, để người dân tăng thu nhập, tránh bỏ ruộng hoang.
Cần những cách làm và tư duy mới về nông nghiệp, để người dân tăng thu nhập, tránh bỏ ruộng hoang.

Cơ hội cho phát triển?

Tình trạng người dân bỏ ruộng diễn ra trong một thời gian dài và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hỏi chuyện lãnh đạo nhiều xã, những năm đầu chính quyền vất vả vận động người dân gieo cấy, nhưng rồi dân bỏ mãi cũng thành quen, lãnh đạo cấp xã phân tích: Khi dân đầu tư mười đồng mà không có đồng lãi nào thì có ép họ cũng không làm. Chủ tịch UBND xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) Nguyễn Tiến Hưng và không ít người dân còn đưa ra lập luận về thực tế: Xưa phải dùng trâu bò kéo cày, người dân có ít sự lựa chọn về công việc nên phải bám đồng ruộng, dù vất vả. Nay họ lựa chọn việc nhàn, thu nhập cao hơn.

Sự lựa chọn của người dân có thể mang lại cho họ sự cải thiện trước mắt về thu nhập và đời sống, nhưng xét trong dài hạn, với một đất nước mà nông nghiệp vẫn là ngành mũi nhọn, tình trạng "ly nông" mang lại những tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn nói riêng và sự phát triển của quốc gia nói chung. Thực trạng này buộc chúng ta cần phải nhìn nhận lại về cơ chế quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời đòi hỏi chính sách đột phá về nông nghiệp.

Sau kết quả khảo sát về tình trạng bỏ ruộng vào năm 2013, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cũng đã nêu lên những kiến nghị như về phía địa phương phải có quy hoạch sản xuất theo định hướng phát triển lợi thế về địa lý, thị trường, tập quán để quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh. Các tỉnh, huyện phải khẩn trương làm hoặc điều chỉnh quy hoạch phù hợp để làm căn cứ cho các xã quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch phải gắn với đầu tư hạ tầng tương thích bảo đảm phát triển bền vững. Trên cơ sở định hướng đó, người dân sẽ yên tâm hơn khi đầu tư sản xuất.

Ở cấp độ của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, kiến nghị cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước với các vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng; Ðổi mới cơ chế, xây dựng chính sách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tham gia xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nhằm tạo ra liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Ðây phải được coi là giải pháp có tính quyết định nhất để tăng thu nhập bền vững cho nông dân.

Cần thêm nhiều chính sách ưu tiên

Cũng phải nhìn nhận, những năm qua, chính sách về nông nghiệp đã có nhiều đổi mới, như Ðề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", được Chính phủ phê duyệt vào ngày 10-6-2013, theo Quyết định số 899/QÐ-TTg đã bước sang giai đoạn 2. Theo nhiều chuyên gia, đây là một hành trình đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhằm tiếp tục có những cải cách nhằm phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo Nghị định 55/2015/NÐ-CP; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo Nghị định 109/2018/NÐ-CP; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo Nghị định 57/2018/NÐ-CP…

"Nhưng chúng ta thấy rằng nông nghiệp chưa phát triển đúng với tiềm năng. DN chưa mặn mà đầu tư bởi làm nông nghiệp rủi ro rất cao, nên cần thêm những sự hỗ trợ khác nữa, ưu tiên cho phát triển trang trại theo mô hình hộ gia đình", ông Tạ Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Giảm nghèo và An sinh xã hội (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh.

Là người trăn trở với nỗi thấp thỏm của người nông dân, tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, hiện nay một trong những giải pháp quan trọng là phát triển các mô hình trang trại gia đình, trồng các loại cây lâu năm kết hợp chăn nuôi. Ðến nay, cả nước có khoảng 150 nghìn trang trại. Tuy nhiên kinh tế trang trại lại chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá chậm, khiến nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính dè dặt, chưa dám đầu tư lớn.

Tạo bước đột phá

Nhìn vào thực trạng, đánh giá những bước phát triển nổi bật và thừa nhận những hạn chế nhất định của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đổi mới chính sách, trọng tâm là chính sách đất đai; tổ chức lại sản xuất, phát triển DN. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2030, chuyển đổi khoảng 400 đến 500 nghìn héc-ta đất trồng lúa sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn, làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Những năm qua, ở các địa phương đang dần hình thành các mô hình tích tụ ruộng đất, một hộ gia đình nhận hàng chục mẫu ruộng để sản xuất. Ngay như Thanh Hóa, từ năm 2013, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh, tuyên truyền động viên nhân dân giao đất cho các tổ chức chính trị xã hội nhận ruộng sản xuất; ban hành các chính sách cho các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp lớn. Ông Vũ Quang Trung, Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Thanh Hóa), cho hay, nếu không làm tốt thì số diện tích bỏ hoang phí sẽ còn tăng. Một khi có những đột phá, những mô hình tốt, có thu nhập cao thì cũng sẽ thu hút được chính người dân đầu tư lớn trên mảnh đất của quê hương họ.

Ðứng bên những cánh đồng màu mỡ của vựa lúa miền bắc, nhiều người nông dân trăn trở nhưng chưa tìm được hướng đi. Cần phải giúp họ làm giàu trên những cánh đồng "bờ xôi ruộng mật". Dẫu biết đó là hành trình dài, gian nan, nhưng đã có hướng mở, vấn đề còn lại là sự đồng hành từ cơ chế chính sách để người dân tìm được động lực gắn với ruộng đồng và giàu lên từ làm nông.