Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Bài 4: Cho những ngư trường xanh

Cần sớm thay đổi tư duy khai thác manh mún, tập trung nguồn vốn đầu tư lớn cho đánh bắt vươn khơi.
Cần sớm thay đổi tư duy khai thác manh mún, tập trung nguồn vốn đầu tư lớn cho đánh bắt vươn khơi.

Tài nguyên hải sản không phải là vô tận. Hậu quả của nạn khai thác tận diệt và sử dụng ngư cụ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đã rõ ràng. Bây giờ là lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để cải thiện, giúp ngư dân thay đổi tư duy cùng bảo vệ tài nguyên và phát triển nghề cá bền vững, hướng tới những “ngư trường xanh”.

Nâng cao “sức khỏe” toàn ngành

Do tiềm lực của người dân có hạn, chỉ sở hữu tàu thuyền nhỏ, nên nhiều tàu thuyền chỉ có thể “bám bờ”. Kết quả là sản lượng khai thác của ngư dân rất thấp và trên các bến bãi, các chợ hải sản lượng cá nhỏ, hải sản tạp chiếm số lượng lớn. Những con số thống kê đã nói lên tất cả: Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có 9.800 tàu cá, số tàu cá dưới 20 CV hoạt động ven bờ chiếm hơn 55%; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Ninh, thống kê toàn tỉnh có 7.600 tàu thuyền khai thác, nhưng chỉ có khoảng 600 tàu thuyền đánh bắt xa bờ; Quảng Bình có hơn 8.000 tàu thuyền, thì cũng chỉ có hơn 1.400 tàu khai thác xa bờ; Còn tại Hà Tĩnh, có hơn 6.000 tàu thuyền, trong đó có khoảng 1.176 chiếc khai thác xa bờ, số còn lại công suất dưới 20 CV, chủ yếu là đánh bắt gần bờ.

Hơn bao giờ hết, lúc này cần những chính sách cụ thể, thiết thực, nhằm tạo ra chuyển biến cũng như “sức khỏe” cho toàn ngành khai thác thủy, hải sản. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế khi xây dựng ý kiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy, hải sản trên thị trường quốc tế.

Hướng tới hiện thực hóa mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế từ khai thác hải sản, tại Đà Nẵng, ngay từ ngày 2-10-2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” với tổng kinh phí hơn 1.112 tỷ đồng nhằm nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân thành phố Đà Nẵng, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi, giải quyết việc làm nâng cao đời sống của ngư dân; gắn khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kết quả thực hiện đề án này, đến năm 2018, Đà Nẵng đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 84 tàu cá xa bờ với kinh phí 66 tỷ đồng; thực hiện các chương trình khuyến ngư với kinh phí hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng. Nhiều ngư dân được hỗ trợ, đã cảm thấy có động lực phát triển kinh tế khi được hưởng lợi từ Đề án có ý nghĩa nhân văn lớn.

Còn tại Khánh Hòa, từ năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Theo đó, phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, chất lượng tốt, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế; sản phẩm đa dạng phục vụ cho xuất khẩu và phát triển du lịch; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020, tại Khánh Hòa, tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 113.760 tấn; giảm dần số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ, đặc biệt là nhóm tàu công suất dưới 20 CV. Cùng với đó, Khánh Hòa cũng đang chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng triển khai thực hiện một số chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy sản có nguy cơ cạn kiệt tại các vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.

Quyết tâm là như vậy, nhưng để đạt được mục tiêu là cả một hành trình dài, nhọc nhằn bởi tâm lý khai thác manh mún của người dân. Đồng thời, để các chính sách đi vào thực chất, hiệu quả, cần có sự nhìn nhận, khảo sát, đánh giá hiệu quả công việc. Nhìn rộng trong toàn ngành, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho rằng, ngành khai thác thủy sản phải thay đổi ngư trường đánh bắt để giảm áp lực cho ven bờ. Một số tỉnh đã và đang hiện đại hóa máy móc thiết bị để nâng cao năng lực tàu thuyền, có thể vươn khơi xa hơn. Song để xây dựng đội tàu công suất lớn thì phải có thời gian và cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân.

Tăng mô hình ngư dân bảo vệ môi trường

Có một mô hình được xây dựng tại Quảng Nam rất đáng được quan tâm học tập, nhân rộng thêm các mô hình có cách làm hay. Như tại các xã Tam Tiến (huyện Núi Thành); xã Bình Hải (huyện Thăng Bình) và Duy Hải (huyện Duy Xuyên)... từ năm 2013 đã xây dựng mô hình Ban Đồng quản lý khai thác hải sản, và đã đẩy lùi nạn khai thác tận diệt. Ở những nơi đó, chính quyền và ngư dân thống nhất phương pháp quản lý hải sản bền vững. Chính quyền và ngư dân cũng thống nhất ban hành các quy chế khai thác trong vùng biển như kích thước, lượng cá, phương tiện khai thác bao nhiêu mã lực, thời gian khai thác… Từ đó, nâng cao nhận thức ngư dân khi tham gia quản lý tài nguyên và môi trường vùng khai thác. Lão ngư dân Nguyễn Văn Luận (xã Tam Tiến) vui mừng nói: Nhờ các cấp chính quyền vào cuộc, người dân hưởng ứng nên hoạt động của Ban Đồng quản lý khai thác hải sản khá thuận lợi. Mỗi ngày, mỗi ngư dân chỉ cần chừa lại vài trăm cá thể nhỏ thôi, thì cả vùng sẽ có rất nhiều cá thể có cơ hội phát triển.

Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt ảnh 1

Trong vùng khai thác của tỉnh Phú Yên, một số ngư dân đã tổ chức khai thác kết hợp bảo vệ nguồn thủy lợi, đặc biệt là bảo vệ san hô, các hệ sinh thái biển vùng bờ của cộng đồng ngư dân, người dân ven biển. Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên), nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác bằng chất nổ, kích điện và những ngư cụ bị cấm vẫn tái diễn là do xử lý vi phạm chưa đủ nghiêm và kinh doanh tràn lan. Lực lượng chức năng cần tuyên truyền cho cả những người kinh doanh ngư cụ, cấm kinh doanh những ngư cụ nguy hiểm cho môi trường biển.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên khẳng định: Sau một thời gian kiên trì vận động và dùng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Phú Yên đã dần đi vào nền nếp. Một mặt, tỉnh Phú Yên cũng đã tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tầm nhìn xa hơn

Là đơn vị quản lý ngành dọc, Bộ NN và PTNT cho rằng, hướng tới hoạt động khai thác bền vững cần giảm sản lượng khai thác tầng đáy, tăng sản lượng khai thác tầng nổi và khai thác sâu hơn với nhóm mực, bạch tuộc, cá nục, cá sòng đối… trên toàn vùng biển; điều chỉnh số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi xa (công suất 90 CV trở lên) đến năm 2020 là 30.500 chiếc. Ngoài ra, với tầm nhìn xa hơn, Tổng cục Thủy sản sẽ tiến hành quy hoạch và hình thành các khu bảo vệ nguồn giống thủy sản tại một số bãi đẻ, bãi nuôi ương.

Chung tay cùng Bộ NN và PTNT, tỉnh Kiên Giang cũng triển khai xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên biển Thổ Chu. Các tỉnh khu vực Bắc Bộ đề xuất thực hiện cấm khai thác bằng lưới vây, lưới kéo đáy, chụp tại các bãi đẻ, bão ngang từ tháng 3 đến tháng 4; khu vực miền trung cấm khai thác từ tháng 4 đến tháng 5; khu vực Đông Nam Bộ cấm khai thác từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5. Nhiều Chi cục Thủy sản các địa phương đã đề xuất cho tổ chức lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh với cơ chế hoạt động như ở cấp Trung ương.

Tất nhiên, để có những “ngư trường xanh” không thể thiếu sự phối hợp của các bộ, ngành khác, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, tăng cường kiểm soát nguồn xả thải gây ô nhiễm, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Chỉ khi nào nguồn nước biển được cải thiện, nạn khai thác tận diệt được kiểm soát, nguồn thủy sản có cơ hội sinh sôi, nảy nở và phát triển, thì khi ấy, nguồn cá tôm bà con khai thác được mới dồi dào.